Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm chủng

Sốc phản vệ sau tiêm chủng là hiện tượng ít gặp khi hệ miễn dịch của trẻ quá nhạy cảm với chất gây dị ứng mà trẻ tiếp xúc. Cha mẹ cần biết các dấu hiệu trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm vắc xin để được cấp cứu kịp thời.
12:08 | 16/10/2019

Dấu hiệu sốc phản vệ sau tiêm chủng

 
Sốc phản vệ là gì? Đây là hiện tượng cấp tính xảy ra khi hệ miễn dịch của trẻ quá nhạy cảm với chất gây dị ứng. Sốc phản vệ sau tiêm chủng được coi là tai biến nặng, nếu không được xử trí kịp thời có thể khiến trẻ mất mạng.

Theo tài liệu Khuyến cáo sử dụng vắc-xin cho mọi lứa tuổi ở Việt Nam, hiện tượng sốc phản vệ có thể xảy ra trong và sau khi tiêm vắc xin cho trẻ.

Thông tư số 51/2017/TT-BYT của Bộ Y tế phân loại 4 cấp độ sốc phản vệ.

Cấp độ 1: Phản vệ nhẹ (phản ứng dị ứng) khi có các biểu hiện ngứa ngoài da, nổi ban, mày đay; phù mạch... có nguy cơ cao tiến triển nặng. Cấp độ 2 có các dấu hiệu mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh; khó thở, thở nhanh nông; trẻ quấy khóc, nôn, tiêu chảy; nhịp tim nhanh, huyết áp còn ổn định.
 
Trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm chủng: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí
Sốc phản vệ là một loại tai biến nặng sau tiêm chủng
 
Cấp độ 3 với các dấu hiệu thở khò khè, thở rít, rối loạn nhịp thở; mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt; kích thích, li bì, hôn mê. Cấp độ 4 rất nặng với dấu hiệu ngừng tuần hoàn, hô hấp.

Về thời gian xảy ra sốc phản vệ sau tiêm chủng bao lâu, theo các chuyên gia, sốc phản vệ xuất hiện ngay trong khi tiêm vắc xin với các triệu chứng như: trẻ kích thích, vật vã, mẩn ngứa, nổi ban đỏ, mề đay, mạch nhanh nhỏ khó bắt, thậm chí huyết áp tụt có khi không đo được; khó thở (kiểu hen, thanh quản), nghẹt thở... Khi đó, nhân y tế cần dừng tiêm ngay lập tức.

Các phản ứng cấp tính có thể xảy ra 2 tiếng sau khi tiêm vắc xin với một hoặc nhiều triệu chứng như trẻ thở khò khè, ngắt quãng do co thắt khí phế quản và thanh quản, phù nề thanh quản; phát ban, phù nề ở mặt hoặc phù nề toàn thân.
 
Trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm chủng: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí
Sốc phản vệ có thể xảy ra trong, ngay sau hoặc trong vòng 48 tiếng sau khi tiêm vắc xin

Để phát hiện sớm sốc phản vệ sau tiêm vắc xin, cha mẹ hãy theo dõi trẻ qua các dấu hiệu sau: Trẻ sốt cao (> 38,5oC); quấy nhiều, khóc thét, khóc dai dẳng trên 3 giờ. Trẻ bỏ bú, bú kém, nôn trớ bất thường kèm mẩn đỏ, phát ban ngoài da, chi lạnh... Khi thấy con có những dấu hiệu này cha mẹ hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất càng nhanh càng tốt.
 

Cách xử trí sốc phản vệ sau tiêm chủng


Theo tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về dị ứng - miễn dịch lâm sàng của Bộ Y tế, tỷ lệ các phản ứng dị ứng, đặc biệt là sốc phản vệ sau tiêm chủng rất hiếm xảy ra chỉ khoảng 1/50.000 đến 1/100.000 liều tiêm, tùy loại vắc xin.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định tiêm chủng là hết sức cần thiết đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định tiêm chủng mở rộng (TCMR) và tiêm chủng chống dịch là tiêm chủng bắt buộc. Do đó, cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng tránh dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.
 
Trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm chủng: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí
Trẻ bị sốc phản vệ cần được cấp cứu kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm tới tính mạng
 

Hiện tượng sốc phản vệ sau tiêm chủng là cực hiếm, chỉ xảy ra với người có địa quá mẫn cảm. Phụ huynh không nên vì lý do này mà không cho trẻ tiêm chủng, có thể gây hậu quả khôn lường.
Để phòng ngừa sốc phản vệ nói riêng và các tai biến sau tiêm chủng nói chung, trẻ sau khi tiêm vắc xin cần được theo dõi tại chỗ trong 30 phút để cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có phản ứng bất thường.

Nếu trẻ có dấu hiệu đau nhiều hoặc phản ứng dị ứng tại chỗ thì cho chườm đá tại vị trí tiêm. Nếu trẻ đau nhiều sau tiêm, bác sĩ có thể chỉ định cho dùng paracetamol hoặc ibuprofen.

Nếu có triệu chứng dị ứng, ngứa tại chỗ, bác sĩ có thể cho dùng kháng histamine đường uống. Khi các triệu chứng thuyên giảm, cần theo dõi người bệnh ít nhất 30 phút tiếp theo.

Sau theo dõi tại chỗ, trẻ vẫn cần được theo dõi sát sao tại nhà. Trong vòng 12 - 48 tiếng sau tiêm, cha mẹ cần đặc biệt chú ý tới thân nhiệt, tinh thần, tình trạng phát ban hay phản ứng của trẻ. Không nên chủ quan bởi hiện tượng sốc phản vệ có thể xảy ra muộn.

Nếu trẻ sốt, cha mẹ cần cặp nhiệt độ và theo dõi thân nhiệt của trẻ. Có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo sự chỉ dẫn của nhân viên y tế.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/10/16/cap-cuu-soc-phan-ve-sau-tiem-chung_16102019114313.mp4[/presscloud]
Cấp cứu sốc phản vệ rất phức tạp, thời gian chỉ tính bằng giây. Video: VTC14
 
 
Hà Ly (t/h)
 
 
comment Bình luận