TPHCM phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trước Tết Nguyên đán

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết trong chiến dịch tiêm mũi 3 vắc xin COVID-19, TP không chỉ tập trung tiêm tại các điểm cố định mà sẽ triển khai tiêm lưu động, ưu tiên tiêm tại nhà cho người dân.
11:08 | 28/12/2021

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM

Chiều 27/12, tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai đã thông tin về các vấn đề liên quan chiến dịch tiêm mũi 3.

Bà Mai cho biết TP.HCM đã được cung cấp hơn 1,3 triệu liều vắc xin, TP sẽ cố gắng phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trước Tết Nguyên đán.

“Sở Y tế đã có kế hoạch cùng các quận, huyện điều phối các đội tiêm trên cơ sở lấy từ các bệnh viện công lập và tư nhân, các phòng khám, trạm y tế trên địa bàn”, bà Mai chia sẻ.

Theo bà Mai, trong chiến dịch tiêm mũi bổ sung, nhắc lại, ngành y tế rút kinh nghiệm từ các đợt tiêm trước không nên tập trung tại một điểm tiêm mà sẽ cử các đội tiêm, triển khai các đội tiêm lưu động; tiến hành tiêm song song giữa đối tượng nguy cơ và các đối tượng khác, ưu tiên việc tiêm vắc xin tại nhà cho người dân, tránh việc tập trung đông người.

Đối với các xí nghiệp, lập danh sách đối tượng tiêm và sẽ cử các đội tiêm đến để tiến hành tiêm.

Về việc cách ly F0 điều trị tại nhà, bà Mai cho rằng bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà hiện nay không thiếu thuốc, nếu nói về lý thuyết. Bởi luôn có các túi thuốc A, B từ trạm y tế cùng bộ phận thứ 2 là các nhà thuốc đồng hành, bán các loại thuốc không kê đơn hỗ trợ quá trình điều trị.

Bên cạnh đó, bà Mai nhắc nhở việc trao đổi, buôn bán thuốc không kiểm định là vi phạm pháp luật. Người dân uống thuốc tự mua không kê đơn rất nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là gói thuốc C.

“Sở Y tế rất đắn đo khi đưa các gói thuốc vào việc chăm sóc F0 tại nhà. Các loại thuốc kháng viêm, kháng đông hiện nay chỉ uống đúng 1 liều trước khi vào bệnh viện. Bởi tác dụng phụ của thuốc rất lớn, nên cân nhắc khi sử dụng, nhất là người cao tuổi”, bà Mai nói.

Ông Phạm Đức Hải - phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM - cho biết TP xây dựng lộ trình tiêm mũi bổ sung và tiêm nhắc bắt đầu từ tháng 12/2021 đến tháng 6-2022 theo kế hoạch trước đó. Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu hết quý 1-2022, TP phải hoàn thành tiêm mũi nhắc lại cho người dân 18 tuổi trở lên.

Ước tính khi rút ngắn thời gian tiêm, chỉ tính hết quý 1/2022, TP.HCM sẽ phải tiêm trên 5,7 triệu liều vắc xin các loại cho người dân.

Ông nhấn mạnh trong quý 1, người dân TP từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm vắc xin. TP sẽ phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tiêm không phân biệt hộ khẩu, thường trú hay tạm trú.

Về phương án xét nghiệm của TP trong thời gian qua, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết từ tháng 9 đến nay, phương án xét nghiệm của thành phố không thay đổi. Việc đánh giá tình hình dịch không phải chỉ dựa trên số ca nhiễm mà còn so sánh số ca nhập viện, chuyển nặng, tử vong.

“Dù là tín hiệu tích cực nhưng người dân không nên chủ quan, phải luôn cảnh giác, nhất là trước các dịp lễ, Tết truyền thống và các hoạt động đang dần mở lại. HCDC luôn khuyến cáo người dân ý thức tuân thủ 5K khi tham gia bất cứ hoạt động nào”, ông Tâm chia sẻ.

Theo ông Tâm, sắp tới nếu có thêm các khối lớp khác đi học, việc tăng số ca F0 là chuyện đương nhiên, TP và ngành y tế phải có phương án kiểm soát trong tình hình mới.

Thống kê từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM cho biết số ca mắc mới tại TP giảm dưới 1.000 ca mỗi ngày trong một tuần qua. Với tín hiệu lạc quan này, Sở Y tế TP.HCM cho rằng việc tầm soát các ca F0 trong nhóm nguy cơ để can thiệp ngay góp phần giảm nguy cơ tử vong.

Các quận, huyện đang tiếp tục triển khai xét nghiệm cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ và cung cấp ngay thuốc kháng virus cho F0 nhóm này dù có triệu chứng hay không.

comment Bình luận