Cảnh giác khi nghe quảng cáo về thực phẩm Dạ dày Tuệ Tĩnh

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý việc thông tin tthực phẩm Dạ dày Tuệ Tĩnh do Viện nghiên cứu Y - Dược Cổ truyền Tuệ Tĩnh công bố và chịu trách nhiệm có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quảng cáo.
12:10 | 24/03/2022

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm,  trong thời gian vừa qua trên website https://dadaytuetinhchinhhang.vn quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Tuệ Tĩnh vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Sản phẩm này do Viện nghiên cứu Y-Dược Cổ truyền Tuệ Tĩnh Địa chỉ: Số 2 Trần Phú, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm, sản xuất Xưởng sản xuất – Địa điểm kinh doanh Công ty TNHH Dược phẩm Smard Địa chỉ: Thôn Thượng, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong những năm gần đây đã có rất nhiều cơ sở quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm cho người mua giữa thực phẩm bảo vệ sức khỏe với thuốc chữa bệnh bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt.

Ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết hiện nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng, đặc biệt là các quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Google, Facebook, YouTube...

Qua công tác giám sát, hậu kiểm và thanh, kiểm tra, Cục đã phát hiện không ít trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân để đào tạo sinh viên, bán thực phẩm chức năng trái phép. Ca sĩ, diễn viên… quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng. Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai.

"Một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận nên sẵn sàng vi phạm. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm", ông Phong nêu.

Do vậy, theo thừa nhận của lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, nhiều trường hợp cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên không thể xử lý. Do đó, đối với trường hợp này, Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo trên website của Cục và thông báo để các phương tiện truyền thông đưa tin.

Về phía người dân, theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, có thực tế là nhiều người nghe tin theo các quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm chức năng, các phương pháp điều trị truyền miệng mà không tuân thủ hướng dẫn của ngành Y tế, đến khi uống thực phẩm chức năng, thực phẩm quảng cáo mà không khỏi bệnh, mới quay lại làm theo hướng dẫn thì đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều trị bệnh.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, dù có nhiều kết quả trong quản lý thực phẩm chức năng, tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, tồn tại nhất định.

Đặc biệt là một số website vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có máy chủ đặt ở nước ngoài nên rất khó khăn trong việc kiểm soát, xử phạt.

Nhiều trường hợp không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm nên gặp nhiều khó khăn trong khâu quản lý nội dung quảng cáo và không có cơ sở để xử lý vi phạm.

Đồng thời, nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn hạn chế về số lượng và năng lực, chưa đáp ứng được với tình hình thực tế trong quản lý và hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe”.

"Tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh không chỉ tạo hiểu lầm cho người dân, mà còn gây nên sự bất bình đẳng với doanh nghiệp chân chính, cần xử nghiêm", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

comment Bình luận