Bữa ăn chỉ 11.000 đồng, sao công nhân đủ sức làm việc?

Với 11.000 đồng không thể mua được ổ bánh mì, nói gì đến việc nấu một bữa ăn tử tế cho công nhân
11:43 | 13/10/2020

Tại chương trình tọa đàm "Chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động (NLĐ)" do LĐLĐ TP HCM tổ chức mới đây tại KCN Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi, TP HCM), đại diện Công đoàn (CĐ) các KCX-KCN TP, cho biết bữa ăn giữa ca của công nhân (CN) hiện nay thành 3 nhóm: Nhóm các công ty của Mỹ, châu Âu (trên 30.000 đồng/suất); Nhóm các doanh nghiệp (DN) Nhật, Hàn Quốc (từ 20.000 đồng - 30.000 đồng/suất); nhóm các DN của Đài Loan (Trung Quốc) có giá từ 15.000 đồng - 20.000 đồng/suất.

Một đại biểu góp ý tại tọa đàm

Một nam CN tại một DN da giày trên địa bàn huyện Củ Chi cho biết rất tủi thân khi biết trị giá bữa ăn thấp nhất ở các DN là  15.000 đồng/người/suất. "Bữa ăn giữa ca ở công ty tôi hiện nay chỉ có 11.000 đồng/suất. Với 11.000 đồng thì các anh, chị đủ biết chất lượng bữa ăn ra sao. Do ăn không đủ no nên CN phải dằn bụng thêm bằng khoai, bắp … Tập thể CN và Công đoàn cơ sở nhiều lần kiến nghị cùng ban giám đốc cải thiện bữa ăn nhưng không nhận được hồi âm thỏa đáng" - Nam CN này bức xúc.

Tâm sự của nam CN nói trên đã gây sốc cho tất cả đại biểu tại tọa đàm. Thực tế, với 11.000 đồng, CN không thể mua được ổ bánh mì. Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bữa ăn của CN hiện nay dư chất bột, đường nhưng lại thiếu rau xanh, protein, vitamin. Vì thế, rất nhiều CN dù tuổi còn trẻ đã mắc nhiều bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp. Hiện nay bữa ăn của NLĐ chưa được quy định trong luật mà tùy thuộc vào sự hảo tâm của DN. Nếu không ăn no, đủ chất làm sao CN có đủ sức khỏe để làm việc?

Bữa ăn giữa ca của người lao động, rất cần được sự quan tâm của doanh nghiệp

Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016, thì nhu cầu các chất dinh dưỡng tùy thuộc theo tuổi, giới tính, mức độ lao động và tình trạng sinh lý. Với đối tượng là CN làm việc trong các KCN, nhà máy (giày da, may mặc, thuỷ sản...) thì mức độ hoạt động thể lực trung bình nặng, phần lớn là lao động nữ. Một chế độ ăn đảm bảo đủ nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng như: Năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55-65 % tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do các chất béo cung cấp chiếm 20-25% và 15-20% là từ chất đạm.

Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, thì chế độ ăn uống hàng ngày cần cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng, ăn đa dạng và phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối hợp lý: tỷ lệ đạm động vật và đạm thực vật là 30: 70. Khẩu phần ăn nên có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản... đậu, đỗ...). Ngoài ra, nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật ở tỷ lệ cân đối trong khẩu phần. Tăng cường ăn vừng lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín. Ăn đủ về năng lượng, các chất dinh dưỡng theo nhu cầu cơ thể, phân chia hợp lý các bữa ăn trong ngày.

Theo Người lao động

comment Bình luận