WHO: 'Quái vật' Delta vẫn hoành hành, nguy cơ có chủng virus độc hơn

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo biến thể Delta nguy hiểm vẫn là chủng virus chủ đạo trong những tháng tới, gây ra phần lớn các ca mắc Covid-19.
9:52 | 22/07/2021

WHO: Quái vật Delta vẫn hoành hành, nguy cơ có chủng virus độc hơn - 1

Thi thể nạn nhân Covid-19 được xử lý tại Indonesia (Ảnh: AFP).

Trong báo cáo dịch tễ cập nhật hàng tuần, WHO ngày 21/7 cho biết biến thể Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, hiện đã được ghi nhận ở 124 quốc gia và vùng lãnh thổ - nhiều hơn 13 quốc gia và vùng lãnh thổ so với tuần trước.

WHO cũng cho biết biến thể này được phát hiện trong hơn 3/4 số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gen tại nhiều nước.

"Dự kiến biến thể Delta sẽ nhanh chóng đánh bật các biến thể khác và trở thành chủng lây lan thống trị trong những tháng tới", WHO cảnh báo.

Ngoài Delta, WHO cũng lo ngại 3 biến thể khác gồm Alpha, Beta và Gamma.

Alpha lần đầu tiên được phát hiện ở Anh, hiện được ghi nhận ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 6 so với tuần trước). Beta, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, hiện được ghi nhận ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 7 so với tuần trước). Gamma, được phát hiện lần đầu ở Brazil, cho đến nay xuất hiện ở 78 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 3 so với tuần trước).

Theo phân tích chuỗi gen virus SARS-CoV-2 được báo cáo lên sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID, trong 4 tuần tính đến ngày 20/7, tỷ lệ nhiễm biến thể Delta đã vượt quá 75% ở một số quốc gia. Những nước này bao gồm Australia, Bangladesh, Botswana, Anh, Trung Quốc, Đan Mạch, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Bồ Đào Nha, Nga, Singapore và Nam Phi.

"Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn so với các biến thể không thuộc nhóm biến thể gây lo ngại (VOC). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định rõ ràng cơ chế chính xác giúp biến thể này tăng khả năng lây nhiễm", WHO cho biết thêm.

Cùng ngày, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cảnh báo nguy cơ xuất hiện một chủng virus mới còn nguy hiểm hơn biến thể Delta. Ông Tedros cho biết việc tiêm chủng cho 70% dân số của mỗi quốc gia không chỉ giúp ngăn chặn đại dịch Covid-19 mà còn giúp khởi động lại nền kinh tế toàn cầu.

Số ca nhiễm toàn cầu vẫn tăng

Theo thống kê của WHO, thế giới ghi nhận thêm 3,4 triệu ca mắc Covid-19 mới trong tuần tính đến ngày 18/7 - tăng 12% so với tuần trước.

"Với tốc độ này, tổng số ca Covid-19 được ghi nhận trên toàn cầu có thể vượt 200 triệu ca trong 3 tuần tới", WHO dự báo.

WHO cho biết sự gia tăng về số ca nhiễm trên toàn cầu do tác động của 4 yếu tố, bao gồm: nhiều biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh xuất hiện, nhiều nước nới lỏng các biện pháp hạn chế, các hoạt động giao lưu xã hội gia tăng và vẫn còn số lượng lớn những người chưa được tiêm vắc xin Covid-19.

Số ca nhiễm tăng 30% ở khu vực Tây Thái Bình Dương và tăng 21% ở khu vực châu Âu. Số ca nhiễm mới cao nhất được ghi nhận ở Indonesia (350.273 ca mới; tăng 44%), Anh (296.447 ca mới; tăng 41%) và Brazil (287.610 ca mới; giảm 14%).

Trong khi đó, số ca tử vong hàng tuần vẫn ổn định ở mức 57.000 người, tương tự tuần trước đó.

Thành Đạt

Dân Trí

Theo AFP

comment Bình luận