Luật sư: \"Có thể xử lý hình sự vụ Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình gây ô nhiễm\"

Sự bức tử núi rừng bằng hành vi gây ô nhiễm môi trường của Công ty Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình, khiến cho người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc.
20:50 | 29/05/2019

Liên quan tới việc Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình tiếp tục gây ô nhiễm vi phạm pháp luật như thế nào? PV Báo Sức khỏe Cộng đồng đã có bài phỏng vấn Luật sư Trương ­Anh Tú (Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) để làm rõ vấn đề này.

luật sư trương anh tú
Ảnh: Luật sư Trương Anh Tú
Trước đó, như báo Sức khoẻ Cộng đồng đã đưa tin trong một loạt bài viết về việc nhà máy xử lý chất thải nguy hại thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình (Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con tại các xã Lạc Long, xã Đồng Tâm và thị trấn Chi Nê (huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hòa Bình). Trong các bài viết trước báo liên tục nhận được sự phản hồi về thực trạng nêu trên.

Theo đó, nhà máy xử lý chất thải nguy hại thuộc Công ty Cổ phẩn Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình có địa chỉ tại thôn Đồng Phú, xã Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại lần đầu vào ngày 16/8/2018; Mã số QLCTNH: 1-2-3-4-5-6. 120.VX.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại nhà máy xử lý chất thải nguy hại thược Công ty Cổ phẩn Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình được cấp phép và đi vào hoạt động chưa được một năm nhưng đã rất nhiều lần người dân trong xã, thị trấn phải khốn khổ đối phó, cũng như phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng trong dân cư.

Trao đổi với P.V về thực trạng trên, luật sư Trương Anh Tú cho rằng: "Việc nhà máy xử lý chất thải nguy hại thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ Cao Hoà Bình gây ô nhiễm là hành vi cực kì nguy hại cho môi trường và có nguy cơ bị xử phạt hình sự hoặc hành chính".

“Về vụ việc này các cấp chính quyền UBND huyện Lạc Thủy phải khẩn trương mời Sở Khoa học Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, lực lượng công an môi trường… sớm vào cuộc xử lý dứt điểm, đồng thời ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường của nhà máy xử lý chất thải nguy hại này”, luật sư Tú nói.

Cũng theo Luật sư Tú: “Không có quy định nào cho phép một đơn vị hay một doanh nghiệp nào xả thải gây ô nhiễm môi trường. Trong trường hợp đơn vị hoặc doanh nghiệp đó cố tình vi phạm thì phải có chế tài xử lý nghiêm mới có tính răn đe. Ngoài ra khi các cấp chính quyền cần thiết phải vào cuộc sớm kiểm tra, nếu đúng nhà máy xử lý chất thải nguy hại thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của bà con, thì nhà máy phải đền bù thiệt hại cho người dân theo cơ chế bôi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và phải có biện pháp khôi phục lại môi trường”.

Vẫn theo luật sư Tú: Theo Bộ Luật hình sự 2015, tại điều 235 có nêu rõ,  việc cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo tội “gây ô nhiễm môi trường”, cụ thể: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm:

a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam.

b) Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên.

c) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 lần đến dưới 04 lần.

d) Xả ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14.

đ) Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên.

e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 200.000 kilôgam đến dưới 500.000 kilôgam.

g) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép.

h) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 02 lần đến dưới 04 lần.

Khẩn trương đánh giá tác động tới sức khỏe người dân sống quanh khu vực

Với chuyên gia môi trường, phó GS.TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng: “Tất cả những đơn vị nhận xử lý chất thải thì phải có quy định chặt chẽ và đặc biệt là chất thải nguy hại. Trước hết đơn vị nhận chất thải về xử lý thì phải được cấp phép đủ điều kiện để xử lý chất thải đó. Ngoài ra, khi thực hiện nhận xử lý chất thải trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh phải kiểm tra xem có đúng như trong giấy phép được cấp hay không? Hay là có những loại khác nữa vì trong khi được phép cho xử lý thì cũng chỉ có một số chất thải nhất định được xử lý. Còn có những loại không xử lý thì phải tính theo kiểu khác”.

“Về việc nhà máy xử lý chất thải nguy hại thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân thì cần phải có chế tài xử lý nghiêm. Trước hết, đó là công ty này xử lý chất thải không đúng như trong giấy phép được cấp, gây ô nhiễm ra môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, như vậy là rất nặng, nguồn ô nhiễm này sẽ thẩm thấu xuống mạch nước ngầm làm cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Chưa hết, các loại động vật, vi sinh vật khi tiếp xúc với nguồn nước này cũng bị bệnh mà chết”, Phó GS.TS Tiến nhấn mạnh.

Đề cập đến việc giải quyết hậu quả, phó GĐ.TS Tiến cho biết thêm: “Trong vấn đề này, chính người dân phải chịu ảnh hưởng từ nguồn ô nhiễm môi trường của nhà máy gây ra là rất nặng. Qua đó, chính quyền các cấp phải vào cuộc khoanh vùng, lấy mẫu xét xem việc ô nhiễm này đến mức độ nào và phải có đánh giá trung về tổn hại sức khoẻ của người dân, ảnh hưởng đến đâu, về lâu dài có gây ra chết người hay không… tất cả những vấn đề này đều có trong quy định, nếu đơn vị này xử lý chất thải không đúng tiêu chuẩn thì sẽ bị xử phạt theo đúng pháp luật”.

Minh Quân

Loạt ảnh thực trạng vi phạm môi trường của Công ty Môi trường công nghệ cao Hòa Bình

Ảnh 1: Nước thải độc hại chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường - Ảnh Nam Anh

công ty môi trường công nghệ cao Hòa bình

  

Ảnh 2: Khói lò đốt đen xì bay xa hàng trăm mét gây độc hại tới nhiều hộ dân trong vùng - Ảnh: Minh Quân

ô nhiễm môi trường hòa bình

 

Ảnh 3: Công nghệ xử lý chất thải, rác thải nguy hại của nhà máy Công nghệ cao Hòa Chỉ chỉ là đốt, rất thô sơ - Ảnh: Nam Anh

ô nhiễm môi trường hòa bình

 

Ảnh 4: Công nghệ xử lý chất thải, rác thải nguy hại của nhà máy Công nghệ cao Hòa Chỉ chỉ là đốt, rất thô sơ - Ảnh: Nam Anh

ô nhiễm môi trường hòa bình

 

Ảnh 5: Chất thải nguy hại chất đống, không được lót, che chắn sẽ thẩm thấu, gây độc hại tới mạch nước ngầm - Ảnh: Minh Quân

ô nhiễm môi trường hòa bình

 

Ảnh 6: Chất thải nguy hại chất đống, không được lót, che chắn sẽ thẩm thấu, gây độc hại tới mạch nước ngầm - Ảnh: Minh Quân

ô nhiễm môi trường hòa bình

 

Ảnh 7: Chất thải nguy hại chất đống, không được lót, che chắn sẽ thẩm thấu, gây độc hại tới mạch nước ngầm - Ảnh: Minh Quân

ô nhiễm môi trường hòa bình

comment Bình luận