Uống rượu ba kích: Coi chừng liệt dương, vô sinh

Rượu ba kích dùng liều lượng vừa phải có tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lý, nhưng nếu lạm dụng có thể gây rối loạn cương dương, thậm chí vô sinh…
16:35 | 18/11/2020

Theo lương y Bùi Hồng Minh – Chủ tịch hội Đông y Ba Đình (Hà Nội) cây ba kích thuộc loại cây thảo, leo bằng tua quấn, thân non, màu tím, có lông, sau nhẵn và dài hàng mét.

Trong Đông y, củ cây ba kích có tính ấm, nóng, cay, ngọt, tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lý. Đặc biệt, ba kích dùng trong các trường hợp nam giới bị dương suy, di tinh, tảo tiết (xuất tinh sớm), đau lưng, đau gối, đau xương khớp. Đối với nữ giới, loại cây này có thể điều trị chứng đau bụng dưới, muộn con…

Dùng củ ba kích bắt buộc phải bỏ phần lõi.

Ba kích có thể dùng bằng nhiều cách khác nhau như kết hợp với nhiều bài thuốc khác để tăng công dụng hoặc cũng có thể ngâm rượu.

Tuy nhiên theo lương y Minh, nhiều người hiện nay không biết, thường ngâm cả củ lẫn rễ của ba kích mà không bỏ phần lõi. Việc làm này rất nguy hiểm vì có thể gây “tác dụng ngược”, gây liệt dương.

“Tôi đã gặp những trường hợp nam giới bị liệt dương do sử dụng củ ba kích lâu năm mà sai cách. Do đó, dù dùng củ ba kích dưới bất cứ cách thức nào, dù là làm thuốc hay ngâm rượu thì đều phải bỏ phần lõi, chỉ lấy phần thịt của củ ba kích”, lương y Minh nói.

Chung quan điểm, theo lương y Nguyễn Thanh Thuý – phòng khám Đông y Ích Thọ Đường, sử dụng củ ba kích mà không rút lõi sẽ gây buồn bực chân tay, gây các tác dụng phụ không mong muốn.

Tăng sinh lý cho cả nam và nữ

Hiện nay có 2 loại ba kích là ba kích tím và ba kích trắng, trong đó, ba kích tím tốt hơn có tác dụng bổ thận, tráng dương rất hiệu quả. Nhưng để mang lại hiệu quả tốt nhất thì phải thông qua bào chế, có thể dùng làm thuốc hoặc ngâm rượu.

Nghĩa là ba kích khi mua về cần phải được rửa sạch, rút lõi, tẩm muối, phơi khô sau đó sao lên cho thơm rồi mới đem dùng có tác dụng bổ thận, tăng cường sinh lý.

Tuy nhiên, theo lương y Thuý, lâu nay người dân mặc định rằng ba kích chỉ tăng cường sinh lý cho nam giới mà không biết rằng loại củ này cũng có tác dụng tương tự đối với nữ giới.

“Nhiều người cứ nghĩ tráng dương nghĩ là thận dương, bổ thận dương cho nam, nhưng không phải. Đâu phải chỉ có nam mới có thận dương, nữ giới cũng có thận dương. Vì vậy, nếu nói đúng ba kích phải là bổ thận nói chung, nhưng thiên về bổ thận dương. Nghĩa là hỗ trợ tăng cường sinh lý của cả nam giới và phụ nữ, “khoẻ” cả nam và nữ chứ không riêng gì nam”, lương y Thuý nói.

Nam bệnh nhân nhập viện do dương vật cương cứng suốt 30 giờ sau khi sử dụng rượu ngâm ba kích.

Dùng quá nhiều dễ liệt dương

Lương y Thuý cũng cho biết, tuy ba kích rất tốt cho sức khoẻ nhưng nếu lạm dụng, dùng quá nhiều cũng có tác dụng phụ.

Đối với ba kích, trong Đông y khuyến cáo khi sử dụng cho vào thuốc uống sắc lên thì một ngày một người chỉ nên sử dụng từ 8-12g. Nếu dùng quá lượng trên sẽ gây tác dụng phụ như rối loạn cương dương, yếu tinh trùng, thậm chí vô sinh…

“Tôi nghe thấy có trường hợp bệnh nhân nam 40 tuổi uống rượu ba kích mà cương cứng tới 30 giờ. Trong trường hợp này có lẽ cũng do bệnh nhân uống quá nhiều rượu ba kích mà nên. Chúng ta cứ tưởng tượng, khuyến cáo chỉ từ 8-12g mà bây giờ uống tới 50-100g thì làm sao mà chẳng rối loạn cương dương rồi cương cứng tới 30 giờ như thế”, lương y Thuý nhấn mạnh.

Lương y Thuý cũng cảnh báo, nam giới hiện nay không nên quá lạm dụng rượu ba kích để tăng cường sinh lý. Bởi ba kích ngâm rượu cũng chỉ là để hỗ trợ. Ngoài ra, uống quá nhiều rượu cũng không tốt cho sức khoẻ, thậm chí phản tác dụng. Liều lượng đúng khi sử dụng rượu ba kích cho nam giới đó là mỗi bữa chỉ nên uống một chén bằng hạt mít để mang lại hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, ba kích cũng có một số tác dụng phụ như táo bón, miệng đắng, nước tiểu đỏ, đau, mờ mắt, khát nước hay ức chế thần kinh nếu như sử dụng quá nhiều.

Vì vậy, một số nhóm người như phụ nữ mang thai, trong thời kỳ kinh nguyệt, nam giới mắc chứng khó xuất tinh, người bị bệnh gan, âm hư quá vượng, táo bón… nên tránh sử dụng ba kích.

“Ba kích hay bất kỳ loại thảo dược nào được sử dụng làm thuốc đều không nên dùng bừa bãi hay lạm dụng quá nhiều. Vì vậy, để tránh nguy cơ chịu tác dụng phụ, trước khi sử dụng, người dân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, lương y, thầy thuốc Đông y để được tư vấn”, lương y Thuý khuyến cáo.

Theo VTC News

comment Bình luận