Tự chủ: Bệnh viện K giảm nguồn thu, không có đủ kinh phí để mua máy móc

Theo Giám đốc Bệnh viện K, sau 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện BV gặp nhiều khó khăn, nguồn thu giảm 30-40% do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không có đủ kinh phí để mua máy móc mới phục vụ người bệnh.
14:44 | 24/08/2022

Năm 2019, Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm tự chủ toàn diện đối với 4 bệnh viện gồm Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Thực tế có 2 bệnh viện thực hiện là Bạch Mai và Bệnh viện K.

GS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: "Sau 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện, giống như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K cũng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, một số quyền tự chủ chưa rõ ràng, gọi là tự chủ nhưng có thay đổi nhiều".

Cụ thể, Bệnh viện không được tự quyết về giá mà vẫn phải theo khung giá chung. Giá dịch vụ theo yêu cầu cũng phải tính theo khung giá nhưng đến nay Bộ Y tế chưa ban hành khung giá này.

Bệnh viện K: 2 năm tự chủ toàn diện, chúng tôi gặp nhiều khó khăn - 1

PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K.

"Vấn đề tự chủ về nhân lực cũng gặp những khó khăn nhất định. Đề án cũng cho phép Bệnh viện được đầu tư nhưng quan trọng nhất là chưa có nguồn vốn để đầu tư. Trong 2 năm thực hiện, chúng tôi chưa mua thêm được hệ thống máy móc trong chẩn đoán và điều trị", GS Quảng nói.

Đối với ngành y tế, việc có đầy đủ máy móc, thiết bị rất quan trọng trong công tác khám chữa bệnh. Hơn nữa, máy móc, thiết bị phục vụ việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư thường rất đắt tiền. Bệnh viện gặp khó khăn trong việc đầu tư máy móc phục vụ người bệnh.

Theo GS Quảng, nếu không có dịch Covid-19, một năm Bệnh viện tích lũy được khoảng 100 tỷ. Với số tiền này việc mua sắm gặp nhiều khó khăn. Lấy ví dụ, máy móc đắt nhất hiện nay là hệ thống máy xạ trị, giá trung bình là khoảng 150 tỷ đồng, các máy khác khoảng 40-50 tỷ. Chưa kể còn các khoản chi cho đào tạo, học nâng cao trình độ chuyên môn.

Đặc biệt, nếu tự chủ hoàn toàn thì riêng tiền thuế đất một năm Bệnh viện đã phải đóng đã lên đến vài chục tỷ. Và như thế không thể có tiền để đầu tư mua sắm máy móc, xây dựng sửa chữa lại càng hạn hẹp, bệnh viện sẽ càng gặp khó khăn hơn.

"Theo tiêu chuẩn, một máy xạ trị chạy cho khoảng 50-70 bệnh nhân/ngày thì với số lượng bệnh nhân đang điều trị Bệnh viện phải cần 6-7 máy nữa mới đủ. Hiện 2 cơ sở của chúng tôi có 9 máy xạ, với số lượng máy xạ trị ít nên phải hoạt động hết công suất, xạ trị từ 5h sáng đến 22h đêm", GS Quảng phân tích.

Bên cạnh đó, là đơn vị tuyến cuối về chuyên khoa ung thư, Bệnh viện cũng phải thực hiện chức năng đào tạo. Câu hỏi đặt ra là nếu tự chủ toàn diện thì liệu học viên đến học có phải đóng tiền không, đóng bao nhiêu? Ngoài ra, Bệnh viện cũng phải thực hiện các đề án, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho tuyến dưới. Vậy những chi phí này sẽ do Bệnh viện K, Bệnh viện tuyến dưới chi trả?

Trong 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn thu của Bệnh viện cũng bị sụt giảm khoảng 35- 40% tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng. Đây cũng là một khó khăn lớn của bệnh viện về mặt tài chính.

Theo GS Quảng, về lý thuyết việc tự chủ có nhiều ưu điểm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề có đặc thù riêng, đặc biệt là ngành y - việc tự chủ toàn diện sẽ chưa phù hợp tại thời điểm hiện nay mà cần có  lộ trình.

"Nếu tự chủ toàn diện thì phải có nguồn thu mà thu từ người bệnh thì sẽ rất khó khăn cho họ. Chúng tôi là bệnh viện tuyến cuối, chuyên điều trị bệnh ung thư, căn bệnh phải điều trị lâu dài, tốn kém và đa phần bệnh nhân là người nghèo", GS Quảng nói.

Vì thế, ông đề xuất cho Bệnh viện được tự chủ theo nghị định 60 ở nhóm 2 tự chủ chi thường xuyên. "Dù có tự chủ hay không tự chủ, tự chủ một phần hay toàn diện thì trách nhiệm của chúng tôi, của đội ngũ y bác sĩ vẫn phải làm hết chức năng, nâng cao trình độ chuyên môn đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân", GS Quảng nhấn mạnh.

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng đề xuất dừng tự chủ toàn diện mà chuyển sang thực hiện theo nghị định 60, cũng ở nhóm 2.

Cũng liên quan vấn đề thí điểm tự chủ toàn diện tại 2 bệnh viện Bạch Mai và K, chia sẻ tại hội nghị sáng 21/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công. Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không?

Bộ cũng cần đánh giá sắp xếp lại các bệnh viện công lập theo nghị định 60/2021/NĐ-CP. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ, nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo nghị định 60.

Theo nghị quyết 33, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ bệnh viện.

"Hai bệnh viện này có tiếp tục không hay quay trở lại tự chủ một phần? Hai bệnh viện là xương sống của bệnh viện công, của ngành y tế, nếu để các bác sĩ đi sang hệ thống tư nhân thì chúng ta sẽ thất bại, trong khi một trụ cột chính trong vấn đề an sinh xã hội chính là y tế", Bộ trưởng Phớc nói.

Vì vậy, theo ông, Bộ Y tế phải đánh giá lại và sắp xếp hợp lý. Nếu chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Nhà nước sẽ đầu tư trang thiết bị để phục vụ nhân dân. Đây là vấn đề Bộ Y tế cần phải khẳng định sớm, nếu muộn thì sẽ phải mất 3 năm nữa mới làm được. Bộ Tài chính đang lập ngân sách cho năm 2023, tháng 10 tới sẽ trình Quốc hội. Khi đó, nếu vấn đề này không nằm trong dự toán ngân sách thì phải đến năm 2026 mới có thể bàn lại.

comment Bình luận