Bình Dương tăng F0 vì lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, đánh giá được đúng nguy cơ

Từ ngày 2/8, Bình Dương lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2. Các địa phương đã lấy mẫu test nhanh và rRT-PCR cho 257.002 người, trong đó có 8.054 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
8:54 | 19/08/2021

Bình Dương là điểm nóng của dịch Covid-19 tại khu vực phía Nam, chỉ đứng sau TP.HCM. Với số ca nhiễm tăng nhanh mỗi ngày, các chuyên gia cảnh báo địa phương này cần nhanh chóng đưa ra giải pháp hợp lý.

Theo TS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, số ca mắc mới tăng nhanh trong thời gian qua là do tỉnh đã tăng tốc trong việc xét nghiệm diện rộng trên địa bàn. "Nhiệm vụ xuyên suốt là bóc tách càng nhanh, càng tốt F0 ra khỏi cộng đồng", ông Chương nói.

Từ ngày 2/8, Bình Dương lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2. Các địa phương đã lấy mẫu test nhanh và rRT-PCR cho 257.002 người, trong đó có 8.054 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương. Ảnh: Anh Văn.

Theo ông Chương, việc xét nghiệm diện rộng nhằm mục đích phát hiện sớm, đưa đi điều trị sớm những ca có triệu chứng để được điều trị kịp thời. Những người nhiễm không có triệu chứng nếu đủ điều kiện sẽ được cách ly y tế tại nhà. Những người không đủ điều kiện sẽ đưa vào các bệnh viện dã chiến để được chăm sóc y tế.

"Số ca mắc của Bình Dương tăng chứng tỏ tỉnh đã đánh giá được đúng nguy cơ, rà soát đúng các đối tượng, không để sót, lọt F0 trong cộng đồng. Các biện pháp chống dịch đã được tỉnh tăng cường, quyết liệt, hiệu quả hơn. Nếu tỉnh tăng cường các biện pháp chống dịch mà không rà soát được ca bệnh như đã thực hiện thì coi như tỉnh đang thất bại", ông Chương khẳng định.

Giám đốc Sở Y tế Bình Dương nhấn mạnh chiến lược xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng tại tỉnh này đang đi đúng hướng. Đó là kiên trì chiến lược xét nghiệm nhằm “quét” sạch F0 ra khỏi cộng đồng, tiến tới thu hẹp “vùng đỏ”, xanh hóa “vùng vàng” và tiếp tục mở rộng, bảo vệ “vùng xanh” an toàn.

Để thực hiện chiến lược này, Bình Dương đề nghị các địa phương chủ động chuẩn bị phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh và áp dụng biện pháp phòng, chống dịch ở "mức cao hơn", không được "chậm hơn" khi xử lý tình huống.

Ông Nguyễn Hồng Chương cho biết ngành y tế Bình Dương được chi viện mạnh mẽ của Bộ Y tế, của các địa phương bạn trong cả nước với mọi lực lượng, nhân lực, trang thiết bị y tế tốt nhất để điều trị người bệnh.

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, được Bộ Y tế cử vào Bình Dương đã tham mưu giúp y tế phân tầng điều trị theo đúng mô hình của Bộ Y tế. "Chúng tôi nỗ lực tối đa để giảm các ca tử vong", Giám đốc Sở Y tế Bình Dương nói.

Để kịp thời điều trị, cứu chữa cho người mắc Covid-19, thời gian qua, các địa phương thần tốc trưng dụng, sửa chữa nhiều công trình trên địa bàn thành bệnh viện, cơ sở điều trị Covid-19 dã chiến. Tính đến giữa tháng 8, số giường tại bệnh viện dã chiến, các cơ sở điều trị Covid-19 cơ bản đã được lấp đầy theo mô hình “tháp điều trị 3 tầng” mà Bộ Y tế khuyến cáo.

Theo TS Chương, tình trạng bệnh nhân chuyển biến nặng và tử vong do mắc Covid-19 trên địa bàn Bình Dương cơ bản được kiểm soát, khống chế ở mức thấp. Các chuyên gia dự đoán số lượng này sẽ giảm mạnh trong thời gian tới khi tỉnh thu hẹp vùng dịch và dập dịch thành công tại địa bàn nguy cơ cao.

Tính đến ngày 16/8, Bình Dương đã công bố khỏi bệnh cho gần 11.000 người. Đây là nỗ lực rất lớn của các thầy thuốc Bình Dương nói riêng và sự chi viện của Bộ Y tế và các tỉnh khác.

Trong mô hình điều trị Covid-19 theo tháp 3 tầng của Bình Dương, tầng 1 (bệnh viện dã chiến) có chức năng tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhẹ, có triệu chứng. Số lượng này hiện có 4.741 người.

Bệnh viện dã chiến tầng 2 và tầng 3 đang điều trị cho 6.581 bệnh nhân. Ngoài ra, 16.976 trường hợp F0 không triệu chứng hoặc nghi ngờ F0 đang được cách ly tại các khu điều trị tạm thời.

Người đứng đầu ngành y tế tỉnh Bình Dương khẳng định trong trường hợp khẩn cấp, tỉnh này có kế hoạch đưa số giường điều trị lên trên 30.000, đủ sức đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh trong tỉnh.

"Khi đó, nhân lực ngành y tế sẽ phải cần sự chi viện tiếp từ Bộ Y tế và cả nước. Chúng ta không mong muốn điều đó xảy ra, nhưng trong kế hoạch của tỉnh đều đòi hỏi sự chuẩn bị cao hơn", ông Chương nói.

Tính từ đợt dịch thứ 4 kể từ ngày 27/4 đến sáng 19/8, tỉnh Bình Dương ghi nhận hơn 52.346 ca mắc Covid-19; 390 bệnh nhân tử vong.

comment Bình luận