Tất tần tật những điều cần biết trước khi đặt vòng tránh thai

Đặt vòng tránh thai được các chuyên gia đánh giá là phương pháp tránh thai mang lại hiệu quả cao và khả năng duy trì lâu dài. Tuy nhiên bạn cũng cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng và hiểu về nó để đạt được hiệu quả tốt nhất.
10:59 | 28/11/2020

1. Vòng tránh thai là gì?

Vòng tránh thai (hay còn được gọi là dụng cụ cổ tử cung) là một dụng cụ bằng nhựa hình chữ T có gắn thêm một vòng nhỏ ở dưới cùng hoặc bằng đồng được đặt vào trong lòng tử cung của bạn. Vòng tránh thai có tác dụng ngăn không cho tinh trùng gặp trứng cũng như ngăn trứng làm tổ trong tử cung và phát triển thành bào thai bằng cách thay đổi môi trường của nội mạc tử cung. Vòng tránh thai không làm ảnh hưởng đến quá trình giao hợp của bạn.

2. Những ưu, nhược điểm khi đặt vòng tránh thai

+ Ưu điểm:

  • Lợi ích của vòng tránh thai là có hiệu quả tránh thai với tỷ lệ từ 98 đến 99%. Có hiệu quả tránh thai ngay lập tức và lâu dài (khoảng 5 đến 10 năm).
  • Thoải mái, dễ sử dụng và không có cảm giác mình đang mang vật thể lạ trong người.
  • Ít tốn kém.
  • Không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này.
  • An toàn khi cho con bú (vì không dính hoá chất)

+ Nhược điểm:

  • Đặt vòng không có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm thông qua đường tình dục. Do đó, để đảm bảo tình dục an toàn, bạn vẫn nên cân nhắc đến việc sử dụng bao cao su hay các phương pháp khác tối ưu hơn.

  • Dù được đánh giá là phương pháp tránh thai hiệu quả, tuy nhiên, người đặt vòng vẫn có khả năng mang thai ngoài tử cung. Mặc dù tỷ lệ gặp là không cao nhưng đây cũng là điểm hạn chế của phương pháp.

  • Vòng tránh thai có thể gây ra tình trạng tăng dịch tiết âm đạo. Điều này có thể khiến nhiều chị em cảm thấy khó chịu khi vùng kín không được khô thoáng.

  • Đặt vòng có thể gây ra các tác dụng phụ nếu khi vòng không hợp với cơ thể hoặc do tụt vòng.

  • Dù hy hữu nhưng trường hợp mất vòng cũng có thể xảy ra với chị em. Nguyên nhân là do chị em đặt vòng quá sớm sau khi sinh con, tử cung chưa về lại trạng thái ban đầu, kết hợp với sự co bóp theo chu kỳ dễ khiến vòng tránh thai bị cuốn và đẩy ra bên ngoài.

3. Đặt vòng sẽ được thực hiện như thế nào?

Bạn sẽ được các bác sĩ khám phụ khoa trước khi đặt vòng để đảm bảo rằng bạn không bị viêm nhiễm phụ khoa vì thủ thuật đặt vòng sẽ tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập sâu bên trong nếu bạn đang viêm nhiễm, gây nhiễm trùng nặng hơn vùng chậu, gây viêm dính vòi trứng, dẫn đến vô sinh sau này.

Vòng được gấp lại và cho vào một cái ống cũng bằng chất dẻo rất nhỏ, chỉ bằng đường kính que diêm, đưa vào cổ tử cung. Ống có piston và sau đó bác sĩ ấn vào nó, đẩy vòng vào tận hốc tử cung. Vòng mở ra. Bác sĩ rút ống ra và cắt sợi dây để chừa khoảng 5cm bên ngoài cổ tử cung Thời gian đặt vòng trong khoảng 5 đến 10 phút.

4. Thời điểm đặt vòng tốt nhất

Thời gian đặt vòng tốt nhất là ngay sau khi hết kinh nguyệt, sáu tuần sau khi sinh hoặc ngay sau khi hút thai.

5. Những trường hợp không nên sử dụng vòng tránh thai?

  • Có thai hoặc nghi ngờ có thai.
  • Sau phá thai bị nhiễm trùng.
  • Đang bị viêm vùng chậu, bệnh lý lây truyền qua đường tình dục ( như lậu, giang mai,…) hoặc mắc các bệnh này trong vòng ba tháng trước đây.
  • Viêm cổ tử cung mủ nhầy.
  • Bệnh lý ác tính đường sinh dục.
  • U xơ làm biến dạng lòng tử cung.
  • Lao vùng chậu.
  • Xuất huyết đường sinh dục bất thường chưa được chẩn đoán và điều trị.
  • Những phụ nữ có nhiều bạn tình.
  • Bạn đang còn trẻ hoặc dự định sinh con trong vài năm tới.
  • Viêm nhiễm đường sinh dục.
  • Chụp X-Quang cho thấy tử cung bị dị dạng.

6. Vòng tránh thai có tác dụng phụ gì?

  • Có thể bị rong kinh, ra máu nhiều hơn và đau bụng. Khí hư ra nhiều hơn.
  • Hơi đau lưng hay đau đầu.
  • Bạn sẽ có cảm giác hơi bị chuột rút sau khi đặt vòng.
  • Nếu không hợp bạn có thể bị gầy đi.
  • Co thắt.

7. Đến gặp bác sĩ khi có dấu hiệu

  • Dây vòng bị rơi hay bị tuột vòng hoặc mất vòng
  • Đau sau khi quan hệ tình dục
  • Máu kinh ra quá nhiều và kéo dài
  • Khí hư có mùi khó chịu
  • Chậm kinh hoặc nghi ngờ có thai
  • Sốt cao trên 38 độ và buồn nôn

8. Lưu ý khi đặt vòng

  • Không phải đối tượng nào cũng thích hợp với phương pháp đặt vòng. Nếu không hợp, bạn sẽ phải các tình trạng như đau bụng dưới, đau lưng, mệt mỏi, ra máu âm đạo,… hoặc các tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, tốt nhất hãy thực hiện thăm khám phụ khoa và nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ trước khi quyết định đặt vòng.

  • Sau khi thực hiện đặt vòng, bạn cần hạn chế việc thực hiện các vận động mạnh như bê, vác, không thụt rửa âm đạo nhiều lần, không quan hệ tình dục,… để đánh trường hợp tụt, lệch vòng. Không quan hệ tình dục ít nhất từ 7 - 10 sau đặt.

  • Không đặt vòng trong thời gian bị viêm nhiễm đường và các bệnh lý truyền nhiễm đường sinh dục.

  • Sau khi đặt vòng, nếu nhận thấy các triệu chứng viêm nhiễm như dịch âm đạo có màu bất thường, mùi hôi, âm đạo ngứa ngáy, ra máu nhiều ở âm đạo,… cần tới các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

 

 

comment Bình luận