Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo định cư ở Úc: Tiền mất, tật mang!

Hàng loạt vụ án về lừa đảo xuất khẩu lao động, định cư lâu dài tại Úc (Australia) đã được Tòa án đưa ra xét xử và tuyên những bản án nghiêm minh. Tuy nhiên, thủ đoạn lừa đảo đi xuất khẩu lao động hay định cư tại Úc ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều người đã rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” khi tin vào những lời “đường mật” của các công ty môi giới. Câu chuyện của nạn nhân Nguyễn Thị Thùy Tr., ở TP.HCM là một ví dụ.
7:00 | 27/04/2023

Hàng loạt vụ án về lừa đảo xuất khẩu lao động, định cư lâu dài tại Úc (Australia) đã được Tòa án đưa ra xét xử và tuyên những bản án nghiêm minh. Tuy nhiên, thủ đoạn lừa đảo đi xuất khẩu lao động hay định cư tại Úc ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều người đã rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” khi tin vào những lời “đường mật” của các công ty môi giới.

Không được cấp phép nhưng vẫn… “tư vấn, thu tiền, cam kết”

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Thùy Tr., trú tại một chung cư ở Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM. Do có nhu cầu muốn đi định cư lâu dài tại nước ngoài, bà được Công ty CP Auwin Group Việt Nam nhận tư vấn, môi giới và cam kết hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý để bà sang định cư tại Australia theo diện Visa 186 – thường trú nhân.

Được biết, Công ty CP Auwin Group Việt Nam do bà Phan Thanh Huyền (SN 1993, thường trú tại số 655 Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) làm giám đốc và người chịu trách nhiệm trước pháp luật của doanh nghiệp. Doanh nghiệp này mới đăng ký hoạt động từ tháng 7/2019.

Phần thông tin quảng cáo về năng lực của bà Phan Thanh Huyền, Giám đốc Công ty Công ty CP Auwin Group Việt Nam ở một website nước ngoài. Ảnh chụp màn hình website: https://vn.linkedin.com

Theo cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì Auwin Group chỉ được: “Hoạt động của đại lý tư vấn, giới thiệu và môi giới lao động, việc làm trong nước (không bao gồm dịch vụ môi giới, tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động).

Tuy vậy, thực tế Auwin Group lại đang làm dịch vụ môi giới cho người đi định cư tại Australia (?!).

Ngày 24/3/2021, gia đình bà Tr. tiến hành kí kết Hợp đồng dịch vụ để phía Công ty Auwin thực hiện tư vấn, hoàn thành thủ tục để bà sang định cư tại Australia theo diện Visa 186.

Mặc dù chưa được pháp luật cho phép nhưng tại hợp đồng dịch vụ ký với khách hàng, Công ty Auwin khẳng định: “Auwin Group là doanh nghiệp hoạt động hợp pháp theo pháp luật Việt Nam và có đầy đủ khả năng và kinh nghiệm để cung cấp dịch vụ nhập cư”.

Tiếp đến, tại khoản 1.2, Điều 1 nội dung Hợp đồng khẳng định: “Auwin Group tư vấn, hỗ trợ, thay mặt khách hàng thực hiện các công việc có liên quan đến việc nhập cư của khách hàng vào Úc”.

Auwin còn cam kết: “Tư vấn và thực hiện hợp đồng đúng tiến độ được quy định tại hợp đồng, phụ lục hợp đồng và đảm bảo các hồ sơ, giấy tờ chuẩn bị cho khách hàng là hợp lệ theo quy định của pháp luật Úc”.

Theo Phụ lục A của hợp đồng thì khách hàng phải thanh toán cho Auwin phí dịch vụ 5.000 AUD (đô la Úc), tương đương: 80.919.000 VNĐ ngay sau khi phụ lục hợp đồng được ký kết.

Tại Phụ lục B của hợp đồng, khách hàng tiếp tục phải nộp thêm các khoản phí dịch vụ là 195.000 AUD tương đương số tiền 3.155.837.100 VNĐ.

Theo giải thích của hợp đồng thì “phí dịch vụ bao gồm”: chi phí dịch vụ của Auwin Group, phí chuyển phát nhanh. “Phí dịch vụ không bao gồm”: Phí Chính phủ (xin visa, quảng cáo, SAF…) là 10.000 AUD (tương đương 161.838.000 VNĐ); Phí tay nghề: từ 5.000 - 9.900 AUD (tương đương từ 80.919.000 – 160.219.000 VNĐ); Phí luật sư 10.000 AUD (tương đương 161.838.000 VNĐ)… Nếu luật sư tham gia thực hiện đánh giá tay nghề cho khách hàng thì phí luật sư sẽ là 15.000 AUD tương đương 242.757.000 VNĐ.

Công ty CP Auwin Group Việt Nam không được làm "dịch vụ môi giới, tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động".

Theo đơn phản ánh của bà Tr., vì có mong muốn đi định cư nên bà đã thực hiện theo quy định của hợp đồng và các chi phí mà đơn vị môi giới đưa ra. Sau 05 lần chuyển tiền, bà Tr. đã chuyển cho Công ty Auwin số tiền là 155.000 AUD (tương đương hơn 2,5 tỷ đồng).

Tuy nhiên, bà Tr. cho rằng, phía Công ty Auwin Group Việt Nam đã không thực hiện đúng (hoàn thành thủ tục pháp lý) như cam kết đề ra, dẫn tới việc bà Tr. không thể đi Australia. Mặc dù không thể đưa khách hàng đi định cư tại Australia như cam kết nhưng phía Công ty Auwin Group Việt Nam không chịu hoàn đầy đủ số tiền cho khách hàng.

Sau nhiều lần gửi email, gọi điện, đến gặp trực tiếp, đại diện phía Công ty Auwin là bà Phan Thanh Huyền cam kết sẽ hoàn lại một phần tiền cho khách hàng là 82.500 AUD (tương đương 1.320.000.000 VNĐ). Tuy nhiên, bà Huyền cho biết sẽ hoàn trả lại tiền cho khách hàng theo kiểu “nhỏ giọt” và trong thời gian tới 6 tháng. Số tiền gần 1,2 tỷ đồng của khách hàng còn lại thì phía Công ty Auwin Group Việt Nam nói không có trách nhiệm hoàn trả.

Ngày 7/3/2023, phóng viên đã đến văn phòng và trực tiếp gặp bà Phan Thanh Huyền để trao đổi liên quan đến đơn tố cáo của khách hàng. Tuy nhiên, bà Huyền không đồng ý trả lời mà đề nghị chuyển nội dung câu hỏi cho phía luật sư tư vấn và sẽ trả lời qua email. Mặc dù, nội dung câu hỏi đã được phóng viên gửi qua email cho bà Huyền nhưng hơn một tháng trôi qua, phía bà Huyền vẫn chưa có thông tin trả lời cho báo chí.

Làm việc với phóng viên, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương bình và xã hội) khẳng định Công ty CP Auwin Việt Nam không được cấp phép để đưa người đi xuất khẩu lao động ở Australia. Việc Công ty tuyển dụng để đưa người đi xuất khẩu lao động ở Australia là trái quy định. Vị đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng khuyến cáo người dân nên cẩn trọng với các lời mời chào đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Những thông tin về thị trường lao động ở nước ngoài và các doanh nghiệp được cấp phép đều được đăng tải công khai trên website của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Ngoài ra, Vị đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đề nghị bà Tr gửi toàn bộ hồ sơ vụ việc về Cục, nếu có “dấu hiệu” hình sự thì Cục sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xác minh, điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Hàng loạt vụ lừa đảo đi định cư, lao động tại Australia

Vào tháng 07/2022, TAND TP Hà Nội vừa xử phạt bị cáo Nguyễn Tuấn Hùng (SN 1969, ở quận Gò Vấp, TPHCM) mức án 16 năm tù, Nguyễn Minh Thanh (SN 1972, ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) 14 năm tù, Đinh Thị Hạnh (SN 1954, ở huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Có 14 người là bị hại ở nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình… với số tiền bị chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng. Những người này được các bị cáo đưa cho giấy tờ như thư mời của trang trại Australia, giấy thông báo cấp thị thực (visa) của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam để làm tin.

Thậm chí, một số người mua vé máy bay vào TP.HCM để khám sức khỏe… nhưng đều không thể xuất cảnh như mong muốn. Sau đó, họ tố cáo hành vi lừa đảo của các bị cáo.

Tháng 9/2021, Viện KSND TP.Hà Nội hoàn tất cáo trạng truy tố 2 bị can Lại Thị Vân (41 tuổi, ngụ H.Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) và Phạm Bá Trạc (62 tuổi, ngụ Q.Hà Đông, Hà Nội) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ,quy định tại Điều 174, bộ luật Hình sự năm 2015, thông qua chiêu trò lừa xuất khẩu lao động.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2015-2017, Phạm Bá Trạc và Lại Thị Vân mặc dù không có chức năng, không có khả năng làm thủ tục đưa người khác đi xuất khẩu lao động tại Úc, nhưng vẫn đưa ra thông tin gian dối, giới thiệu với nhiều người về khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động.

Trong đó, Phạm Bá Trạc ‘’nổ’’ là cán bộ cấp cao trong cơ quan Nhà nước, có nhiều mối quan hệ có khả năng xin được cho nhiều người đi xuất khẩu lao động tại Úc. Trạc, Vân cam kết người đi xuất khẩu lao động tại Úc sẽ được lao động từ 2-4 năm với mức lương khoảng từ 3.000-4.000 USD/1 tháng.

Hết thời hạn cam kết, các bị hại không được đi xuất khẩu lao động đến đòi tiền. Lúc này, hai bị can viết cam kết sẽ trả lại tiền, nhưng sau đó bỏ trốn, chiếm đoạt tiền của người nhẹ dạ. Ngày 11/7/2020, Phạm Bá Trạc đến Cơ quan điều tra đầu thú. Đến ngày 3/2/2021, Lại Thị Vân bị bắt theo lệnh truy nã. Cơ quan tố tụng xác định, Vân và Trạc đã lừa đảo chiếm đoạt của 97 bị hại với tổng số tiền hơn 29,3 tỷ đồng.

Để được định cư tại Australia (thường trú nhân), Công ty CP Auwin Group Việt Nam đã yêu cầu khách hàng phải chi trả khoản tiền khoảng 210.000 AUD (tương đương khoảng gần 3,4 tỷ đồng Việt Nam). Tuy nhiên, nếu “bất thành” khách hàng chỉ nhận lại được một phần nhỏ số tiền và được chi trả theo kiểu “nhỏ giọt” với các điều khoản ràng buộc.

comment Bình luận