TPBank và các liên đới ở những đại án Ngân hàng

Ngoài đại án Phạm Công Danh, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) còn biết đến với có liên đới trong vụ án “siêu lừa” Huyền Như.
14:37 | 28/05/2019

"Mánh tinh vi" rút hơn 1.666 tỷ đồng 

 Với lý do để có tiền cho việc chăm sóc khách hàng, tăng vốn đầu tư của VNCB và trả nợ các khoản vay, Phạm Công Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai tìm cách rút tiền ra khỏi VNCB, chuyển về để Danh sử dụng. Mai đề xuất với Danh ủy thác qua Qũy Lộc Việt để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh thì tiền sẽ quay trở lại thì được Danh đồng ý.

Do có mối quan hệ quen biết nhau từ trước, Mai đã trao đổi và thống nhất với Nguyễn Việt Hà (TGĐ Công ty CP Quản lý Qũy Lộc Việt- goi tắt là Qũy Lộc Việt) dùng biện pháp ủy thác đầu tư sang Qũy Lộc Việt và nhờ Hà mượn pháp nhân các công ty để vay tiền Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Sau đó, sẽ dùng số tiền này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung và VNCB sẽ bảo lãnh cho các khoản vay trên thì được Hà đồng ý.

Để thực hiện kế hoạch, Hà gặp gỡ và trao đổi nhiều lần với Đặng Thị Bích Thủy (PGĐ khối Khách hàng doanh nghiệp của TPBank) và Đinh Việt Cường (GĐ khối Khách hàng doanh nghiệp của TPBank) cùng tìm các doanh nghiệp đứng ra vay vốn TPBank để đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.

Các bên đã lựa chọn được 11 pháp nhân là các Công ty để tham gia vào việc vay vốn, mua trái phiếu... VNCB sẽ bảo lãnh cho các khoản vay của 11 Công ty trên tại TPBank nên từ khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 12/2013, VNCB đã gửi trên 9 hợp đồng tiền gửi với tổng số tiền là hơn 1.706 tỷ đồng để đảm bảo cho 11 Công ty vay 1.666,8 tỷ đồng tại TPBank trong thời hạn 1 năm. Sau đó, TPBank đã ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn và giải ngân cho 11 Công ty vay vốn với tổng số tiền cho vay là 1.666,8 tỷ đồng.

Đồng thời, Đặng Thị Bích Thủy còn ký hợp 11 Hợp đồng cầm cố trái phiếu với 11 Công ty này. Số trái phiếu cầm cố này có là do 11 Công ty đã mua lại trong hợp đồng mua bán 1.000 trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và 600 trái phiếu của Công ty Trung Dung.

Ngoài ra, cáo trạng còn thể hiện, 11 Công ty có Ủy nhiệm chi chuyển 1.000 tỷ đồng vào tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh, chuyển 600 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Trung Dung, chuyển 66,8 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Thạch Hà (do Công ty Thuận Phát đứng tên vay 60 tỷ đồng, Công ty Kỳ Nam đứng tên vay 3,8 tỷ đồng và Công ty Thạch Hà 3 tỷ đồng).

Tổng số tiền 1.600 tỷ đồng trong tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, Phạm Công Danh đã rút ra sử dụng. Riêng số tiền 66,8 tỷ đồng, đã được sử dụng cho việc mua cổ phần của Công ty CP Giải Pháp Việt Nam và thực hiện việc ủy thác đầu tư.

Sau khi đã ấn định sẽ lấy pháp nhân của 11 Công ty trên, Nguyễn Việt Hà liên hệ với Đinh Việt Cường và Đặng Thị Bích Thủy ở TPBank trao đổi về việc cho 11 Công ty vay tiền tại TPBank và việc mua bán trái phiếu, chuyển tiền giữa các Công ty với Qũy Lộc Việt và các Công ty với Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.

Cường và Thủy đã chỉ đạo các chuyên viên khách hàng, khối khách hàng doanh nghiệp gặp gỡ khách hàng, tiếp nhận hồ sơ pháp lý của công ty xin vay vốn, làm tờ trình đề xuất cấp tín dụng theo số tiền tương ứng với số trái phiếu đầu tư đã được thống nhất trước với Nguyễn Việt Hà, chuyển thông tin pháp nhân của các công ty vay vốn cho Nguyễn Kim Cẩm Vân (nhân viên Qũy Lộc Việt) để chuyển cho VNCB làm thủ tục bảo lãnh, mua bán trái phiếu.

Khi xét duyệt hồ sơ vay vốn, các Chuyên viên khách hàng và lãnh đạo phòng Kinh doanh TPBank chỉ xem xét hồ sơ vay của 11 Công ty, không đánh giá về năng lực tài chính mà chỉ đánh giá là: phương án kinh doanh có hiệu quả, có tài sản đảm bảo chính là tiền gửi của VNCB và tài sản bảo đảm bổ sung là Trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh/ Công ty Trung Dung (tài sản đảm bảo của bên thứ 3 hoặc tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay).

Khi Đơn vị kinh doanh chuyển tờ trình đề xuất cấp tín dụng và hồ sơ vay vốn của 11 Công ty đến Phòng tái thẩm định, mặc dù không xem xét đến tính pháp lý của các trái phiếu mà 11 Công ty vay vốn đầu tư mua có được phát hành đúng quy định của pháp luật hay không, nhưng Phòng tái thẩm định 1 TPBank vẫn đồng ý cho các doanh nghiệp vay vốn, nợ hồ sơ phát hành trái phiếu, đề xuất cấp tín dụng cho 11 Công ty và trình HĐTD, Ủy ban tín dụng TPBank xem xét, quyết định.

Trên cơ sở tờ trình đề xuất cấp tín dụng của Đơn vị kinh doanh và Phòng tái thẩm định 1; HĐTD và Ủy ban tín dụng đều đồng ý phê duyệt cấp tín dụng cho 11 Công ty vay tổng số tiền là 1.666,8 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung. Việc bảo lãnh của VNCB cho 11 Công ty này vay vốn tại TPBank đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền hơn 1.740 tỷ đồng.

TPBank liên đới thế nào trong vụ án “siêu lừa” Huyền Như?

Trước đó, trong vụ án "siêu lừa" Huyền Như (Huỳnh Thị Huyền Như - SN 1978, ở phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM, nguyên Quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank, chi nhánh TP HCM), theo thông tin đăng tải trên Vietstock ngày 15/12/2012 dẫn nguồn từ báo Tuổi trẻ, tại ngân hàng TPBank, thông qua sự sắp đặt của Lê Thị Thanh Phương (nguyên trưởng phòng nguồn vốn TienPhongBank) và Huỳnh Thị Huyền Như, TienPhongBank đã ký chín hợp đồng mua chứng khoán, môi giới chứng khoán và quản lý danh mục đầu tư với Công ty CP Chứng khoán Phương Đông, Công ty quản lý quỹ Lộc Việt trị giá 1.860 tỉ đồng.

Sau đó, hai công ty này ký hợp đồng với Vietinbank Nhà Bè, Vietinbank TP.HCM để gửi toàn bộ số tiền này với lãi suất từ 13-14,8%/năm và bị Như làm giả hợp đồng, chiếm đoạt 550 tỉ đồng.

Thế nhưng, trả lời trên báo chí, đại diện TPBank khẳng định, các vụ việc liên quan đến vụ án trên đã xảy ra từ năm 2011, các lãnh đạo ngân hàng này có liên quan trực tiếp đến vụ việc hiện đều không còn làm việc tại TPBank nữa, vì vậy việc này không hề ảnh hưởng đến tình hình hoạt động đang rất ổn định và hiệu quả của ngân hàng này.

Tuy vậy, để làm rõ quan điểm của TPBank về các vấn đề liên quan trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, TPBank đã có Công văn chính thức gửi tới Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hồ Chí Minh và Tòa án Nhân dân TP.Hồ Chí Minh, khẳng định TPBank đã làm đúng các quy định pháp luật liên quan.

Trong công văn của mình, TPBank khẳng định, các hoạt động ủy thác đầu tư của TPBank với một số Công ty tại thời điểm năm 2011 là hợp pháp, đúng quy định pháp luật. TPBank cũng thực hiện ủy thác đầu tư cho các công ty có chức năng nhận ủy thác đầu tư, chứ không phải là ủy thác cho Huỳnh Thị Huyền Như hay bất cứ cá nhân nào.

Cùng với đó, giao dịch ủy thác giữa TPBank và các công ty nhận ủy thác là giao dịch độc lập và tách biệt hoàn toàn với giao dịch đầu tư của các công ty đó thực hiện với đối tác khác, không có cơ sở pháp lý nào để khẳng định trách nhiệm của đơn vị ủy thác trong việc các đơn vị nhận ủy thác không thu hồi được tiền đầu tư kể cả việc đơn vị nhận ủy thác bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đầu tư (nếu có).

Việc thu hồi số tiền đã bị thất thoát trong tài khoản của các công ty nhận ủy thác đầu tư này tại Vietinbank là quyền lợi, trách nhiệm của các công ty này với tư cách là chủ tài khoản mở tại Vietinbank. Các công ty này có thể sử dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để thu hồi số tiền này từ các tổ chức/cá nhân đã gây thiệt hại cho họ. Điều này hoàn toàn không liên quan đến TPBank.

"Vì vậy, chúng tôi thấy thông tin về việc Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh - giữ quyền công tố trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo cho rằng TPBank đã vi phạm quy định pháp luật khi thực hiện ủy thác đầu tư, ... từ đó đề nghị xem xét trách nhiệm của các lãnh đạo trước đây của TPBank (nếu có) là chưa phù hợp với thực tế và chưa đúng với bản chất của sự việc"- TPBank khẳng định.

Trước đó, trong phần nêu quan điểm tại phiên tòa xét xử Huyền Như và đồng phạm, Đại diện VKS cũng cho rằng, cơ quan điều tra và VKSND Tối cao đã truy tố trách nhiệm của các ông Trần Xuân Giá, Nguyễn Đức Kiên (ngân hàng ACB) trong vụ làm thất thoát 718 tỷ của ACB, thì đồng thời các cơ quan tố tụng trung ương cũng phải xem xét trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo các ngân hàng có liên quan (trong đó có TPBank) cũng cùng hành vi với Ngân hàng ACB nhưng chưa được xử lý, nhằm tránh việc so sánh giữa các đối tượng đã bị khởi tố, tạo dư luận không tốt trong xã hội, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

An Linh


comment Bình luận