Bộ Y tế: Đủ quy định pháp lý phục vụ hoạt động mua sắm, đấu thầu

Một ngày sau phản ánh tại Quốc hội về việc khó mua thiết bị của đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, đại diện Bộ Y tế lên tiếng phản hồi.
17:41 | 23/10/2022

Thảo luận tổ tại Quốc hội ngày 22/10, ông Thức cho biết, 8 tháng qua các bác sĩ loay hoay mua sắm, đấu thầu trang thiết bị. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các linh kiện máy móc cao cấp như máy xạ trị, CT hỏng thì buộc phải mua đúng loại hãng đó mới sử dụng được. Tuy nhiên, nếu ghi rõ là mua linh kiện của hãng cụ thể, sẽ bị coi là vi phạm chỉ định thầu. Vì vậy, bác sĩ "như ngồi trên lửa" vì máy CT hỏng mà không biết làm sao mua thiết bị thay thế.

Ngày 23/10, ông Lê Thành Công, Vụ phó Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), cho biết điều 22 Luật Đấu thầu đã quy định cụ thể về trường hợp nêu trên. Theo đó, hình thức chỉ định thầu được áp dụng với gói thầu mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu trước đó do cần đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua từ đơn vị khác. Như vậy, máy móc tại bệnh viện mua của hãng độc quyền, khi cần thay thế linh kiện đi theo, được áp dụng chỉ định thầu.

Khám và điều trị ung thư tại khu xạ trị của bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức), ngày 13/5/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Khám và điều trị ung thư tại khu xạ trị của bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức), ngày 13/5/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Về phản ánh của bác sĩ Nguyễn Tri Thức, bệnh viện gặp khó khăn khi mua máy cao cấp độc quyền, vì không có gói giá khác để tham khảo, đại diện Bộ Y tế cho biết theo Thông tư 58 của Bộ Tài chính, có năm phương pháp làm căn cứ lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Các bệnh viện có thể áp dụng một trong các phương pháp này.

Thứ nhất, căn cứ vào báo giá hàng hóa của ba đơn vị cung cấp khác nhau trên địa bàn để xác định giá gói thầu; nếu không đủ ba đơn vị trên địa bàn thì có thể tham khảo ở địa bàn khác, đảm bảo đủ ba báo giá.

Thứ hai, dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt gồm chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá hoặc toàn bộ dự toán được bố trí để mua sắm một loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong năm.

Thứ ba, kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá với loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật Giá.

Thứ tư, giá thị trường tại thời điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống, do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố, được khai thác qua Internet.

Thứ năm, giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày.

"Điều đó có nghĩa là các bệnh viện không chỉ có lựa chọn duy nhất (là ba báo giá) để tham khảo khi mua máy cao cấp độc quyền mà có thể áp dụng một trong các phương pháp còn lại", ông Công nói.

Theo ông Công, về cơ bản đã có đủ quy định pháp lý phục vụ hoạt động mua sắm, đấu thầu. Tuy nhiên, trước phản ánh của Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế sẽ làm việc trực tiếp với đơn vị để xác định cụ thể vướng mắc ở khâu nào. Từ đó, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ việc mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện, nhằm đạt mục tiêu phục vụ tốt nhất người bệnh.

Bộ Y tế cũng đang phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), trong đó bổ sung quy định mang tính đặc thù của lĩnh vực y tế như chỉ định thầu mua thuốc cấp cứu, sinh phẩm, linh kiện thay thế đi kèm máy; cho phép áp dụng xuất xứ để phân loại chất lượng...

Ngoài ra, Bộ đang xây dựng nghị quyết của Chính phủ về đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Các văn bản pháp luật liên quan đến cấp phép lưu hành và đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế cũng đang được sửa đổi. Tiến độ cấp phép lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế được đẩy nhanh.

comment Bình luận