Thiếu thuốc chữa bệnh do chậm đấu thầu

Nhiều bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh công lập ở tỉnh Thái Nguyên đang bị thiếu thuốc chữa bệnh, gây khó khăn cho điều trị mà nguyên nhân là do kết quả đấu thầu thuốc bị chậm. Các cơ quan chức năng cần khắc phục, đẩy nhanh việc đấu thầu thuốc để đáp ứng nhu cầu công tác điều trị, bảo đảm quyền lợi của người bệnh.
10:26 | 09/06/2022

Điều trị cho bệnh nhân bằng hệ thống oxy cao áp tại Bệnh viện y học cổ truyền Thái Nguyên. (Ảnh Hoàng Nguyên)

Khi thực hiện đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia do Bộ Y tế thực hiện, hay đấu thầu tập trung cấp tỉnh do Trung tâm đấu giá tỉnh Thái Nguyên đảm nhiệm, các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn không phải bố trí nhiều nhân lực, mất nhiều thời gian để tổ chức đấu thầu thuốc, tránh sai phạm, tập trung vào chuyên môn, khắc phục tình trạng một chủng loại thuốc có nhiều giá khác nhau như khi các bệnh viện tự đấu thầu. Nhưng mặt trái của đấu thầu thuốc tập trung như thế thì thời gian thường bị chậm, dẫn đến một số bệnh viện thiếu thuốc, nhất là biệt dược.

Năm 2022 là năm thứ hai Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (trực thuộc Sở Tư pháp) thực hiện đấu thầu thuốc tập trung cho các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh công lập của tỉnh. Nhưng đến tháng 4/2022 mới có kết quả đấu thầu, mà lẽ ra kết quả đấu thầu phải được công bố từ đầu năm để các bệnh viện ký hợp đồng mua thuốc. Đối với đấu thầu thuốc quốc gia năm 2022 còn chậm hơn, đến cuối tháng 5/2022 Bộ Y tế vẫn chưa công bố kết quả đấu thầu… làm cho nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh lâm vào tình trạng thiếu thuốc.

Chuẩn bị cho đấu thầu thuốc tập trung cấp tỉnh năm 2022, Bệnh viện A Thái Nguyên đã xây dựng danh mục thuốc đấu thầu từ nửa cuối năm 2021 gửi lên tỉnh, nhưng đến tháng 4 vừa qua mới có kết quả đấu thầu cung cấp thuốc. Còn đối với đấu thầu thuốc quốc gia, Bệnh viện gửi danh mục thuốc cần sử dụng lên Bộ Y tế từ rất sớm, nhưng đến cuối tháng 5/2022 vẫn chưa có kết quả. Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên Nguyễn Đức Trường cho biết: "Đề phòng chậm có kết quả đấu thầu thuốc, chúng tôi đã chủ động dự trù thuốc điều trị bệnh trong ba tháng, nhưng một số chủng loại thuốc vẫn bị thiếu, nhất là biệt dược.

Khi thiếu thuốc, chúng tôi không dám kê đơn để bệnh nhân mua thuốc ngoài mà khắc phục bằng cách sử dụng loại thuốc khác có cùng tác dụng, nhưng hiệu quả điều trị không cao, hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, ảnh hưởng quyền lợi của người bệnh. Chúng tôi đã nhiều lần hỏi Bộ Y tế khi nào có kết quả, nhưng đều chưa nhận được trả lời".

Thời gian qua, Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên chuyển sang điều trị bệnh nhân Covid-19 cho nên ít dùng đến các loại thuốc chữa bệnh thông thường. Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Hữu Trung cho biết: "Thời gian tới chúng tôi sẽ thiếu một số loại thuốc đặc trị, biệt dược vì Bộ Y tế chậm công bố kết quả đấu thầu thuốc quốc gia".

Bệnh viện Phổi Thái Nguyên đang có hàng nghìn bệnh nhân điều trị ngoại trú. Thời gian tới một số loại thuốc điều trị bệnh phổi mãn tính phát cho bệnh nhân sẽ hết, nhưng kết quả đấu thầu thuốc tập trung cấp bộ chưa được công bố thì khi hết thuốc chưa biết sẽ giải quyết như thế nào. Về nguyên nhân chậm có kết quả đấu thầu thuốc, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên Đặng Ngọc Huy, lý giải: Các bệnh viện, cơ sở y tế công lập chậm gửi kế hoạch, nhu cầu sử dụng thuốc cho cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, dẫn đến tổ chức đấu thầu bị chậm.

Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, lãnh đạo các Bệnh viện: A Thái Nguyên, Gang thép Thái Nguyên, Phổi Thái Nguyên đều kiến nghị, tỉnh Thái Nguyên và Bộ Y tế cần sớm công bố kết quả đấu thầu thuốc hằng năm để các bệnh viện ký hợp đồng cung ứng thuốc với đơn vị trúng thầu, chủ động nguồn thuốc, tránh tình trạng chậm như vừa qua dẫn đến thiếu thuốc, ảnh hưởng chất lượng điều trị và quyền lợi của người bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, vừa qua Sở Y tế, Sở Tư pháp và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thái Nguyên đã sơ kết, rút kinh nghiệm về đấu thầu thuốc tập trung. Khắc phục vấn đề Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thái Nguyên không có cán bộ có chuyên môn về y, dược, Sở Y tế Thái Nguyên đã tăng cường, biệt phái cán bộ cho đơn vị này để việc đấu thầu thuốc đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ trong thời gian tới.

Quy trình đấu thầu thuốc chữa bệnh tập trung hiện nay rất nhiều, phải tuân thủ gần 20 bước, liên quan nhiều cơ quan chức năng khác nhau, mỗi cơ quan chậm vài ba ngày, thậm chí một, hai tuần là dẫn đến kết quả đấu thầu chậm. Khắc phục vấn đề này, trên nguyên tắc công khai, minh bạch, chống thất thoát, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, giảm thủ tục hành chính trong quy trình đấu thầu thuốc tập trung.

Phải có quy định rõ thời gian giải quyết cho từng khâu, từ khi lập kế hoạch, nhu cầu sử dụng thuốc của các đơn vị, tổng hợp nhu cầu và trình các cơ quan chức năng xem xét, thẩm tra, thẩm định, ban hành kế hoạch đấu thầu, mời thầu, đến công bố kết quả đấu thầu. Có như vậy mới xác định rõ chậm ở khâu nào, cơ quan nào; đồng thời đưa ra hình thức chấn chỉnh, xử lý kịp thời nhằm đưa đấu thầu thuốc tập trung vào nền nếp, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh do chậm đấu thầu, làm ảnh hưởng chất lượng điều trị, quyền lợi của người bệnh.

Bài và ảnh: THẾ BÌNH/Nhân Dân
comment Bình luận