Sốc nhiệt: Căn bệnh nguy hiểm trong thời tiết nắng nóng

Nhiều tỉnh thành đang có đợt nắng nóng đỉnh điểm, có nơi nhiệt độ ngoài trời trên 40 độ C. Trong điều kiện thời tiết khắc nhiệt như vậy rất dễ gặp phải căn bệnh nguy hiểm này.
14:22 | 29/06/2019
Nhiều bệnh do thời tiết nắng nóng gây ảnh hưởng đến sức khỏe như: cháy nắng, chuột rút, ngất, say nắng, đột quỵ…nhưng nguy hiểm nhất là bệnh sốc nhiệt.
 
Thời tiết nắng nóng rất dễ bị sốc nhiệt
 
Trong 2 tuần đầu tháng 6, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện TƯQĐ 108 đã tiếp nhận 3 bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu, sốt cao trên 40 độ, trụy tim mạch, tổn thương chức năng gan, thận và rối loạn đông máu nặng.
 
Bác sĩ Nguyễn Thị Nga, Khoa Hồi sức tích cực BV TWQĐ 108 cho biết, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã cấp cứu điều trị tích cực bằng hạ thân nhiệt, lọc máu liên tục… Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn đang nguy kịch đến tính mạng và di chứng nặng nề về thần kinh, hôn mê kéo dài.
 
Đặc điểm chung của các bệnh nhận là lao động nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước đầy đủ. Các bệnh nhận bị choáng ngất và hôn mê không đước sơ cứu kịp thời nên vào tới viện đã trong tình trạng sốc nhiệt nặng, tổn thương nhiều cơ quan nghiêm trọng.
 
Bác sĩ Nga cảnh báo, những người lao động, hoạt động trong thời tiết nắng nóng, có thể có các triệu chứng ra mồ hôi nhiều, đau cơ, yếu cơ, chuột rút, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn hoặc ngất. Cần phải xử lý say nắng hoặc sốc nhiệt tại chỗ vì  thân nhiệt cao kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục.
 
Bác sĩ Nguyễn Quang Ân, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Phú Thọ cho biết, trong đợt nắng nóng vừa qua, lượng bệnh nhân đột quỵ đã tăng khoảng 10%. Nắng nóng thường gây dãn tĩnh mạch quá mức, dẫn đến vỡ mạch gà chảy máu não. Người bệnh có thể bị liệt nửa thân, mất khả năng giao tiếp, mất khả năng kiểm soát tiểu tiện, thậm chí hôn mê sâu và tử vong
 
Còn tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số bệnh nhân được cấp cứu tại khoa Cấp cứu tăng khoảng 150% so với ngày thường, chủ yếu bị tai biến mạch máu não (đột qụy não), viêm phổi.
Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu - Đột qụy, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: “Có trường hợp khi xuất hiện những triệu chứng nhẹ, gia đình không đưa đi khám vì sợ ra ngoài trời nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe nên vô tình làm qua mất “giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ”.
 
Một nữ bệnh nhân bị đột quỵ, đứt mạch máu não vì sốc nhiệt
 
Tại Khoa Cấp cứu, BV Thanh Nhàn, trong đợt nắng nóng, bệnh nhân cấp cứu nhập viện liên tục chủ yếu là đột quỵ, sốc nhiệt, tim mạch, những bệnh chịu tác động mạnh của thời tiết cực đoan.
 
Các dấu hiệu sớm của sốc nhiệt gồm: mệt, đau đầu, khó thở, đỏ mặt, nôn mửa hoặc biểu hiện như: rối loạn tim mạch, rối loạn hô hấp, rối loạn thần kinh trung ương...
 
Khi bệnh nhân bị sốc nhiệt cần đưa đến nơi râm mát, cởi bớt quần áo. Làm mát quạt, phủ khăn ướt hoặc vảy nước mát lên người. Cho nạn nhân uống nước mát không cồn. Nếu người bệnh mất ý thức và không thấy dấu hiệu tuần hoàn máu như thở, ho và cử động thì cần tiến hành hồi sinh tim phổi rồi đưa đến bệnh viện gần nhất cấp cứu.
 
Để tránh bị sốc nhiệt,  phải tự rèn luyện để thích nghi với nóng luyện tập thể lực vào lúc mát trong ngày, giảm bớt công việc vào lúc thời tiết quá nóng. Uống đủ nước. Mặc quần áo rộng và sáng màu. Trường hợp có các bệnh lý nguy cơ thì không được làm việc trong điều kiện thời tiết quá nóng.
 
 
Quyền Anh(T/h)
 
comment Bình luận