Kỳ tích về cặp song sinh dính liền Việt – Đức sau hơn 30 năm tách rời

Ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh Việt – Đức không chỉ tái sinh cuộc đời Đức, mà còn để lại tiếng vang cho nền y học Việt Nam trong suốt hơn 30 năm qua.

Ngày 4/10/2018, Bệnh viện Từ Dũ đã tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày thực hiện thành công ca tách đôi cặp song sinh Việt – Đức. Đây là dịp để anh Nguyễn Đức, người may mắn còn sống tri ân các bác sĩ đã giúp cuộc sống của anh sang một trang mới.


Cặp song sinh Nguyễn Việt và Nguyễn Đức chào đời vào ngày 25/2/1981 tại Sa Thầy, tỉnh Kon Tum với cân nặng chỉ vỏn vẹn 2,2 kg. Đáng tiếc thay, cả hai đã phải trải qua những năm tháng đầu đời đầy đau đớn bởi phần bụng dính liền nhau, cùng chung phần thân dưới. Được biết, hai anh em bị ảnh hưởng chất động màu da cam.


Năm lên 6 tuổi, Việt gặp hội chứng não cấp lâm vào tình trạng hôn mê, có thể đột tử bất cứ lúc nào và được đưa qua Nhật Bản chữa trị nhưng không thành công. Điều này khiến các bác sĩ e ngại rằng nếu chẳng may Việt qua đời thì Đức cũng sẽ không thể sống sót. Do đó, BV Từ Dũ quyết định tách rời cặp song sinh dính liền nhau.


Năm 1988, cuộc phẫu thuật tách rời cặp song sinh Việt – Đức có sự tham gia của dàn ê kíp bao gồm hơn 70 giáo sư, bác sĩ hàng đầu trong nước bác sĩ đến từ Nhật Bản do giáo sư, bác sĩ Trần Đông A làm trưởng kíp mổ được tiến hành trong vòng 12 giờ đồng hồ. Sự thành công của ca mổ đã tạo nên kỳ tích, đi vào lịch sử y học Việt Nam cũng như tạo được tiếng vang lớn trong nền y học thế giới. 30 năm qua, cả thế giới không ít lần nhắc về ca phẫu thuật đầy trí tuệ, tình người này.


“Chỉ một ngày sau khi ca mổ thành công, người dân khắp nơi từ TP.HCM, Hậu Giang, Bình Trị Thiên, Cà Mau, Bạc Liêu… đổ về Bệnh viện Từ Dũ, tấp nập như đi hội để thăm ê-kíp mổ và hai cháu Việt – Đức.


Ca mổ cũng đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ 45 năm ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản.


“Đó là khi người anh Việt của cặp song sinh gặp hội chứng não cấp năm 1986, có thể đột tử bất cứ lúc nào kéo theo người em, Nhật Bản đã bỏ tất cả ràng buộc về chính trị, an ninh để đưa Việt – Đức đến nơi có đủ điều kiện nhất để cấp cứu bằng một chuyên cơ đi thẳng từ phi trường Narita Tokyo đến Tân Sơn Nhất, TP.HCM và ngược lại.


Năm 1983, GS Fujimoto Bunro người Nhật đến thăm Việt – Đức. Sau khi trở về Nhật, ông đã thành lập Hội Negaukai (Hội vì sự phát triển của Việt – Đức) và đứng ra kêu gọi nhiều cuộc quyên góp cho hai anh em Việt – Đức. Câu chuyện về hai anh em sinh đôi dính liền ngày ấy từng được một nửa dân chúng Nhật biết đến.


Đối với anh Việt, dù không còn tri giác, sống đời thực vật trước khi mổ nhưng vẫn có thể sống thêm 19 năm sau mổ như một kỳ tích đối với nền y học, cũng như sự tận tụy chăm sóc của Ban lãnh đạo và cán bộ Công nhân viên làng Hòa Bình, BV Từ Dũ.


Còn anh Đức khỏe mạnh và bắt đầu cuộc sống mới. Giờ đây đã 39 tuổi và có một tổ ấm nhỏ hạnh phúc một vợ hai con, đủ cả trai lẫn gái. Anh được tạo điều kiện về công tác tại bệnh viện sau thời gian học tập. Đây là điều đặc biệt, chưa từng xuất hiện trong lịch sử y khoa thế giới qua 19 ca tương tự đã được công bố.


GS-TS-BS Trần Đông A chia sẻ: “Cuộc sống của Đức và gia đình nhỏ hiện nay là phần thưởng chung cho tất cả những ai đã tham gia vào ca mổ lịch sử này, kể cả các bạn Nhật Bản và Hội vì sự phát triển của Việt-Đức”.


“Do vậy, mỗi ngày tôi luôn nhắc nhở bản thân phải sống tốt, sống thật ý nghĩa để đền đáp lại công ơn của những người cha, người mẹ thứ 2 đã đem tôi đến cuộc đời này”, anh Đức bồi hồi chia sẻ.


Ca phẫu thuật được ghi vào sách kỷ lục Guinness năm 1991, đánh dấu mốc son trong y học Việt Nam.


Năm 2006, anh Đức kết hôn với chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, người con gái anh quen trong một lần tham gia tình nguyện.


Hai vợ chồng tưởng chừng hết hy vọng vì anh Đức bị hiếm muộn, thế nhưng hạnh phúc vỡ òa khi cả hai chào đón 2 thiên thần bé nhỏ “đủ nếp, đủ tẻ” vào năm 2008. Một lần nữa, y học không chỉ tái sinh cuộc đời anh, mà còn cho anh niềm vui trọn vẹn.


Anh đã đặt tên hai đứa con mình là Phú Sĩ và Anh Đào với ý nghĩa tri ân các bác sĩ Nhật Bản đã đưa cuộc sống của anh sang một trang mới.


Tại lễ kỷ niệm, anh Đức xúc động: “Tôi rất nhớ anh Việt và mẹ nuôi. Trong tâm trí, khi tôi thành công, khi tôi hạnh phúc, tôi đều nhớ về anh ấy, tôi luôn có một phần của anh ấy. Anh Việt rất dũng cảm. 30 năm trôi qua thật nhanh, tôi đang có cuộc sống rất hạnh phúc với người vợ chu đáo, tận tụy và hai đứa con thật dễ thương. Tôi phải sống tốt hơn nữa để đền đáp ân tình mà các bác sĩ đã dành cho tôi”.