Gạo lứt là thực phẩm lý tưởng cho người tiểu đường nhưng ăn sao cho đúng thì không phải ai cũng rõ

Gạo lứt không chỉ là loại ngũ cốc chứa tinh bột mà còn giàu dinh dưỡng với các nguyên tố vi lượng. Vậy người tiểu đường được ăn gạo lứt không, liệu có thể sử dụng gạo lứt thay cơm?
11:05 | 05/03/2020
Gạo lứt được cho là giàu dinh dưỡng hơn gạo trắng thông thường nhưng người bệnh tiểu đường có được ăn gạo lứt không. Lưu ý việc sử dụng gao lứt thay cơm đúng cách.
 

Gạo lứt tốt hơn gạo trắng


Theo ThS.BS.TTƯT Dzoãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện 198), bản chất gạo lứt là loại không đánh bóng tức là so với gạo trắng, trong quá trình xay xát, gạo lứt được giữ lại lớp vỏ lụa nên chúng chứa rất nhiều vitamin nhóm B (B1, B3, B6), vitamin E, magiê, mangan, sắt và chất xơ. Đặc biệt, hàm lượng vitamin B1 và chất xơ trong gạo lứt cao hơn nhiều trong gạo trắng thông thường.
 
Tiểu đường có được ăn gạo lứt không và ăn như thế nào đúng cách

Ngoài ra, gạo lứt còn là một nguồn giàu riboflavin, sắt, kali và folate. Gạo lứt được sử dụng như loại ngũ cốc giúp làm giảm cholesterol, hỗ trợ giảm cân.

Dù bổ dưỡng nhưng gạo lứt rất cứng, cần mất nhiều thời gian nấu mới chín kỹ. Khi ăn cũng cần phải nhai kỹ, không thể ăn nhanh. Ăn gạo lứt có cảm giác khá ngán nên người ta không thể ăn nhiều như cơm trắng, ăn vào có cảm giác nhanh no.

BS Tường Vi lưu ý dù giàu dinh dưỡng hơn nhưng gạo lứt chỉ là lương thực có ích cho cơ thể khi không chứa tồn dư chất hóa học, chất bảo quản.

Tiểu đường có được ăn gạo lứt?


Với thành phần dinh dưỡng kể trên, các chuyên gia khẳng định gạo lứt tốt cho người bệnh tiểu đường. Chất xơ dồi dào trong gạo lứt có tác dụng chống táo bón, nhuận tràng, cải thiện hệ tiêu hóa. Đặc biệt với người tiểu đường chất xơ có tác dụng như một tấm lưới lọc hết đường trong thức ăn đưa vào cơ thể, cản trở quá trình hấp thụ đường, kiểm soát đường huyết ổn định sau khi ăn.

Mặt khác, gạo lứt cũng là thực phẩm có chỉ số đường huyết (glycemic index - GI) ở mức trung bình là 68 ± 4, trên thang tính 100. So với gạo trắng có chỉ số đường huyết 73, gạo lứt tốt hơn cho người bệnh tiểu đường. Đó là chưa kể gạo trắng có ít chất xơ, ăn vào tiêu hoá nhanh hơn, làm tăng lượng đường trong máu.
 
Tiểu đường có được ăn gạo lứt không và ăn như thế nào đúng cách

Ăn gạo lứt sẽ là công cụ kiểm soát lượng đường trong máu giúp trì hoãn sự tiến triển của bệnh tiểu đường. Với người chưa mắc bệnh, ăn gạo lứt cũng giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Với hàm lượng magiê cao hơn, gạo lứt cũng hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Sử dụng gạo lứt cho người tiểu đường đúng cách


Dù được khẳng định là tốt hơn gạo trắng nhưng người bệnh tiểu đường cũng cần biết sử dụng gạo lứt đúng cách. Dù có chỉ số đường huyết trung bình nhưng trong một bữa ăn, mỗi gia đình đều phải kết hợp với nhiều thực phẩm khác.

Người mắc bệnh tiểu đường cần chia khẩu phần gạo lứt ăn trong ngày theo từng bữa. Do đó, để giảm chỉ số đường huyết chung của bữa ăn, thực đơn cho người tiểu đường nên kết hợp gạo lứt với các thực phẩm nhiều chất xơ, có chỉ số lượng đường thấp hoặc nguồn protein và chất béo lành mạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo có thể dùng gạo lứt thay cơm cho người bệnh tiểu đường nhưng quan trọng nhất là quản lý tổng lượng carb trong toàn bữa ăn và trong ngày, để hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu.

Một chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng, hạn chế các sản phẩm tinh chế là chìa khoá để ổn định lượng đường trong máu mà vẫn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, tốt cho sức khoẻ.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2020/02/24/tang-can-bang-gao-lut-_24022020093420.mp4[/presscloud]
Hướng dẫn cách làm món sữa gạo lứt
 
 
Hà Ly (t/h)
 
comment Bình luận