Thư pháp Việt khởi sắc cùng xuân

Nghệ thuật thư pháp từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” Hay: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua...”.
11:16 | 21/02/2019

Thư pháp hồn của văn tự

Như một mạch ngầm, tồn tại lặng lẽ với thời gian, nhưng nghệ thuật thư pháp lại có vị trí đáng kể và hàm chứa nhiều giá trị nhân bản, đạo đức xã hội trong thế giới nghệ thuật. Nó thực sự đã vượt khỏi chức năng thông tri của mình và đi thẳng vào thế giới tâm linh của con người. Chính vì vậy, cùng với hội họa, âm nhạc, thi ca,... thư pháp được nhìn nhận là nghệ thuật đặc thù “cao cấp”, là biểu tượng thẩm mỹ của nền văn hóa dân tộc ở một số nước phương Đông. Thư pháp Trung Hoa được xem là “linh hồn của mỹ thuật” sánh ngang với các nền nghệ thuật hội hoạ, âm nhạc... Ở Nhật Bản thư pháp được nâng lên thành đạo - “Thư đạo” (shodo) - đó là sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa thiền đạo và nghệ thuật thể hiện. Đối với các quốc gia Hồi giáo sử dụng chữ A-Rập, họ xem thư pháp là “nghệ thuật thị giác hàng đầu” và trở thành một phần trang trí chính trong các đền thờ đạo Hồi, lâu đài, trường học, dinh thự,... Có thể nói, thư pháp có giá trị to lớn trong đời sống tinh thần của nhiều dân tộc trên thế giới.

“Chữ” hay “chữ viết” ra đời với chức năng làm công cụ ghi chép lời nói (ngôn ngữ). Bởi thế người sử dụng chữ viết, hết đời này đến đời khác luôn hướng nó vươn tới sự chuẩn mực và tính quy phạm. Có như thế nó mới đủ khả năng hoàn thành vai trò của mình. Nhưng khi chữ viết phát triển đến một giai đoạn hoàn thiện rồi, thì người viết chữ có thêm nhu cầu sử dụng nó theo hướng chệch chuẩn, cách điệu hóa, hình tượng hóa để nó thực hiện thêm những chức năng khác - chức năng giải trí, chức năng thẩm mỹ. Hai hướng phát triển và hành chức của chữ viết song song với nhau và có tính độc lập tương đối, tuy chúng có chung điểm xuất phát. Hướng phát triển thứ hai lâu nay, người Việt chúng ta quen gọi là thư pháp.

\"\"

Như đã biết, văn tự là công cụ giao tế, là một hệ thống tín hiệu ngôn ngữ, là vật chất. Còn thư pháp là nghệ thuật, là tôn sùng cái đẹp, là tinh thần. Văn tự (chữ viết) cần ngay ngắn, chuẩn mực, rõ ràng; thư pháp thì phóng túng, đa dạng không đơn điệu. Văn tự xem việc ghi chép tư duy, truyền bá văn hóa là nhiệm vụ của mình, nó mang tính toàn dân và tương đối ổn định về hình thể trong lịch sử. Chẳng hạn, chữ viết của người thời xưa, các thế hệ sau vẫn đọc hiểu. Còn thư pháp thì lấy việc truyền thụ cái hưng phấn, sự cổ vũ và đặc biệt là việc cảm thụ cái đẹp, làm mục đích. Thư pháp luôn luôn có nhu cầu đổi mới, phản ánh hiện thực thời đại (mang dấu ấn thời đại) của mình, thể hiện xu hướng cá nhân và đặc biệt là phải bộc lộ phong cách riêng của người nghệ sĩ (đây là nhu cầu cực kỳ quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và thư pháp nói riêng). Văn tự và thư pháp có sự khác biệt về bản chất, nhưng cũng luôn có sự kết hợp, sự kết hợp giữa một bên là công cụ, một bên là nghệ thuật: đó là sự kết hợp của hai loại hình của trí tuệ.

Âm hưởng cội nguồn

Đối với nước ta, ngay từ xa xưa, khi ông cha chúng ta còn dùng chữ Hán, chữ Nôm làm chữ viết chính thống thì sự quý chữ, trân trọng chữ và kính chữ đã đạt đến tột đỉnh. Điều này được đặt lên hàng đầu và rất được coi trọng của bậc thang và con đường đi vào thế giới học vấn của mỗi người. Hơn thế nữa, nó còn được coi là một trong những chuẩn mực làm nên nhân cách con người. Ông đồ nào, văn nhân nào viết chữ đẹp, danh giá sẽ được lan truyền hàng tỉnh, hàng miền và cả nước. Viết chữ đẹp còn luôn luôn là niềm khát khao và ngưỡng vọng của bất cứ thế hệ nào ở bất cứ miền nào trong đất nước. Như thế chữ không chỉ đơn thuần là ký tự mà chữ còn là sự biểu hiện cô đọng tư chất, nhân cách và năng lực thẩm mỹ của con người. Truyền thống tốt đẹp này vẫn luôn được kế thừa và phát triển cho đến ngày nay mặc dù lịch sử chữ viết của dân tộc đã trải qua nhiều lần biến đổi. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Phan Ngọc viết rằng: “...Khi bước vào một căn nhà Việt Nam cái đập vào mắt ta là câu đối, trướng, hoành phi nhắc chúng ta nhớ đến văn hoá tổ tiên. Tại sao cái tiêu biểu cho văn hoá Việt Nam không phải là những kiến trúc nguy nga của vua chúa, mà là chữ? Chữ ghi lại trong các câu đối, hoành phi, trong các gia phả, trong trí nhớ mọi người,...”. Và nhất là những ngày Tết, khắp tỉnh cùng quê ở Việt Nam, hầu hết mọi nhà, từ giới thượng lưu đến giới bình dân, đều dán hoặc treo câu đối tết. Người văn hay chữ tốt “tự biên tự diễn” cho gia đình mình, kẻ ít học có thể cậy người thân phóng bút, hoặc ra phố chợ mua chữ ở các lều sạp của mấy ông đồ.

\"\"

Hình ảnh “ông đồ” trong thơ Vũ Đình Liên (1913 -1996), gần 80 năm qua đã trở thành ký ức đẹp của nhiều lớp người -nhớ lại một thời chữ Hán trong sinh hoạt tập quán của xã hội Việt Nam. Ông đồ gắn liền với chữ viết “hoa tay thảo những nét, như phượng múa rồng bay”. Họ Vũ nêu lên hình ảnh thiêng liêng của ông đồ, cũng là ca ngợi cái đẹp của chữ Hán. Ở đây, nhà thơ lặng ngẫm về một nét văn hóa cổ truyền đang bị tàn phai. Người thuê viết và người viết thuê như cùng tự nguyện tham gia vào một trò chơi văn hóa. Người viết thỏa thuê trong cái thú chơi chữ, viết như một cuộc chơi, như một nhu cầu giao cảm với con người và trời đất mỗi độ xuân về. Cả người viết lẫn người thuê viết đều biết trọng “cõi tinh thần”, biết hướng đời sống về một vẻ đẹp thanh cao. Còn biết chơi chữ, quý chữ, quý người cho chữ là còn biết trọng cái “thiên lương”, là muốn sống sao cho đẹp. Ấy thế mà nền Nho học đã đến một thời tàn. Sự thắng thế của văn minh Tây học đẩy nhanh những người của thời Nho học vào một vị thế của kẻ ngoài cuộc, mang một mặc cảm lạc điệu, lạc dòng và một tâm trạng bùi ngùi tiếc nuối. Nhưng nhà thơ đã “đọc” ra được rằng: Trong cuộc chuyển giao thời vận này có những cái đẹp bị mất mà lẽ ra cần được gìn giữ, được sống mãi với đất nước này. Không phải ngẫu nhiên để nói những người vừa đó của một thời cũng mới vừa qua, nhà thơ gọi ra bằng một chữ “Hồn” (Hồn ở đâu bây giờ?). Đây là cách gọi rất Việt Nam đã đành, mà còn chỉ ra được một cách chính xác những cái gì đã qua mà không mất, mà còn mãi. Hồn là bất tử, là không bao giờ mất. Vẻ đẹp tâm hồn Việt, văn hóa Việt chỉ có thăng trầm chứ không bao giờ mất cả.

Thư pháp Việt cách tân và khởi sắc

Lịch sử chữ viết Việt Nam đã trải qua một hành trình rất dài, rất phức tạp, từ những chữ tượng hình (chữ Việt cổ) đến việc sử dụng chữ Hán, rồi sáng tạo chữ Nôm và cuối cùng là sự xuất hiện của chữ Quốc ngữ, đó là kết quả lao động sáng tạo văn hoá của dân tộc. Sự ra đời và chiếm ưu thế của chữ Quốc ngữ từ cuối thế kỉ XIX đã được phổ biến nhanh chóng và nghệ thuật chữ viết ở nước ta lại có một sự chuyển biến lớn lao thư pháp chữ Việt. Tuy chưa đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, nhưng thư pháp Việt đã mang âm hưởng cội nguồn nhằm truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hay nói cách khác người Việt đã sớm “cách tân” thư pháp chữ Hán thành thư pháp chữ Việt.

Thật vậy, từ buổi thoái trào của thư pháp qua cảnh “Ông đồ vẫn ngồi đấy, Qua đường không ai hay” trong thơ Vũ Đình Liên cho đến nay, có thể nói, nghệ thuật thư pháp Việt Nam đã cách tân và khởi sắc, nó làm một cuộc đổi mới ngoạn mục - đó là sự xuất hiện của thư pháp chữ Việt (theo ký tự La Tinh) - hình ảnh ông đồ vẫn xuất hiện vào những dịp tết lễ như một sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp. Tuy cấu trúc về mặt hình thức của chữ Quốc ngữ dựa trên hệ thống mẫu tự latinh có khác biệt hoàn toàn với chữ Hán và chữ Nôm nhưng thực chất nó là sự nối tiếp, kế thừa của thư pháp truyền thống. Trong lý luận mỹ học của văn hóa nghệ thuật truyền thống, các giá trị thẩm mỹ thường bàn về con người, về đạo làm người. Đạo đức được xem như cái đẹp của con người. Thật vậy, ở thư pháp Việt đã phản ánh rõ nét quan niệm này. Quan điểm văn dĩ tải đạo luôn là sợi dây xuyên suốt trong quá trình sáng tạo nghệ thuật thư pháp. Nội dung sáng tác thường xoay quanh tư tưởng đạo đức, nhân văn. Những chữ tâm, đức, nhẫn... cũng như những vần thơ, câu đối thiên về đạo lý làm người luôn là đề tài cho các nghệ nhân sáng tác. Sự nhấn mạnh yếu tố đạo đức trong đánh giá thẩm mỹ là nét văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Thật ra sự cách tân là một quy luật phát triển nghệ thuật truyền thống. Cách tân làm phong phú truyền thống và thúc đẩy quá trình tiến hóa của nó, làm giàu các hình thức thể loại, phương tiện và thủ pháp biểu hiện. Bởi lẽ, trong tiến trình lịch sử của một dân tộc, nghệ thuật luôn có sự vận động để thích ứng với hoàn cảnh thời đại mà chính nó đang tồn tại. Tuy nhiên, sự cách tân ấy vẫn luôn giữ được bản chất cốt lõi, cái tinh thần của nghệ thuật truyền thống mà có thể nói đã trở thành nét đặc trưng của nghệ thuật Việt Nam nói chung. Đó là sự hài hòa, bình dị, gần gũi và sâu lắng. Có lẽ vì vậy, mà trong thư pháp chữ Hán của người Việt và cả thư pháp chữ Quốc ngữ hiện nay rất ít thấy xuất hiện những bức cuồng thư, mạnh mẽ như thư pháp Trung Hoa hay mặc tích, trầm lắng như thư pháp Nhật Bản, nhìn chung nó luôn ở trong chừng mực, hài hòa. Đặc biệt là hình ảnh ông đồ thân thương, bình dị xuống phố tặng chữ vào những dịp lễ tết. Thư pháp Việt đã phản ánh đậm nét những đặc trưng tiêu biểu của người Việt như tính linh hoạt, tính biểu cảm, tính tổng hợp... những đặc tính vốn có của các loại hình nghệ thuật văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa nông nghiệp nói chung.

Hiện nay, thế giới đang có xu hướng khai thác những giá trị văn hóa truyền thống phương Đông và đang trong quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa. Trong chiều hướng đó, nghệ thuật thư pháp chữ Việt sẽ dễ hòa nhập hơn bởi khả năng tích hợp Đông - Tây của mình. Và trong tương lai sẽ tươi sáng hơn, đóng góp vào nền nghệ thuật dân tộc một mảng nghệ thuật không kém phần độc đáo. Đây chính là yếu tố làm cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam vốn đã phong phú, nay lại càng phong phú và đa dạng hơn. Hy vọng, việc chơi thư pháp, thưởng lãm thư pháp chữ Việt hiện nay không chỉ dừng lại ở tính phong trào mà là sự hiện diện có ý nghĩa của một thú chơi tao nhã, phát huy được cái đẹp, cái hồn của mỗi chữ Việt trong lòng người dân nước Việt. Trong không khí ấm áp của mùa xuân, bên cành mai, chén trà, ly rượu cùng ngồi ngắm những bức tranh chữ để suy ngẫm về triết lý sống của tiền nhân, để gửi gắm những hoài vọng, niềm tin cho một năm mới tràn đầy tốt đẹp thì thật thú vị biết bao.

comment Bình luận