WHO lo ngại người bệnh COVID-19 sau khi bình phục có nguy cơ tái nhiễm

Nhiều nghiên cứu chỉ ra người bệnh COVID-19 sau khi bình phục nhưng cơ thể không sản sinh đủ lượng kháng thể cần thiết nên vẫn có nguy cơ tái nhiễm.
11:04 | 21/04/2020
Thông thường, sau khi nhiễm một loại virus, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để tạo thành miễn dịch bảo vệ cơ thể không mắc phải căn bệnh đó nữa. Bộ kit test nhanh COVID-19 bằng xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể được nhiều quốc gia sử dụng hoạt động dựa trên nguyên lý này. Tuy nhiên, gần đây nhiều nghiên cứu chỉ ra nguyên lý này không thực sự đúng với người bệnh COVID-19.

Hôm 18/3, TS Maria van Kerkhove, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của WHO khẳng định: “Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy việc sử dụng các xét nghiệm huyết thanh có thể khẳng định một cá nhân có miễn dịch sẽ không tái nhiễm COVID-19".
 
WHO lo ngại người bệnh COVID-19 sau khi bình phục có nguy cơ tái nhiễm
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và tiến sĩ Maria van Kerkhove 
 
"Xét nghiệm kháng thể chỉ đo được mức độ ổn định của huyết thanh, nhưng không đồng nghĩa ai có kháng thể cũng hoàn toàn miễn dịch. Nếu một người có nồng độ kháng thể quá thấp, họ vẫn có thể nhiễm lại virus SARS-CoV-2", TS Maria van Kerkhove đưa ra cảnh báo.
 
Một nghiên cứu tại Thượng Hải, Trung Quốc cho kết quả, một số bệnh nhân mắc COVID-19 sau khi hồi phục vẫn không thể đo được kháng thể, trong khi một số người khác lại có nồng độ kháng thể rất cao.
 
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các nước đang ồ ạt sử dụng bộ kit test nhanh xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể để sàng lọc bệnh nhân COVID-19 trong cộng đồng. Nhiều nước coi biện pháp xét nghiệm là một phần quan trọng trong quyết định dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội.
 
Trong khi đó nhiều quốc gia ghi nhận hiện tượng bệnh nhân COVID-19 tái dương tính sau khi xuất viện. Tại Hàn Quốc đã co 160 trường hợp, Trung Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam cũng đã ghi nhận hiện tượng này. Điều này cho thấy cơ thể có thể đã không sinh ra lượng kháng thể đủ lớn để tạo ra miễn dịch ở người bệnh COVID-19.
 
WHO cho biết đang khẩn trương thu thập thêm nhiều bằng chứng để nghiên cứu và phân tích về những trường hợp này.
 
WHO lo ngại người bệnh COVID-19 sau khi bình phục có nguy cơ tái nhiễm

TS Mike Ryan, người đứng đầu bộ phận ứng phó khẩn cấp của WHO cũng cho biết, hiện chưa rõ những trường hợp dương tính trở lại do virus trong cơ thể tái kích hoạt hay do bệnh nhân nhiễm virus mới.
 
Bên cạnh đó, WHO chưa xác định được sau khi mắc COVID-19, những trường hợp có sinh kháng thể thì kháng thể này tồn tại được bao lâu.
 
Thông thường khả năng miễn dịch của cơ thể phụ thuộc vào ngưỡng kháng thể được sản sinh ra. Nghiên cứu về dịch SARS năm 2003 cho thấy bệnh nhân sống sót có thể duy trì kháng thể trung bình 2 năm, sau đó giảm dần. Đối với bệnh cúm thông thường, cơ thể cũng sản sinh kháng thể có tác dụng trong khoảng 45 tuần.

Do vậy, các chuyên gia cảnh báo nguy cơ bệnh nhân tái nhiễm SARS-CoV-2 vẫn là rất cao nếu các quốc gia nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội quá nhanh, trong khi nhiều người không đáp ứng được cơ chế miễn dịch.

Mặt khác, tỷ lệ tử vong của COVID-19 đã cao gấp 10 lần so với dịch cúm mùa H1N1 tấn công thế giưới năm 2009. Ngay từ bây giờ giới chuyên môn đã lo ngại, con người phải chung sống với SARS-CoV-2 tương tự như một loại virus cúm mùa.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nói: “Dịch Covid-19 đã tăng rất nhanh nhưng giảm tốc chậm hơn rất nhiều. Vì vậy các biện pháp kiểm soát cần được dỡ bỏ từ từ”.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2020/03/28/Co-the-phan-ung-nhu-the-nao-khi-nhiem-virus-corona_28032020192835.mp4[/presscloud]
Cơ thể phản ứng như thế nào khi nhiễm virus corona
 
 
Hà Ly (t/h)
 
comment Bình luận