Băn khoăn về giá máy thở mà Công ty Việt Phúc bán cho Bệnh viện Bắc Giang

Gói thầu máy thở được Giám đốc Bệnh viện “chỉ định” cho doanh nghiệp có giá trị lên đến hơn 20,6 tỷ đồng nhưng lại có giá cao hơn nhiều địa phương khác...
8:09 | 25/11/2021

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang nơi ông  Thân Trọng Hưng làm Giám đốc.

Ngày 11/6/2021, ông Thân Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã ký Quyết định số 874/QĐ-BVĐKT về việc “chỉ định” cho Công ty CP Thương mại Việt Phúc (136 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) trúng gói thầu “Mua trang thiết bị cho BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19”.

Gói thầu có giá trúng lên đến 20.635.000.000 đồng gồm có 12 mặt hàng. Trong đó, đáng chú ý là: 05 máy thở chức năng cao (840 Ventilator System/Puritan Bennett 840/Covidien/Ireland) có giá 700.000.000 đồng/chiếc; 15 máy thở 840 Ventilator System + Máy nén khí (806 Compressor/Covidien/ Ireland) trị giá mỗi máy 780 triệu đồng; 02 máy theo dõi bệnh nhân 7 thông số BSSM-3562/Nhật Bản có giá 210 triệu đồng/chiếc...

Quyết định "chỉ định thầu" do ông Thân Trọng Hưng ký.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đối với máy thở Puritan Bennett 840/840 Ventilator System mà Công ty Việt Phúc bán cho Bắc Giang có giá lên đến 700.000.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, theo phản ánh của Báo Tiền Phong vào giữa năm 2020, giá của một máy thở Puritan Bennett 840 tại Singapore chỉ 165 triệu đồng/chiếc. Nếu đúng với mức giá phản ánh này, thì rõ ràng Công ty Việt Phúc đang bán chênh cao cho Bắc Giang giá máy thở lên đến nhiều tỷ đồng.

Máy thở Puritan Bennett 840 tại Singapore chỉ 165 triệu đồng/chiếc.

Nhiều bệnh viện tham gia đấu thầu, mua máy thở cùng thiết bị trúng thầu với giá chưa tới 300 triệu đồng/chiếc. Vào tháng 4/2020, Bệnh viện Bạch Mai cũng mua máy thở Puritan Bennett 840 từ Công ty Tài Lộc với giá 595 triệu đồng/chiếc (thấp hơn nhiều giá so với Bắc Giang mua)...

Công ty CP Thương mại Việt Phúc được thành lập năm 2008. Hiện ông ĐỖ ĐỒNG TÂM (sinh năm 1983 - Hà Nội) là người chịu trách nhiệm pháp luật của doanh nghiệp.

Mới đây nhất, Công ty Việt Phúc vừa trượt gói thầu có giá gần 7,5 tỷ đồng “Mua Hệ thống CT Scanner ≥32 lát cắt vòng quay” tại Bệnh viện huyện Thanh Oai (Hà Nội);

Tại gói thầu “mua máy thở chức năng cao” ở Sở Y tế Điện Biên (ngày 19/11/2021), Công ty Việt Phúc cũng ra giá gói thầu cao nhất so với 07 nhà thầu còn lại (6,5 tỷ đồng so với doanh nghiệp trúng thầu có giá 4,8 tỷ đồng). Do đó, Việt Phúc cũng bị “trượt” ở gói thầu này.

Giá thiết bị y tế cao hay thấp còn phụ thuộc vào khâu vận chuyển, linh kiện, phụ trợ, bảo hành, bảo trì, xây lắp, đào tạo, truyền thông...

Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh là phải có lợi nhuận nhưng nếu cố tình lợi dụng mối “quan hệ, sân sau” hoặc thông đồng để “đẩy, thổi” giá thiết bị y tế lên hòng trục lợi, chia chác là việc làm cần lên án và xử lý nghiêm.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin!


 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực y tế

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra trong lĩnh vực y tế, khẩn trương xét xử sơ thẩm các vụ án trọng điểm.

Ngày 18/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc và quyết định phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần mới của trung ương.

Phải tạo cho được một tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực. Kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực mà trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Tổng bí thư đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Đặc biệt, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra trong lĩnh vực y tế; các vụ án, vụ việc vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước xảy ra tại Bình Dương, Khánh Hòa, TP.HCM, vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ; Buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả…" xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố; vụ án xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng...

 

 

Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Có việc thông đồng với nhà thầu để đẩy giá lên, ăn chia nhau, có trích phần trăm

Chiều 10/11, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời chất vấn của một số đại biểu liên quan đến các sai phạm của cán bộ trong ngành Y tế.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhất là vụ án xảy ra tại các bệnh viện lớn đã được lực lượng công an phát hiện, khởi tố và điều tra. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư “phát hiện một vụ cảnh tỉnh cả vùng”, trong đó công an các đơn vị địa phương chủ động nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn các khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe trong cả lĩnh vực.

Một số vụ án điển hình được lãnh đạo Bộ Công an viện dẫn như: vụ CDC Hà Nội; Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La… Đến nay, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội. Bộ Công an đang đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, sớm kết luận để đưa ra truy tố.

“Qua các vụ việc có dư luận cho rằng, các vi phạm do cơ chế, lỗi hệ thống, nhưng chúng tôi khẳng định, không phải do các lỗi này mà đều có việc lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật để vi phạm. Những vi phạm về hình sự rất đáng xử lý. Trước khi xử lý hình sự, cơ quan điều tra đều có yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng vụ việc, phải chứng minh được yếu tố tư lợi, tham ô, trục lợi thì mới xử lý. Ví dụ như mua máy thông đồng với nhà thầu để đẩy giá lên, ăn chia nhau, có trích phần trăm… Đây là những yếu tố tư lợi, biểu hiện tham ô, tham nhũng...”, Bộ trưởng Tô Lâm lý giải.

Cũng tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Bộ Y tế, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, các tỉnh, thành tiếp tục thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình tham mưu, quy trình đầu tư cơ sở vật chất, triển khai mua sắm trang thiết bị để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị các bộ, ngành chức năng nghiên cứu đưa một số mặt hàng trang thiết bị y tế vào nhóm mặt hàng bình ổn và quản lý giá, không để doanh nghiệp thông đồng với các cơ quan đơn vị nâng giá để trục lợi. Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra xử lý các vi phạm này.
comment Bình luận