Cộng đồng doanh nghiệp ‘thất vọng’ trước dự thảo sửa đổi Nghị định số 09 của Bộ Y tế

Dự thảo chưa tính đến nguy cơ tác hại đối với sức khỏe nhóm dân cư đủ và thừa vi chất khi bắt buộc bổ sung đại trà, mà chỉ quan tâm đến lợi ích cho nhóm dân cư bị thiếu vi chất. Với nhóm người đủ và thừa i-ốt, sắt, kẽm khi bổ sung đại trà vi chất có thể gây những tác hại đến sức khỏe.
14:16 | 16/07/2024
Hội thảo “Góp ý về chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm”

Hội thảo “Góp ý về chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm”

Đó là thông tin được cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các hiệp hội ngành thực phẩm nêu ra tại hội thảo “Góp ý về chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm” do Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Hội sản xuất Nước mắm Thành phố Phú Quốc, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đồng tổ chức, ngày 15/7 tại TP.HCM.

Sau 8 năm, các bất cập vẫn chưa được giải quyết…

Tại Hội thảo, Cộng đồng doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành thực phẩm đã thể hiện sự đồng hành mạnh mẽ với Chính phủ trong việc nâng cao sức khỏe nhân dân, và đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09) ngày 29/01/2016 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội FFA cho biết, ngày 29/01/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09) quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Trong đó, tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 6 quy định “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” và “Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” khiến cộng đồng DN nhiều ngành hàng thực phẩm vô cùng quan ngại và gặp nhiều khó khăn suốt gần 8 năm qua, đối với cả chế biến thực phẩm (CBTP) cho xuất khẩu, tiêu dùng nội địa.

Theo bà Chi, quy định này thiếu hiệu quả trong cải thiện vi chất cho người dân và đang đi ngược với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, dẫn đến nguy cơ tổn hại sức khỏe cho nhóm đối tượng đủ và thừa vi chất.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội FFA phát biểu tại hội thảo

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội FFA phát biểu tại hội thảo

Đứng trước tình hình đó, Hội FFA và các Hội ngành nghề đã nhiều lần kiến nghị về nội dung này bằng văn bản và thông qua các buổi làm việc trực tiếp với Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm và Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) với mong muốn kịp thời tháo gỡ khó khăn, tồn tại ngay cho DN ngành CBTP.

Ngày 27/10/2017, Bộ Y tế đã ban hành công văn 6134/BYT-PC về việc thực hiện ý kiến kết luận của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc “chỉ kiểm tra các DN sản xuất muối i-ốt, không kiểm tra các DN sản xuất thực phẩm có sử dụng muối I-ốt”. Tuy nhiên, về cơ bản, công văn 6134 chỉ tháo gỡ cho DN ngành thực phẩm ở khâu kiểm tra, còn bản chất quy phạm pháp luật của Nghị định 09 vẫn còn nguyên, chưa giải quyết được triệt để các kiến nghị của các Hiệp hội về những khó khăn, bất cập mà DN ngành đang từng ngày đối mặt.

Bà Chi cho biết, sau nhiều báo cáo phản ánh kiến nghị của DN các ngành thực phẩm, ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP (Nghị quyết 19), nêu rõ “Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016 theo hướng: “bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” tại điểm a khoản 1 Điều 6; bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” tại điểm b khoản 1 Điều 6. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng”.

“Thời điểm này Bộ Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch 618/KH-BYT về kế hoạch sửa đổi Nghị định 09. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng đã 6 năm, và chưa thấy kết quả”, bà Chi thông tin thêm.

Dự thảo Nghị định sửa đổi do Bộ Y tế chủ trì vừa xây dựng xong và đang gửi lấy ý kiến góp ý từ các Bộ ngành, các tổ chức quốc tế và một vài Hiệp hội ngành thực phẩm. Song nội dung Dự thảo nghị định sửa đổi hầu như giữ nguyên các quy định bất cập của Nghị định 09 và đang gây hoang mang, quan ngại cho các ngành hàng thực phẩm.

“Sau khi nghiên cứu, phân tích các nội dung trong bộ tài liệu xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 09 Bộ Y tế đang lấy ý kiến thì chúng tôi phải khẳng định rằng những lập luận của Dự thảo hoàn toàn thiếu cơ sở chính trị, pháp lý; thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn; quá bất hợp lý và gây khó khăn cho sản xuất-kinh doanh; Không phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và báo cáo tác động chính sách chưa đầy đủ và chưa đủ cơ sở thuyết phục”, bà Chi nói.

Doanh nghiệp gặp khó ngay tại “sân nhà”

Ông Phạm Trung Thành - Trưởng ban đối ngoại của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, nhiều thị trường có cơ chế kiểm duyệt phức tạp đối với thực phẩm nhập khẩu có bổ sung vi chất sắt, kẽm, i-ốt như Nhật Bản, Nauy, Đan Mạch, Philippines, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan…, doanh nghiệp khi xuất khẩu sang các thị trường này phải kê khai vi chất chi tiết trên bao bì hoặc bổ sung nội dung tem dán (Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan...) làm tốn thêm thời gian và chi phí.

Cụ thể, tại Nhật Bản, dựa theo Điều 12 trong Luật an toàn thực phẩm của Nhật Bản, i-ốt không thuộc danh sách những vi chất dinh dưỡng được phép sử dụng; sắt và kẽm cũng phải tuân theo các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt; kẽm không được phép bổ sung trong các thực phẩm khác ngoài các sản phẩm thay thế sữa mẹ và thực phẩm được dùng để duy trì sức khỏe theo đúng chỉ định cụ thể của Nhật Bản. Vì vậy, để mì Hảo Hảo xuất đi Nhật Bản buộc phải sử dụng nguyên liệu không bổ sung các vi chất dinh dưỡng trên và tổ chức sản xuất riêng biệt với sản phẩm Hảo Hảo nội địa và sản phẩm xuất khẩu.

Nói về tính hiệu quả, theo ông Thành, thực tế trong quá trình sản xuất, kết quả kiểm nghiệm sản phẩm của Acecook Việt Nam, i-ốt bị bay hơi khi qua công đoạn xử lý ở nhiệt độ 150-160 độ C, sản phẩm cuối cùng hoàn toàn mất đi i-ốt, hiệu quả của việc sử dụng muối có tăng cường i-ốt đối với người tiêu dùng hầu như không có. Ngoài ra, về vấn đề đảm bảo tránh nhiễm chéo, công ty phải bảo quản bột mì không bổ sung vi chất trong bao tải, trực tiếp cấp bột thủ công từ các bao tải vào máy trộn khiến thời gian hoạt động tăng lên, năng suất sản xuất giảm; chi phí trong việc tránh nhiễm chéo giữa các loại nguyên liệu có tăng cường vi chất dinh dưỡng (sử dụng cho sản xuất sản phẩm tiêu dùng nội địa) và không tăng cường vi chất dinh dưỡng (dùng cho sản xuất sản phẩm xuất khẩu) ở tất cả công đoạn bảo quản, sản xuất đã phát sinh thêm 13,5 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với ngành hàng thủy hải sản, hơn 80% sản lượng chế biến tập trung xuất khẩu, việc áp dụng các quy định gây nhiều phiền toái cho doanh nghiệp. Để xuất khẩu tôm qua thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp phải cam kết không cho sử dụng muối i-ốt trong quá trình chế biến các mặt hàng thủy hải sản. Bên cạnh đó, việc sử dụng muối i-ốt để chế biến chính nguồn cung cấp i-ốt như cá biển, tảo biển khiến tăng chi phí sản xuất.

Tương tự, ông Đặng Thành Tài - Phó Chủ tịch Hội sản xuất Nước mắm Phú Quốc – cho rằng, bản thân cá cơm đã có hàm lượng i-ốt tự nhiên và quy trình sản xuất được châu Âu bảo hộ từ rất lâu. Vì vậy, đối với sản phẩm nước mắm Phú Quốc, không thể áp dụng bổ sung i-ốt vào muối để chế biến thực phẩm là nước mắm, chính sách nên xây dựng hướng đến việc bổ sung bắt buộc i-ốt cho muối ăn trực tiếp và các gia vị dạng rắn như bột nêm, bột canh,...

Còn ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (VISSAN) cho biết, quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng mang lại cho người tiêu dùng không rõ ràng, vừa làm gia tăng chi phí và giá thành sản phẩm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quy định còn làm giảm khả năng cạnh tranh sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước.

Empty

Ông Vũ Thế Thành – Chuyên gia độc lập – Thành viên Hội đồng Tư vấn Khoa học thuộc Sở  ATTP TP.HCM

Bổ sung i-ốt, sắt, kẽm vào thực phẩm là điều cần thiết cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, người có bệnh cường giáp lại phải hạn chế tiêu thụ thực phẩm có nhiều i-ốt như hải sản. Do đó, Bộ Y tế nên trao đổi với các doanh nghiệp, khảo sát lại việc thiếu hụt vi chất để có giải pháp phù hợp, không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh của doanh nghiệp, quyền lựa chọn của người dùng.

Mỗi quốc gia đều có mức độ kinh tế phát triển khác nhau, thu nhập khác nhau, mức chênh lệch giữa nông thôn và đô thị khác nhau, địa dư khác nhau, thế mạnh công nghiệp, trình độ văn hóa, giáo dục và thói quen ẩm thực khác nhau. Do đó không thể sao chép giải pháp “phủ vi chất toàn diện” của nước này áp dụng cho Việt Nam, bất chấp những khó khăn của doanh nghiệp, và sự phát triển kinh tế.

Muối i-ốt có thể bổ sung vào nước mắm công nghiệp, nước tương, hoặc sữa học đường. Kẽm, sắt có thể bổ sung vào bột nêm... hoặc “phủ tùy vùng”, ví dụ như tập trung vào vùng cao nguyên hoặc nông thôn, nhất là những nơi mức sống thấp, có thể phun sắt kẽm vào gạo bán với giá trợ cấp, thay vì “phủ toàn diện” và tước đi quyền chọn lựa của người dùng.

Cao Ánh

comment Bình luận