Trẻ sốt về đêm là bệnh gì? Cảnh báo những dấu hiệu nguy hiểm đi kèm

Trẻ sốt về đêm là bệnh gì và nguyên nhân do đâu? Cảnh báo một số dấu hiệu nguy hiểm có thể đi kèm khi trẻ sốt về đêm. Cách hạ sốt trong đêm cho trẻ an toàn nhất cha mẹ cần biết.
12:21 | 02/08/2019
Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus. Tuy nhiên, trẻ sốt về đêm rất có thể là dấu hiệu cảnh báo căn bệnh nguy hiểm.
 

Nguyên nhân trẻ sốt về đêm

 
Các bác sĩ chỉ ra một số nguyên nhân khiến trẻ sốt về đêm:

Thay đổi thời tiết: Vào thời điểm giao mùa, đặc biệt ở miền Bắc thời tiết thay đổi thất thường, nắng - mưa, nóng - lạnh khiến cơ thể người rất khó thích nghi. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ sức đề kháng còn non nớt không kịp thích nghi với sự thay đổi của thời tiết, rất dễ bị ốm, sinh ra phản ứng sốt về chiều và đêm.

Do mồ hôi: Các mẹ thường có thói quen tắm cho con sau khi vui chơi vào buổi chiều. Nếu tắm cho con khi trẻ chưa ráo mồ hôi, lỗ chân lông đang giãn nở tiếp xúc với nước lạnh khiến trẻ rất dễ bị cảm, thân nhiệt tăng lên vào buổi tối.
 
Trẻ sốt về đêm là bệnh gì? Cảnh báo những dấu hiệu nguy hiểm đi kèm

Phản ứng sau tiêm chủng: Sốt về chiều và đêm là phản ứng thường gặp sau tiêm chủng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ được tiêm chủng vào buổi sáng và thường xảy phản ứng sốt về chiều và tối cùng ngày. Tùy loại vắc xin mà phản ứng sốt của trẻ ở mức độ nặng hay nhẹ. Nếu phản ứng nhẹ, trẻ chỉ hơi sốt (dưới 38,5 độ C), có thể quấy khóc nhưng sẽ tự khỏi vào ngày hôm sau. Ở mức độ nặng, trẻ có thể sốt cao trên 39 độ C rất dễ rơi vào trạng thái co giật hoặc hôn mê, vật vã.
 
Sốt virus: Trẻ sốt về chiều và đêm là đặc trưng của bệnh sốt virus. Thông thường trẻ liên tục sốt cao trong nhiều ngày, đặc biệt chỉ sốt về chiều và đêm kèm theo một số biểu hiện khác.

Do bệnh khác: Trẻ sốt về đêm cũng có thể là biểu hiện của một số căn bệnh: các bệnh nhiễm khuẩn như phát ban, sởi, bệnh tai mũi họng, bệnh đường tiết niệu...

Những dấu hiệu nguy hiểm khi trẻ sốt về đêm


Trẻ sốt về đêm khiến cha mẹ lo lắng hơn bởi chỉ cần lơ là vài phút hoặc ngủ quên, trẻ lên cơn sốt cao rất khó kiểm soát gây biến chứng nặng nề.

Vào ban đềm, trẻ không chỉ sốt thông thường mà rất có thể có nhiều dấu hiệu nguy hiểm đi kèm, cha mẹ cần đặc biệt chú ý.

Sốt cao: Bệnh nhi sốt virus thường có biểu hiện sốt cao phổ biến 38-39 độ C, thậm chí thân nhiệt có thể tăng lên 41 độ C. Cha mẹ cần hạ sốt để tránh trẻ lên cơn co giật.

Trẻ quấy khóc, có cảm giác nuốt vướng ăn vào là nôn trớ... là triệu chứng về hô hấp do vùng hầu họng bị kích thích. Đây có thể là dấu hiệu trẻ bị sốt virus, sốt xuất huyết...

Sưng và đau trên người: Trẻ sau tiêm chủng thường có phản ứng sưng và đau tại vùng tiêm. Nếu không may chạm vào vùng tiêm chủng trẻ sẽ đau đớn, quấy khóc. Thông thường hiện tượng sưng đau sẽ tự hết sau 1-2 ngày.

Đau đầu: Trẻ sốt kèm đau đầu rất có thể là biểu hiện của sốt virus, sốt phát ban. Tuy nhiên cha mẹ cần theo dõi xem trẻ đau đầu nhưng có tỉnh táo hay rơi vào trạng thái mê man.
 
Trẻ sốt về đêm là bệnh gì? Cảnh báo những dấu hiệu nguy hiểm đi kèm

Triệu chứng hô hấp: Trẻ sốt thường đi kèm với các biểu hiện viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mắt nước mũi, đau họng...

Rối loạn tiêu hóa: Trẻ sốt đi kèm với rối loạn tiêu hóa rất có thể là bệnh sốt virus. Trẻ bị tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng (không có máu hay chất nhầy), không phải xuất huyết tiêu hóa... Các triệu chứng này thường xảy ra sau 1-2 ngày bị sốt.

Nôn trớ: Sốt gây mệt mỏi, đau họng khiến trẻ chán ăn, ăn vào dễ nôn trớ.

Phát ban da: Sốt kèm với biểu hiện phát ban đỏ trên da sau 2-3 ngày khởi phát sốt là triệu chứng của sốt phát ban hay sốt xuất huyết. Các nốt ban xuất hiện khi trẻ đã đỡ sốt nên cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan.

Viêm kết mạc mắt: Sốt kèm đỏ kết mạc mắt, nhiều dử mắt và dễ chảy nước mắt là triệu chứng đi kèm của sốt phát ban, sốt virus.

Cách hạ nhiệt khi trẻ sốt về đêm


Biện pháp hạ sốt đơn giản nhất là cha mẹ cởi bỏ bớt quần áo cho con. Chỉ nên cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng để dễ thoát nhiệt. Không nên ủ quá kín hay đắp chăn khiến trẻ càng ra nhiều mồ hôi.
 
Trẻ sốt về đêm là bệnh gì? Cảnh báo những dấu hiệu nguy hiểm đi kèm

Dùng khăn nhúng vào nước ấm để lau người cho trẻ, đồng thời chườm khăn vào các vị trí nách, bẹn, cổ để giúp thoát nhiệt nhanh. Tuyệt đối không nên dùng nước lạnh, nước đá để lau cho trẻ, có thể khiến trẻ rét run, cảm lạnh ngược trở lại. Theo các bác sĩ, nước chỉ cần thấp hơn thân nhiệt của trẻ 2 độ C đã có tác dụng hạ nhiệt.

Cha mẹ nên thức đêm để thường xuyên theo dõi thân nhiệt trẻ. Cặp nhiệt độ 2 tiếng một lần để xem trẻ có tăng hay hạ nhiệt.

Đối với trẻ sốt 38,5 độ C cha mẹ nên cho con uống thuốc hạ sốt paracetamol. Không chủ quan để trẻ sốt quá cao trên 39 độ C, rất dễ co giật.

Nếu tình trạng trẻ sốt về đêm, dù chỉ là sốt nhẹ nhưng diễn ra thường xuyên khoảng 2 - 4 ngày, cha mẹ nên đưa con đi gặp bác sĩ để thăm khám.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/08/01/dùng thuốc hạ sốt cho trẻ_01082019152125.mp4[/presscloud]
Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ như thế nào.
 
 
Hà Ly (t/h)
 
comment Bình luận