Thực phẩm chức năng Nano Head quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng

Là thực phẩm chức năng, nhưng Nano Head lại được thần thánh hóa như thuốc chữa bệnh tiền đình để lừa dối người tiêu dùng trên nhiều website
6:41 | 10/08/2020

Nano Head thuộc Công ty TNHH dược liệu xuất nhập khẩu quốc tế Cúc Anh có địa chỉ tại số 469 đường Tự Tạo 1, Phường 11, Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng do bà Nguyễn Thị Hoa làm người đại diện pháp luật.

Giữa lúc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đang thực hiện chỉ đạo của Thủ Tướng Chính Phủ về việc thanh tra và xử lý nghiêm những đối tượng cố tình quảng cáo nội dung thực phẩm chức năng sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng thì Nano Head của công ty này lại như một đối tượng mẫu ngang nhiên lừa dối người tiêu dùng, vi phạm pháp luật.

Cụ thể, trên website có tên miền: http://www.nanohead-viensuitiendinhso1vietnam.website/196?fbclid=IwAR2et6kFlop7yrotjJKwUn7yQFpA9-Iwce52oMumc4IUBAmNJPcAC2L1jWo Nano Head đang được quảng cáo với nội dung: "Viên sủi tiền đình thảo dược NanoHead được chứng thực có hiệu quả vượt trội trong xóa sổ triệu chứng tiền đình: Đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, suy giảm trí nhớ. Tăng cường hoạt huyết, đưa oxi đến các tế bào thần kinh. Phục hồi các hư tổn thần kinh, tái tạo hệ thần kinh khỏe mạnh. Giải quyết triệt để nguy cơ đột quỵ, tai biến mạch máu não". và không quên khẳng định câu: "Nano Head - Viên sủi tiền đình thảo dược số 1 Việt Nam"

Chưa có bất cứ khẳng định nào cho rằng thực phẩm chức năng có tác dụng giải quyết triệt để một căn bệnh. Bởi thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.

Để lấy được lòng tin từ khách hàng, website này còn lồng ghét video, hình ảnh VTC2 với chú thích: "VTC2 đưa tin về phương pháp điều trị đau đầu - mất ngủ - chóng mặt - Rối loạn tiền đình" và hình ảnh được cho là thầy thuốc nhân dân: "Thành tựu y học chữa tiền đình của Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Siêm - Chủ tịch hội đông y Hà Nội".

Đối với tình trạng thực phẩm chức năng đang làm "loạn" hiện nay, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm: "Tất cả các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo trên mạng xã hội, dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, có công dụng chữa bệnh nọ bệnh kia hay đẩy lùi bệnh là hoàn toàn sai sự thật, người dân tuyệt đối không mua. Thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ chứ không thể điều trị dứt bệnh. Cục ATTP sẽ tăng cường thanh tra, hậu kiểm, kịp thời phát hiện những vi phạm để xử lý theo quy định, đồng thời công khai những trang web quảng cáo sai sự thật về sản phẩm để người tiêu dùng biết".

Tại nhiều website khác như http://www.viensuithaoduocnanohead.site/chinhhang, Nano Head còn xuất hiện nhiều công dụng hơn thế khi quảng cáo Nano Head: "Giúp tăng cường lưu thông máu vùng tiền đình, giúp làm giảm nhanh các triệu chứng của rối loạn tiền đình. Giúp phòng cục máu đông, mảng xơ vữa động mạch, làm bền thành mạch, ngăn chặn cơn tai biến mạch máu não. Giúp làm giảm nhanh các triệu chứng của rối loạn tiền đình nặng: nôn, ói kéo dài, ù tai, giảm thính lực, choáng váng. Và phục hồi - tái tạo hệ thần kinh mới - chống tái phát tận gốc".

Các chuyên gia cho rằng, các công ty kinh doanh có rất nhiều “mánh khóe” nhằm đẩy mạnh tiêu dùng các mặt hàng có nhu cầu lớn. Trong khi đó, việc quảng cáo thổi phồng tác dụng của sản phẩm rất nguy hiểm, không chỉ làm người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Thanh Phong: “Việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa được bệnh nên người bệnh không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, người bệnh quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao”.

Liên quan đến những sản phẩm vi phạm quảng cáo xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gần đây. Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo, đài, trên môi trường mạng.

Bộ Y tế cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu là quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối như thuốc chữa bệnh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận; quảng cáo lợi dụng lời nói, hình ảnh của giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân; quảng cáo không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”... là rất phổ biến.

Truyền hình lạm dụng hoạt động tư vấn sức khỏe có sự tham gia của các giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ lồng ghép quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung vi phạm

Thậm chí, một số chương trình trên sóng phát thanh, truyền hình lạm dụng hoạt động tư vấn sức khỏe có sự tham gia của các giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ lồng ghép quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung vi phạm như trên.

Trước những vấn đề còn tồn tại này, Bộ Y tế đề nghị nhận được sự phối hợp của Bộ Công an chỉ đạo xử lý các vụ việc vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu hình sự, quảng cáo gian dối thực phẩm chức năng xâm phạm lợi ích người tiêu dùng theo Điều 197, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin.

comment Bình luận