Việt Nam sẽ thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên chuột đợt 2 vào đầu tháng 6

Sau lần thử nghiệm đầu tiên trên 50 con chuột, các nhà khoa học của VABIOTECH sẽ tiến hành thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên chuột lần thứ hai vào đầu tháng 6.
15:52 | 20/05/2020
Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Bộ Y tế, cho hay đơn vị này sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 đợt 2 trên chuột, dự kiến vào đầu tháng 6. Số lượng chuột hiện chưa được quyết định.
 
VABIOTECH là đơn vị đầu tiên ở nước ta nghiên cứu thành công vắc xin dự tuyển COVID-19 và bắt đầu tiêm thử nghiệm trên chuột.
 
Việt Nam sẽ thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên chuột đợt 2 vào đầu tháng 6
50 con chuột được thử nghiệm vắc xin đợt 1 sẽ được lấy mẫu máu kiểm tra
 
Trước đó, ngày 26/4, đơn vị này đã tiến hành thử nghiệm vắc xin lần 1 trên 50 con chuột. Kết ban đầu thu được là số lượng chuột khỏe mạnh, đã hình thành kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
 
Dù vậy đây mới chỉ là những bước đầu tiên trong quá trình thử nghiệm. Mẫu máu của chuột thí nghiệm đã được gửi sang Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và đang trong giai đoạn chờ kết quả đánh giá.
 
"Bước đầu cho thấy đàn chuột thí nghiệm khỏe mạnh, tiếp tục theo dõi các đáp ứng miễn dịch trong giai đoạn 1, có thể nói là thành công bước đầu của nghiên cứu", ông Đạt cho biết thêm.
 
Giám đốc VABIOTECH cho biết, ngay từ cuối tháng 1, khi dịch bắt đầu bùng phát rất mạnh ở Vũ Han, dựa trên trình tự gen của loại virus corona chủng mới do các nhà khoa học Vũ Hán công bố, các chuyên gia của VABIOTECH đã phối hợp với các nhà khoa học tại Đại học Bristol (Anh) để hướng tới việc phát triển một loại vắc xin ngừa virus này.
 
Sau nhiều tính toán và tham khảo từ các công trình nghiên cứu quốc tế, các chuyên gia của VABIOTECH đã lựa chọn kỹ thuật sản xuất vắc xin dựa trên kỹ thuật vector virus. Đây là hệ thống được cài đặt một hoặc nhiều vùng gene mã hóa vùng kháng nguyên mong muốn. Khi tiêm chủng, kháng nguyên protein sẽ được biểu hiện tương tác với vật chủ để tạo ra đáp ứng miễn dịch phòng tác nhân gây bệnh.
 
Bước đầu tiên trong phương pháp này là phải kiểm tra được đoạn gene mình đã cài đặt có tính kháng nguyên hay không. Do đó các nhà khoa học của VABIOTECH đã sử dụng động vật mà cụ thể là chuột làm mô hình vật chủ đánh giá đầu tiên.
 
Ông Đạt cho biết, nhanh nhất cũng phải 8-9 tháng nữa các nhà khoa học mới tìm ra một ứng viên vắc xin dự tuyển để sản xuất thành vắc xin hoàn chỉnh thử nghiệm trên cả người và động vật.
 
Hiện Việt Nam là 1 trong 39 nước trên thế giới đạt Tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất vắc-xin, tức vắc-xin sản xuất ra có thể xuất khẩu. Trên thế giới đang có khoảng 80 quốc gia tập trung nghiên cứu vắc xin COVID-19, 8 quốc gia đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.
 
Thời điểm này, ngoài 8 nhà sản xuất đi đến mức độ thử nghiệm lâm sàng, các nhà nghiên cứu còn lại đều phải đi qua giai đoạn thử nghiệm trên động vật. Thậm chí cả 8 đơn vị đã thử nghiệm trên người cũng vẫn thử nghiệm song song trên động vật. Khi đánh giá trên động vật cũng còn nhiều vấn đề bàn cãi trước khi đưa sang người. Việt Nam sẽ học được nhiều bài học từ các quá trình này.
 
Các nhà khoa học Việt Nam dù đi sau nhưng đang cố gắng vừa học hỏi về công nghệ sản xuất vừa rút ngắn thời gian để tìm ra loại vắc xin COVID-19 hoàn thiện trong thời gian ngắn nhất.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2020/05/07/Ben-trong-phong-nghien-cuu-vac-xin-covid-19-o-viet-nam_07052020094612.mp4[/presscloud]
Bên trong phòng nghiên cứu vắc xin COVID-19 ở Việt Nam. Video: Zing.vn
 
 
Hà Ly(t/h)
 

comment Bình luận