Thực phẩm chức năng Tamino ngang nhiên ‘nổ’ là thuốc tăng cân lừa người tiêu dùng

Mặc dù chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe hay còn gọi là thực phẩm chức năng nhưng trên nhiều website Tamino ngang nhiên quảng cáo là thuốc tăng cân.
10:08 | 06/11/2021

Thực phẩm chức năng Tamino ngang nhiên ‘nổ’ là thuốc tăng cân lừa người tiêu dùng.

Tamino ngang nhiên quảng cáo là thuốc trong thời gian dài

Thực phẩm chức năng Tamino được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm vào tháng 6/2019, do Công ty TNHH Dược phẩm Sanora nghiên cứu và đăng ký nhãn hiệu, phân phối độc quyền bởi Công ty cổ phần Kentado.

Mặc dù chỉ đơn thuần là thực phẩm chức năng hay còn gọi là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng suốt một thời gian dài, trên mạng xã hội và nhiều website Tamino ngang nhiên được quảng cáo là một loại thuốc có tác dụng tăng cân dành cho người gầy.

Không dừng lại ở đó, thông qua các clip quảng cáo của người nổi tiếng, thực phẩm chức năng Tamino còn được tâng bốc công dụng mà khi sử dụng người tiêu dùng được lợi đủ đằng, nào là “tái tạo tế bào, thanh lọc cơ thể, bổ gan, bổ thận, tăng chiều cao…” chẳng khác gì thần dược.

Với giá bán lên tới 495.000 đồng/hộp/30 viên, thực phẩm chức năng Tamino còn được bán theo liệu trình chẳng khác gì thuốc.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tamino được quảng cáo, chào bán rầm rộ trên mạng.

Cụ thể, theo quảng cáo: Liệu trình 1 tháng có giá khuyến mãi 840.000 đồng/2 hộp; liệu trình 2 tháng 1.520.000 đồng/4 hộp; liệu trình 3 tháng 2.220.000 đồng/6 hộp…

Để người dùng tin tưởng và chi tiền mua sản phẩm, các website còn ngang nhiên quảng cáo sử dụng hình ảnh các bác sĩ, dược sĩ với nội dung khen ngợi Tamino và khuyến khích mọi người nên sử dụng.

Hay một số website còn đăng tải clip ca sĩ Trịnh Thăng Bình quảng cáo về sản phẩm này chẳng khác gì thần dược. Nam ca sĩ còn khuyên mọi người sử dụng sản phẩm và nói rằng: “Rất nhiều anh chị em nghệ sĩ tin dùng sản phẩm này nên Thăng Bình chia sẻ, giới thiệu đến rất cả quý vị sản phẩm này…”.

Điểm chú ý, nhiều website kinh doanh thực phẩm Tamino đăng tải thông tin quảng cáo sản phẩm này rất rầm rộ nhưng không có tích xanh của Bộ Công Thương (đồng nghĩa là các website không phép).

Ông trùm đứng sau Tamino quảng cáo sai phép là ai?

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Dược phẩm Sanora chỉ mới được thành lập giữa tháng 5/2019 - tức chỉ chưa đầy 1 tháng trước khi thực phẩm chức năng Tamino được tung ra thị trường.

Quảng cáo lồng ghép các đoạn video, sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, ca sĩ khuyên mọi người nên sử dụng Tamino.

Công ty này có địa chỉ trụ sở chính đăng ký tại 5/6 Tân Thới Hiệp 13, khu phố 3A, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP HCM.

Người đại diện theo pháp luật là bà Thiều Thị Kim Ngân. Ngành nghề chính là bán buôn thực phẩm.

Còn về Công ty cổ phần Kentado, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 4/2016, có địa chỉ tại Royal Building, 225 Nguyễn Xí, phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM.

Người sáng lập kiêm đại diện theo pháp luật là ông Lý Quãng Khiêm. Ngoài ra, ông Khiêm còn đại diện cho Công ty TNHH Mỹ phẩm Mirado.

Ngành nghề đăng ký hoạt động chính của Công ty cổ phần Kentado là bán buôn thực phẩm.

Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm ghi rõ sản phẩm là Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Tamino chứ không phải là thuốc.

Theo giới thiệu trên website https://tamino.vn, nhân sự của Công ty cổ phần Kentado chỉ có 20 người. Số lượng sản phẩm có 15 sản phẩm.

Cơ quan chức năng vào cuộc vẫn khó dẹp thực phẩm chức năng quảng cáo sai

Trả lời báo chí về tình trạng TPCN quảng cáo như thần dược, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, cho biết mặc dù cơ quan chức năng đã ráo riết vào cuộc nhưng những quảng cáo "nổ", quảng cáo sai sự thật, gian dối, dùng từ lừa dối người tiêu dùng về công dụng của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn tràn lan trên mạng xã hội, trên các trang Youtube…

"Tôi khẳng định tất cả những quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ khẳng định là "giải pháp hoàn hảo", "chữa khỏi", "vĩnh biệt căn bệnh", "điều trị tận gốc bệnh”... đều là lừa dối người tiêu dùng. Cục ATTP không bao giờ cấp phép cho những quảng cáo "vĩnh viễn chữa khỏi" hay có những cụm từ như trên trong giấy phép quảng cáo", ông Phong khẳng định.

Theo Mục b, Khoản 3, và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012, các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Ca sĩ Trịnh Thăng Bình xuất hiện trong video đưa ra những lời nhận xét về sản phẩm Tamino.

Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

comment Bình luận