Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về vai trò, nhiệm vụ của báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu kết luận: Bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; đồng thời tích cực đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu…
17:06 | 15/06/2022

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận cuộc họp ngày 27/4/2022 của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng

Ngày 12/12/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì và có phát biểu kết luận quan trọng tại Hội nghị Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020. Trong đó, nhiều lần Tổng bí thư Nguyễn Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về vai trò, nhiệm vụ của báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được tăng cường và có nhiều đổi mới; sự giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng được phát huy tốt hơn…

… Các cơ quan truyền thông, báo chí đã tập trung tuyên truyền, lan tỏa về kết quả nổi bật của công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XII; về quyết tâm phòng, chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ, không chùng xuống của Đảng, Nhà nước; phản bác các luận điệu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng và Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung làm tốt công tác hiệp thương lựa chọn ứng cử viên đảm bảo tiêu chuẩn và giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí, việc tu dưỡng, rèn luyện và nêu gương của cán bộ, đảng viên; tổ chức giải báo chí toàn quốc với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí lần thứ 3....

… Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh phản bác những  luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, không chỉ giám sát thường xuyên trong các kỳ họp, mà tần suất giám sát chuyên đề về phòng, chống tham nhũng cũng được nâng lên...

… Sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng tình, ủng hộ, khích lệ của nhân dân, sự chủ động vào cuộc rất tích cực của báo chí, tạo sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của nhân dân, phải “động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công”, như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu…

…Bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; đồng thời tích cực đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu…

Phát biểu kết luận Hội nghị của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng còn nhấn mạnh:"Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý thông tin báo chí nêu về tiêu cực, tham nhũng; tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh".

Phát huy vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng

Ngày 05/8/2021, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ 20, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 và xem xét quyết định một số vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo. Tại Phiên họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thống nhất kết luận một số nội dung, trong đó có nêu rõ nhiệm vụ của báo chí: “Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được đẩy mạnh; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và nhân dân trong PCTN".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị để cho ý kiến về các nội dung quan trọng ngày 11/3/2022. (Ảnh: TTXVN)

"Các cơ quan truyền thông, báo chí đã tập trung tuyên truyền, lan tỏa về kết quả nổi bật của công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XII; về quyết tâm phòng, chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ, không chùng xuống của Đảng, Nhà nước; phản bác các luận điệu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng và Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung làm tốt công tác hiệp thương lựa chọn ứng cử viên đảm bảo tiêu chuẩn và giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí, việc tu dưỡng, rèn luyện và nêu gương của cán bộ, đảng viên; tổ chức giải báo chí toàn quốc với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí lần thứ 3”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận ngày 05/8/2021.

Tiếp đó, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào ngày 20/1/2022, trong đó có nội dung chỉ đạo: “Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Ngày 27/4/2022, Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Thường trực Ban Chỉ đạo) đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo. Trong đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo một số cơ quan báo chí đầu tư xây dựng các chuyên trang, chuyên mục sâu sắc hơn, chất lượng hơn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có nội dung về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

 

Một số phát ngôn ấn tượng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng:
TIỀN BẠC LẮM LÀM GÌ, DANH DỰ MỚI LÀ ĐIỀU THIÊNG LIÊNG CAO QUÝ

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào ngày 15/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: Mỗi cán bộ, chiến sĩ, công chức cơ quan nội chính phải thường xuyên tôi luyện, rèn giũa bản thân để "thanh bảo kiếm" luôn rắn rỏi và sắc bén, dám vung kiếm và vung kiếm đúng lúc, chém đúng đối tượng, không bị sứt mẻ; để "lá chắn" luôn vững vàng, chắc chắn, không một viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên "bọc đường".

"Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm! Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

KHÔNG DỪNG, KHÔNG NGHỈ, KHÔNG KỂ ĐÓ LÀ AI, KHÔNG CÓ VÙNG CẤM

Tại buổi họp báo sau Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tinh thần chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, sát Đại hội vẫn xử lý nhiều cán bộ.

"Tôi nói là không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm ", Tổng Bí thư nói.

Nhắc lại câu nói của Bác Hồ "cưa một cành cây mọt, sâu, để cứu cả cái cây", Tổng Bí thư cho biết, xử một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm, để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa là chính, không phải cốt xử cho nhiều, xử cho nặng mới là nghiêm.

ĐỪNG THẤY ĐỎ TƯỞNG LÀ CHÍN

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 vào ngày 11/8/2021, Tổng Bí thư yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài; thật sự "cần, kiệm, liêm, chính", "chí công vô tư"; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy chính phủ và chính quyền các cấp.

"Đừng "nhìn gà hoá cuốc", "đừng thấy đỏ tưởng là chín", đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn", Tổng Bí thư nói.

SUY THOÁI TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ LÀ GỐC CỦA THAM NHŨNG

Ngày 10/9/2021, phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án "Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đều là những biểu hiện tiêu cực.

"Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này nó có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Cái lợi ích kinh tế nó thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với "sự hư hỏng về đạo đức, lối sống…", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

MỌI ĐẢNG VIÊN ĐỀU PHẢI TỰ "GỘT RỬA", TỰ SỬA MÌNH

Sáng 9/12/2021, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Trong bài phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư nhấn mạnh các đảng viên cần nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà "phán", hoặc "chờ xem", coi như mình vô can.

Về việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, Tổng Bí thư lưu ý phải khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá", "hạ bệ" nhau với những động cơ không trong sáng.
comment Bình luận