Tài xế vinasun và người đi đường bỏ đi khi thấy tai nạn: Phải chăng người Việt Nam ngày càng vô cảm?

2 nạn nhân bị tai nạn nằm trên lề đường lúc gần sáng, tài xế Vinasun gây tai nạn và những người đi đường đứng nhìn nạn nhân bất động rồi bỏ đi mà không hề giúp đỡ. Phải chăng người Việt Nam ngày càng vô cảm?.
13:14 | 28/06/2019
Một clip về vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng ngày 26/5 do tài xế taxi Vinasun gây ra được lan truyền trên mạng xã hội, nạn nhân nằm đó bất động, tài xế sau khi xuống xe đứng nhìn hơn 10 giây sau đó lên xe bỏ đi.
 
Tiếp sau đó, hơn 10 phút đồng hồ, nhiều người đi đường qua lại đã thấy sự việc nhưng không hề có ai giúp đỡ người tai nạn. Họ đứng đó nhìn, bàn tán rồi đi mất. Xem đoạn clip tôi tự hỏi phải chăng người Việt Nam ngày càng vô cảm?
 
Trong mắt tôi, con người Việt Nam chưa từng vô cảm như vậy. Từ nhỏ, tôi luôn được học những bài học rằng người dân Việt Nam giàu tình cảm, hòa thuận và biết sẻ chia. Lớn dần, đi nhiều tỉnh thành, có nơi tôi ở vài tháng đến cả năm, tôi thấy một số người xấu, còn lại đa số người đều rất lương thiện và hay giúp đỡ người khác.
 
 
 Hình ảnh tài xế Vinasun đứng nhìn nạn nhân đang hấp hối trước khi lên xe bỏ đi một cách vô cảm.

Chẳng nói những chuyện đâu xa, chúng ta cũng có thể thấy qua tivi báo đài qua những sự kiện. Mỗi khi người dân miền Trung gặp thiên tai, người dân cả nước từ già tới trẻ, từ trong nước đến người Việt ở nước ngoài đều chung tay ủng hộ, giúp đỡ.
 
Từ đó, hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cùng giúp đỡ người dân miền Trung vượt qua thời kỳ khó khăn. Ngoài ra, nhiều đoàn từ thiện chở theo hàng hóa, đến chia sẻ khó khăn với bà con.
 
Cũng nhờ sự giúp đỡ mọi người, nhiều trẻ em nghèo vùng sâu vùng sa được giúp đỡ học hành, nhiều đảo ở Trường Sa được xây dựng vững chắc hơn, hàng ngàn người được cứu sống nhờ chiến dịch hiến máu nhân đạo...
 
Ngay cả trên mạng xã hội, khi nhận thông tin một em nhỏ thất lạc, mất tích… hay một người gặp tai nạn. Mọi người cũng tham gia chia sẻ với hy vọng có thể giúp ích một phần nào đó. Hay có những vụ việc bất công, thói hư tật xấu… mọi người dân phẫn nộ, lên án, đòi lại công bằng.
 
Những hình ảnh như vậy, chúng ta có thể thấy rằng người Việt Nam không hề vô cảm, ngược lại còn giàu lòng yêu thương và chia sẻ.
 
Vậy thì tại sao trong khi 2 người bị tai nạn nằm bất động trên đường thì tài xế taxi và những người đi đường lại bỏ mặc không giúp đỡ?
 
Theo suy nghĩ của tôi, có lẽ người lái taxi và những người đi đường đều sợ. Người tài xế gây tai nạn kia đã bị chấn động tâm lý dẫn đến hoảng loạn nên bỏ đi. Còn người đi đường sợ một cái khác.
 
Người đi đường họ sợ rằng sự giúp đỡ của mình bị lợi dụng, sợ rằng sẽ trở thành nạn nhân của một vụ “giả vờ bị tai nạn giao thông để cướp của” mà báo chí vẫn hay nói tới. Đặc biệt, vụ tai nạn xảy ra lúc 3 giờ sáng mà 2 người bị nạn lại nằm trên vỉa hè.
 
Không ai còn lạ gì những câu chuyện dừng xe máy cứu người tai nạn giao thông, chưa kịp ra tay cứu thì đã bị người giả nạn nhân tai nạn đánh, đâm trọng thương rồi cướp tài sản.
 
Đã có rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra trên cả nước, tiêu biểu là các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sự việc đã xảy nhiều đến nỗi ngày 17/4/2019, Công an Hà Nội đã ra thông báo cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn phổ biến của tội phạm cướp tài sản và một số biện pháp phòng ngừa. Trong đó cũng nhắc đến việc đóng giả người tai nạn nằm trên đường buổi tối, dàn cảnh các vụ tai nạn, va chạm giao thông… để tấn công cướp tài sản của những người đi đường dừng lại giúp đỡ.
 
Ngoài sợ dàn cảnh bị cướp, nhiều người cũng e ngại khi cứu người tham gia giao thông vì tự dưng “mang việc vào người”, đôi khi còn bị hiều nhầm. Có trường hợp, người đi đường cấp cứu nạn nhân bị tai nạn vào bệnh viện đã bị gia đình nạn nhân đánh, có người thì bị đâm vì hiểu nhầm là người gây tai nạn.
 
Thời gian trước, một tài xe khách lo sợ cháu bé 2 tuổi đứng giữa đường bị tai nạn nên dừng ô tô giúp đỡ. Sau khi hỏi thăm xung quanh không ai biết cháu bé, tài xế đưa bé lên ô tô rồi dỗ cháu ngủ. Gia đình em bé không thấy con nên báo công an. Anh tài xế sau đó bị tòa án phạt 15 tháng tù vì tội “giữ người trái pháp luật”.
 
Chính vì những sự việc như vậy, một số người Việt Nam khi thấy người bị nạn đành cắn răng bỏ đi, chấp nhận “vô cảm” để bảo vệ chính bản thân mình. Có người có suy nghĩ, thà rằng mặc kệ còn hơn giúp đỡ rồi bị cướp hoặc dính phải “tai bay vạ gió”.
 
Quay trở lại vụ tai nạn, người tài xế gây tai nạn bỏ đi đã rất hối hận về hành vi của mình. Cô gái trong vụ tai nạn đã chết bỏ lại con nhỏ ở quê nhà, nam thanh niên còn lại thì vẫn đang cấp cứu. Tài xế ấy sẽ bị xử theo pháp luật hiện hành khi công an điều tra rõ. Nhưng bản án lương tâm sẽ theo anh mãi đến hết đời.
 
Tác giả bài viết Hữu Quyền
 
Những người qua đường bỏ đi khi thấy 2 nạn nhân trên vỉa hè, họ sẽ nghĩ gì sau khi biết được đó là một vụ tai nạn thật giao thông thật và hậu quả thương tâm như vậy? Liệu họ có suy nghĩ rằng nếu mình cứu giúp thì sự việc có thể khác đi? Tối về, họ có thể kê gối ngủ ngon khi nghĩ lại chuyện này? Họ sẽ giáo dục con cái như nào khi bản thân họ thấy chết không cứu? Lương tâm họ có cắn dứt?... Những câu hỏi đó, chỉ có những người đó mới có thể biết được câu trả lời.
 
Nhiều người phẫn nộ, lên án với tài xế gây tai nạn hoặc người đi đường vì đã bỏ đi. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên có cái nhìn khách quan, thông cảm đối với cả lái xe gây tai nạn, đối với những người đi đường. Bởi vì, trong hoàn cảnh đó có rất nhiều yếu tố tác động như tâm lý, hoàn cảnh.
 
Tôi mong pháp luật có thể bao dung hơn đối với trường hợp của anh lái xe giúp đỡ cháu bé, không còn trường hợp giả tai nạn để cướp của, những người làm việc tốt không bị hiểu nhầm...
 
Hi vọng một ngày nào đó, giữ người với người có thêm niềm tin, có thêm sự dũng cảm, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, cứu giúp lẫn nhau trong lúc hoạn nạn… để xã hội Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn.
Nếu các bạn gặp tai nạn mà lạnh lùng bỏ đi, xin hãy dành chút suy nghĩ và tự hỏi: “Nếu người gặp tai nạn và nằm đó là người thân của mình thì sẽ ra sao?”.
 
Quyền Anh
 
comment Bình luận