Vấn đề y đức trong chữa bệnh bằng y học cổ truyền

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2020), phóng viên Báo Sức khỏe cộng đồng đã có bài trao đổi ngắn với Tiến sĩ – lương y Phùng Tuấn Giang chủ nhiệm nhà thuốc Thọ Xuân Đường.
18:37 | 27/02/2020
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2020), phóng viên Báo Sức khỏe cộng đồng đã có bài trao đổi ngắn với Tiến sĩ – lương y Phùng Tuấn Giang chủ nhiệm nhà thuốc Thọ Xuân Đường, chủ tịch Tổ chức quốc tế chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên tại Việt Nam về vấn đề y đức trong chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
 
 
Tiến sĩ – lương y Phùng Tuấn Giang chủ nhiệm nhà thuốc Thọ Xuân Đường, chủ tịch Tổ chức quốc tế chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên tại Việt Nam
 
PV: Xin chào Tiến sĩ – lương y Phùng Tuấn Giang, Có đến cơ sở khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế mới thấy được câu nói “Lương y như từ mẫu” quan trọng đến nhường nào. Thưa anh, câu nói trên cần phải được hiểu đầy đủ như thế nào ?  
 
Tiến sĩ – lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:
 
Trong xã hội ta thường nêu cao hai ông thầy, là thầy thuốc và thầy giáo, sự so sánh tuy có hơi khập khiễng nhưng họ nói rằng thầy giáo lo dạy dỗ con người khi từ 5 tuổi cho đến khi trưởng thành, thậm chí thành tài đỗ đạt học hàm học vị; còn người thầy thuốc phải lo cho con người từ khi còn trong bụng mẹ và lo mãi cho đến lúc lìa đời… Cho nên phải nói việc chăm sóc sức khỏe là việc thường xuyên trong cuộc sống mà ai cũng đều phải quan tâm. Tình mẫu – tử là một thứ tình cảm gần gũi nhất, cao quý nhất trong tất cả các loại tình cảm con người vì bao hàm sự tận tụy hết lòng, công lao của mẹ như sông dài, biển rộng và cả sự hy sinh máu thịt không hối tiếc để mong muốn chăm sóc con mình được khỏe mạnh, thông minh, giúp mình, giúp đời; “Lương y như từ mẫu” là vậy, sự so sánh ấy quả thực là một niềm vinh dự vô cùng cho những người làm nghề y như chúng tôi. Người thầy thuốc cần hiểu thấu được y đạo, phải thương dân, yêu nước, coi người bệnh như chính người thân yêu của mình.
 
PV: Ở Việt Nam, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông cũng đã nói:“Suy cho cùng, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người, sống chết trong một tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ, thế thì đâu dám để kiến thức không đầy đủ, đạo đức không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám học đòi làm cái nghề cao quý đó chăng”. Ông nhấn mạnh: "Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y mà thiếu đạo đức". Là lương y có 30 năm trong nghề, anh có thể phân tích thêm để mọi người thấy rõ hơn về câu nói của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông ? 
 
Tiến sĩ – lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:
 
Tôi xin nêu những vẻ đẹp cao cả  trong tư tưởng của Đại y tôn Hải thượng Lãn ông như sau: Quan niệm ngày xưa học là để đỗ đạt làm quan, chỉ những người nào không đỗ đạt mới cam chịu làm thầy đồ, thầy số, thầy địa lý, thầy thuốc… và nghiên cứu y lý để làm thầy thuốc là cái chọn sau cùng vì nghề thuốc gian khổ, nguy hiểm mà tiền ít và không mấy khi được trọng vọng. Do đó trong xã hội phong kiến rất ít người là thầy thuốc giỏi, cao tay lắm là chẩn mạch hay và vận dụng tốt các phương thang vào con bệnh chữa có hiệu quả là đã lừng lẫy một đời, còn việc nghiên cứu, suy ngẫm, trước tác ra các tác phẩm y lý, dược lý như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông… thì chỉ vài người, mà ngay cả bên Trung Quốc một quốc gia rất mạnh về đông y cũng vậy.  Lê Hữu Trác xuất thân từ danh gia thế tộc có rất nhiều điều kiện để làm quan, cả về văn và võ nhưng ông đều khước từ để chọn lấy nghề y gian khó, nghèo khổ và nguy hiểm, ngay cả khi cơ hội được làm quan Ngự y triều chúa Trịnh Sâm, ông cũng kiên quyết chối từ, cáo tuổi già sức yếu để về quê chữa bệnh cho dân nghèo và trước tác bộ sách Y tông Tâm lĩnh truyền đời lại cho chúng ta ngày nay. Trong tác phẩm này ông có ghi phần “Dương án” tức là những bệnh ông chữa thành công và phần “Âm án” là những bệnh ông điều trị thất bại để đời sau nghiên cứu thì thật là tác phong của nhà khoa học vĩ đại mà thời bấy giờ ít ai dám làm. Ông nhấn mạnh: "Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y mà thiếu đạo đức". Trong thực tế ông nghiên cứu y thuật giúp đời vì ông oán hận sự dốt nát của các lang băm thời ấy đã giết chết người con trai yêu quý của ông. Người xưa có câu “Nhất thế y tam thế vinh, nhất thế y tam thế suy”, tức là một đời làm nghề y có đức con cháu ba đời con cháu phú quý hiển vinh, ngược lại một đời làm nghề y thất đức ba đời sau suy vong. Nên biết vậy không người thầy nào dám làm sai lương tâm trách nhiệm của mình.
 
Nhiều năm trong nghề y, tôi nhận thấy y học thật là mênh mông và tiến bộ cực nhanh, mỗi lúc các y học lại càng chia nhỏ từng chuyên khoa sâu, và người thầy thuốc đừng nên làm những gì mà mình chưa được học hỏi và chưa được truyền thụ. Trong nghề y - dược, những tác dụng không mong muốn đều có thể xảy ra dù chúng ta có thực hiện đúng vì còn những yếu tố khách quan không lường hết được nên sự khiêm tốn, học hỏi là điều cần thiết và là nhiệm vụ suốt đời của người thầy thuốc.
 
PV: Hiện nay có khá nhiều các trang mạng quảng cáo và ăn cắp hình ảnh các lương y nổi tiếng, các sản phẩm từ y học cổ truyền bán tràn lan trên thị trường gây mất uy tín cho các thầy thuốc chân chính, anh đánh giá sao về sự việc này?
 
Tiến sĩ – lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:
 
Thời gian qua, mạng xã hội Facebook tràn lan quảng cáo các cơ sở chuyên bán đủ loại thuốc gia truyền dù đa số các “thần dược” đều không ghi rõ thành phần, nguồn gốc xuất xứ nhưng nhiều người vẫn tìm mua do quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương”.
 
Thuốc Đông y là loại thuốc lành tính, được người Việt Nam ưa sử dụng nên tạo niềm tin không nhỏ cho người dùng. Tuy nhiên, các loại thuốc được quảng cáo tràn lan, không rõ nguồn gốc xuất xứ, được rao bán theo hình thức đa cấp mà người bán không hề có kiến thức về thuốc thuộc đủ các thành phần từ công nhân, công chức, viên chức đến bà bán trà đá vỉa hè thì thực sự nguy hiểm cho người sử dụng.
 
Sử dụng hình ảnh người khác để tạo tài khoản trên mạng xã hội, lấy video của lương y nổi tiếng để quảng cáo chữa bệnh xương khớp, việc làm vi phạm pháp luật này đang bị một số đối tượng lợi dụng nhằm mục đích bán thuốc trục lợi. Chưa nói đến tính hiệu quả của bài thuốc, không ít người sử dụng đã vô tình mắc bẫy khi tin vào những lời quảng cáo “đường mật”…
 
Đơn cử như hình ảnh tôi và thương hiệu của Thọ Xuân Đường bị ăn cắp rất nhiều.Và cũng có không ít bệnh nhân đến tận nơi hoặc gọi cho tôi để “bắt vạ”, sau khi tôi giải thích và hướng dẫn hoặc tư vấn online thì bệnh nhân an tâm để chữa bệnh khi đã tìm đúng đến Thọ Xuân Đường. Bản thân tôi thấy rất là buồn vì chuyện này, rất mong đừng vì cái lợi trước mắt mà ảnh hưởng xấu đến những thầy thuốc chân chính, mong họ làm việc bằng cái tâm để thuốc cổ truyền có thể mang lại hiệu quả nhiều hơn nữa cho nhân dân.
 
PV: Thưa anh, nhiều bệnh nhân tìm tới Tây y trước khi tìm đến y học cổ truyền. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào để giữ gìn và tôn vinh nam y Việt?
 
Tiến sĩ – lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:
 
Trước hết, tôi thấy việc bảo tồn tri thức chữa bệnh của 54 dân tộc Việt Nam là rất cần thiết, qua đó phát huy những bài thuốc hay cây thuốc quý phục vụ cho nhân dân, đồng thời tôn vinh giá trị Y học cổ truyền của dân tộc.
 
Thứ hai, Nhà nước ta cần có thêm các chính sách khuyến khích phát triển vùng dược liệu để đảm bảo nhu cầu sản xuất trong nước, không phải nhập từ nước ngoài như hiện nay và để bảo tồn những loài cây thuốc quý.
 
Và nếu muốn phát triển nền y học nước nhà, vươn tầm ra thế giới cần dựa vào thế mạnh là nam y và nam dược, nên có một bộ luật riêng hoàn chỉnh dành cho các lương y hành nghề nam y nam dược, nên tạo điều kiện cấp phép cho các thầy thuốc nam y và các bài thuốc gia truyền quốc truyền một cách hợp lý để chữa bệnh cho mọi người và lưu truyền cho đời sau những bài thuốc quý, chứ không nên quá áp đặt các luật pháp của nước ngoài vào Việt Nam, nên có các công ty vào cuộc, phối hợp cùng các thầy thuốc Nam Y để nghiên cứu và phát triển các bài thuốc gia truyền, quốc truyền, những công ty ấy sẽ chịu tránh nhiệm về tính khoa học, tính pháp lý và khả năng chữa bệnh của bài thuốc, cũng như đảm bảo cho những người cống hiến những bài thuốc quý có được thu nhập ổn định và lâu dài. Nhà nước, cần cùng giới nghiên cứu y học và các nhà lập pháp nên cùng tư duy, suy nghĩ, đưa ra được một bộ luật - tạm gọi là Luật Y – Dược Cổ truyền một cách khoa học, thống nhất giúp cho những thầy thuốc tâm huyết nghiên cứu về y học dân tộc và bản sắc văn hóa chữa bệnh bằng nam y và nam dược có cơ hội phát triển hơn nữa, cũng mong bộ luật sẽ được Quốc hội thông qua để đảm bảo tính thống nhất.
 
Nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam xin gửi tới Tiến sĩ - Lương Y lời chúc sức khoẻ và thành công hơn nữa trong sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Xin trân trọng cám ơn!
 
Mai Thanh thực hiện
comment Bình luận