TS, BS Trương Hồng Sơn: "Bệnh nhân cần liệu pháp tâm lý chứ không phải tâm linh"

TS, BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội y học Việt Nam cho rằng, mọi người cần phân biệt rõ ràng giữa tâm linh và tâm lý trong điều trị bệnh. Liệu pháp tâm lý trong điều trị là một ngành y học hiện đại, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh an tâm và phối hợp trong điều trị.
7:39 | 28/03/2019

Trước vụ việc bà Phạm Thị Yến (một phật tử tại chùa Ba Vàng) tuyên truyền có thể chữa mọi bệnh tật từ xương khớp, ung thư… nhờ thỉnh vong oan gia trái chủ, nhiều bác sĩ đã bày tỏ quan điểm bất bình về những thông tin phản khoa học, đi ngược với sự phát triển của ngành khoa học trong lĩnh vực y tế.

\"\"
TS, BS Trương Hồng Sơn.

Chia sẻ về câu chuyện có hay không đi cúng bái, thỉnh oan gia trái chủ có thể “bách bệnh tiêu tán”, TS Trương Hồng Sơn nói, hiện đang có sự nhầm lẫn trong tâm linh và liệu pháp tâm lý trong điều trị. Điều trị bằng tâm linh đã có cách đây hàng nghìn năm khi chưa có kiến thức về khoa học và cơ thể, mọi bệnh tật đều quy từ thế lực siêu nhiên và thánh thần, có thể giải bệnh tật nhờ cúng bái.

Trong sự phát triển của y học, các nhà khoa học nhận thấy các bệnh đều được nghiên cứu có chứng cứ khoa học và có thể giải quyết được bằng các phương pháp điều trị. Y học trải qua các bước từ điều trị tâm linh sang y học kinh nghiệm rồi sang y học hiện đại. Sau nhiều năm phát triển, ngày nay thế giới đã dùng đến y học chứng cứ và y học cá thể, đi sâu vào điều trị.

Với y học chứng cứ, tất cả giải pháp đưa ra khi được áp dụng trên người bệnh đều phải dựa trên chứng cứ khoa học, được công bố trên tạp chí khoa học và có hướng dẫn điều trị chứ không có phương án điều trị chuyên môn riêng của một cá nhân nào. Đó là bằng chứng khoa học được hội đồng y khoa hướng dẫn chặt chẽ.

Theo TS Sơn nói: “Ông tổ y học hiện đại Hippocrates đã đưa ra khái niệm điều trị bằng cây cỏ, con dao và lời nói. Cây cỏ là tiền thân của ngành nội khoa. Con dao là tiền thân của ngành ngoại khoa. Lời nói nghĩa là khi điều trị muốn khỏi bệnh, bác sĩ phải có những trao đổi, động viên bằng tâm lý. Đó là ngành tâm lý học điều trị”.

Vì thế, tâm lý học điều trị của ngành y học hiện đại có vai trò quan trọng, giúp người bệnh thấy tin tưởng hơn, phát huy hết sức đề kháng, giúp quá trình điều trị tốt hơn.

Là một nhà khoa học, TS Trương Hồng Sơn khẳng định, không có bằng chứng về điều trị dựa trên nền tảng phải cúng dường, ra điều kiện đóng góp bằng số tiền cụ thể. Về chuyên môn, điều đó làm cho người bệnh lầm lạc, không tuân thủ phác đồ điều trị, sẽ gây nguy hại cho chính người bệnh và làm cộng đồng hiểu lầm. “Chúng ta không thể nhầm lẫn điều trị bằng tâm linh có thể điều trị thực thể. Những phương án điều trị mang tính tâm linh nhưng không phải là tâm lý điều trị mà dựa trên mê tín, dị đoan như gọi vong, áp chế từ người khác vào cơ thể tiêu tán bệnh là không có cơ sở khoa học”, BS Sơn cho hay.

Về việc các bác sĩ sẽ hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân thế nào để họ có sự lạc quan trong điều trị bệnh, không tìm đến những việc cúng bái, mê tín dị đoan, TS Trương Hồng Sơn bày tỏ: “Tôi đề nghị, ngành y tế có những hỗ trợ liệu pháp tâm lý điều trị để chia sẻ với người bệnh, hỗ trợ điều trị làm người ta có lòng tin, có sự lạc quan thì lúc đó cơ thể sẽ đáp ứng với điều trị tốt hơn. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ hãy áp dụng cả về điều trị bằng thuốc, phương án điều trị hiện đại kết hợp tâm lý điều trị cho bệnh nhân. Nhưng điều đấy không có nghĩa liên quan đến điều trị tâm linh theo hướng mê tín, dị đoan”.

Trong một số trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nặng, y học bó tay thì người dân lúc này có tâm lý có bệnh vái tứ phương. Với những vùng mà sự phát triển của y học có sự hạn chế, sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những vấn đề mê tín dị đoan. Do đó, BS Sơn cho rằng, tâm lý điều trị là ngành y học hiện đại có vai trò rất quan trọng mà bác sĩ cần hỗ trợ người bệnh trong quá trình điều trị, giúp bệnh nhân chấp nhận bệnh tật một cách an nhiên và có sự chia sẻ với người thân hợp lý.

comment Bình luận