Thực phẩm Gan Mộc Thanh đang được quảng cáo như 'thần dược' chữa bệnh gan

Được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, thực phẩm chức năng Gan Mộc Thanh khiến người tiêu dùng nhầm tưởng có tác dụng như một "thần dược" chống lại các bệnh lý nguy hiểm về gan.
9:46 | 19/08/2020

Nội dung xác nhận quảng cáo cho sản phẩm Giải độc gan Mộc Thanh của Cục ATTP (Bộ Y tế).

Theo tìm hiểu của phóng viên, Gan Mộc Thanh do Công ty TNHH thương mại GVN công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Đại chỉ hiện tại: tầng 12, Tòa nhà Licogi 13 Tower, số 164 đường Khuất Duy Tiến, Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Hà Nội do ông Hoàng Văn Đạt làm người đại diện pháp luật.

Khác với nội dung quảng cáo được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho phép như: Hỗ trợ thanh nhiệt giải độc gan, tăng cường chức năng gan, bảo vệ gan, thì nhiều website lại ngang nhiên nói "khống" công dụng nhằm mục đích lừa dối người tiêu dùng.

Nói về tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng, các công ty kinh doanh có rất nhiều “mánh khóe” nhằm đẩy mạnh tiêu dùng các mặt hàng có nhu cầu lớn. Trong khi đó, việc quảng cáo thổi phồng tác dụng của sản phẩm rất nguy hiểm, không chỉ làm người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.

Bộ Y tế cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu là quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối như thuốc chữa bệnh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận; quảng cáo lợi dụng lời nói, hình ảnh của giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân; quảng cáo không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”... là rất phổ biến.

Cụ thể, đây là một trong những website đang quảng cáo sai sự thật về Gan Mộc Thanh có tên miền https://www.mocthanh.com/giai-doc-gan-moc-thanh?gclid=CjwKCAjwm_P5BRAhEiwAwRzSO8eLQt5ilg2ifQuy_tgpjElDli4MSfVx_zenJRV1brR3HHZK2vVWQBoCh5AQAvD_BwE

Nội dung quảng cáo với dòng chữ in đậm: "Gần đây, miền bắc đang xôn xao về GAN MỘC THANH của lương y Hoàng Thị Lê chống các bệnh về gan: nóng gan, viêm gan, xơ gan, u gan, gan nhiễm mỡ, men gan cao...hiệu quả có nguồn gốc đông y"

Nhắc đến thực phẩm chức năng, chưa có bất cứ khẳng định nào cho rằng thực phẩm chức năng có tác dụng giải quyết triệt để một căn bệnh. Bởi thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh mà thôi.

Đánh đúng tâm lý "có bệnh cầu cứu tứ phương", nhiều tổ chức đã không màng đến sức khỏe và khả năng tài chính của người bệnh, gia tăng hàng loạt những website quảng cáo cố ý kích thích người bệnh (hoặc người có người nhà bị bệnh) mua thuốc.

Với hình thức lợi dụng VTV2, diễn viên, nghệ sĩ, tiến sĩ để lồng cắt ghép các video hình ảnh nhằm tăng sự tin tưởng với người bệnh. Không chỉ website này mà còn rất nhiều website khác áp dụng một cách tinh vi để quảng cáo Gan Mộc Thanh nhằm qua mắt bạn đọc.

Đây là một số các đường link phóng viên tổng hợp được đang quảng cáo Gan Mộc Thanh hoàn toàn trái pháp luật: https://www.luongyviet.website/gan-moc-thanh?gclid=CjwKCAjwm_P5BRAhEiwAwRzSO8SzDiMOB2GOxJL7eDM3hN2o67Uz5nVFmKyv7aqK2NucsOzxAuM9pBoC8HgQAvD_BwEhttps://ganmocthanh.adspha.com/?gclid=CjwKCAjwm_P5BRAhEiwAwRzSO23C3tdKvfkUD0fdenHrq6Cbe1kRbVME6ZkU5PuwPYMQrIcsYEJSsBoCapMQAvD_BwEhttps://www.healcentral.org/giai-doc-gan-moc-thanh/https://khoelahanhphuc.vn/review-giai-doc-gan-moc-thanh,...

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm: "Tất cả các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo trên mạng xã hội, dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, có công dụng chữa bệnh nọ bệnh kia hay đẩy lùi bệnh là hoàn toàn sai sự thật, người dân tuyệt đối không mua. Thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ chứ không thể điều trị dứt bệnh. Cục ATTP sẽ tăng cường thanh tra, hậu kiểm, kịp thời phát hiện những vi phạm để xử lý theo quy định, đồng thời công khai những trang web quảng cáo sai sự thật về sản phẩm để người tiêu dùng biết".

Cũng theo GS.TS Nguyễn Thanh Phong: “Việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa được bệnh nên người bệnh không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, người bệnh quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao”.

Liên quan đến những sản phẩm vi phạm quảng cáo xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gần đây, Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo, đài, trên môi trường mạng.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị nhận được sự phối hợp của Bộ Công an chỉ đạo xử lý các vụ việc vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu hình sự, quảng cáo gian dối thực phẩm chức năng xâm phạm lợi ích người tiêu dùng theo Điều 197, Bộ luật Hình sự năm 2015.

comment Bình luận