Hoa hoè và vô vàn công dụng chữa bệnh: Từ cao huyết áp, mất ngủ đến rong kinh, trĩ

Hoa hoè được rất nhiều người sử dụng làm nước uống hàng ngày, tuy nhiên ít người biết đến tác dụng thực sự của nó với sức khoẻ.
14:49 | 28/11/2019
Hoa hòe được gọi với các tên khác như hòe hoa, hòe hoa mễ hay hòe mễ. Hoa hòe có tên khoa học là Sophora japonica L. và thuộc họ nhà cánh bướm Fabaceae. Người ta thu hái hòe hoa khi còn chưa nở về phơi khô, sấy khô làm thuốc hoặc pha trà uống. Cũng có một số người dùng quả của nó. Cây hoa hòe thuộc nhóm cây to cao từ 5 – 10m. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le nhau, có từ 7 – 17 lá chét trên mỗi lá. Hoa hòe hình cánh bướm màu vàng trắng, mọc thành từng bông. Quả hoa hòe là một giáp dài, đôi khi hơi cong. Giữa các hạt hơi thắt lại giống như quả đậu đen vậy. Hòe mễ ra hoa trong mùa hè, khoảng từ tháng 7 – 9.
 
Tac-dung-chua-benh-cua-hoa-hoe
 
Cây hoa hòe là một loại cây thân gỗ, cao có thể lên đến 15 mét, thân thẳng, chỏm lá tròn, cành cong queo, lá kép, cụm hoa hình chùy ở đầu cành cây, tràng hoa hình bướm màu trắng ngà. Ðài hoa hình chuông, màu vàng xám. Quả hòe là loại đậu, không mở, dày và thắt nhỏ lại ở giữa là các hạt. Nụ hoa hình trứng, có cuống nhỏ, ngắn, một đầu hơi nhọn, dài 3 – 6mm, rộng 1 – 2mm màu vàng xám. Hoa chưa nở dài từ 4 – 10mm, đường kính 2 – 4 mm. Cánh hoa chưa nở màu vàng, mùi thơm, vị hơi đắng. Loại hoa này trồng cây lấy nụ hoa và quả làm thuốc chữa được nhiều bệnh, song chủ yếu dược liệu dùng nụ hoa.
 
Nụ cây hoa hoè tính hơi lạnh, có khá nhiều công dụng như hạ mỡ máu, chống viêm, chống co thắt và chống loét, chống tiêu chảy, cao huyết áp, đau mắt. Cây có tác dụng tốt với hệ tim mạch, chữa các chứng chảy máu như chảy máu cam, ho ra huyết, băng huyết, đại tiểu tiện ra máu… Theo y học cổ truyền, hoa hòe có vị đắng, tính hàn, có tác dụng lương huyết, chỉ huyết. Hoa hòe được sử dụng trong các trường hợp huyết nhiệt, cầm máu, điều trị các bệnh chảy máu cam, ho ra máu, rong kinh, đại tiện ra máu. Ngoài ra, hoa hòe còn giúp điều trị cao huyết áp, điều trị sau tai biến mạch máu não.

Tác dụng trị bệnh của hoa hòe

 

Tac-dung-chua-benh-cua-hoa-hoe
 
Có nhiều thành phần trong hoa hòe như nhiều chất chống ôxy hóa là quercetin, kaemferol, glucosit, đặc biệt là rutin hàm lượng rất cao (34 % trong nụ hoa hòe). Đây là một chất có tác dụng làm giảm tính thẩm thấu của các mao mạch và làm tăng độ bền mao mạch nên tác dụng cầm máu rất tốt trong các trường hợp chảy máu cam, đại tiện ra máu, ho ra máu... Nếu cho vào nồi đất đun to lửa sao cháy tồn tính thì tác dụng mạnh hơn.
 
Ngoài ra còn tác dụng hạ huyết áp, phòng ngừa xuất huyết não, chữa thần kinh suy nhược, đầu óc choáng váng, mắt đau sợ chói, khó ngủ  dùng dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm hoặc dạng bột, dạng viên, tác dụng cầm máu... Cụ thể như sau:
 

Hoa hòe chứa hoạt chất ngừa tai biến cực quý

 

Để ứng dụng rộng rãi công dụng chữa bệnh của hoa hòe đặc biệt là công dụng ngừa tai biến cao huyết áp, y học hiện đại đã tiến hành nghiên cứu về loài hoa này. Trong quá trình nghiên cứu, đã phát hiện ra hoạt chất Rutin. Rutin có tác dụng tăng sức bền của thành mạch, tăng sức chịu đựng và dẻo dai của thành mạch, làm mạch máu dễ chun giãn, đàn hồi. Thiếu hoạt chất này, sức chịu đựng của thành mạch sẽ bị giảm, mao mạch dễ bị vỡ đứt. Y học hiện đại đã chỉ ra rằng, trong hoa hòe, đặt biệt là nụ hoa hòe có chứa từ 6-30% Rutin. Để chữa bệnh người dân thường thu hái cả hoa hòe và nụ hoa hòe về phơi khô rồi ướp với nước nóng thành trà để uống. Tuy nhiên, theo các thầy thuốc Đông y, hoa hòe tốt nhất là thứ hoa đầu mùa sắp nở nhưng chưa nở, còn nguyên vẹn, không vụn nát, màu vàng, không tạp chất, chọn ngày Thu nắng to rồi đem phơi khô hoặc sấy. Cây càng lâu năm thì tác dụng chữa bệnh của hoa hòe càng tốt.
 

Hoa hòe chữa bệnh trĩ

 

Một trong những tác dụng không thể không nhắc tới của hoa hòe đó là điều trị bệnh trĩ an toàn và hiệu quả ngay tại nhà. Tuy nhiên, do đây là bài thuốc tự nhiên nên tác dụng hơi chậm, nếu bạn đã xác định sử dụng hoa hòe để trị bệnh trĩ thì cần kiên trì trong thời gian dài. Trong cách chữa bệnh trĩ từ hoa hòe bạn cũng cần lưu ý chọn hoa hòe chưa nở thành hoa, như vậy dược tính sẽ cao hơn từ đó đảm bảo dược tính cao nhất của thuốc.
 
Chuẩn bị: Hoa hòe, kinh giới tuệ, chỉ xác, trắc bách diệp mỗi loại 15g phơi thật khô, sau đó tán thành bột và đựng trong lọ thủy tinh đậy kín nắp. Mỗi lần dùng khoảng 8g pha với nước ấm, uống từ 2 – 3 lần/ngày.
 

Hoa hòe trị chứng cao huyết áp

 

Tac-dung-chua-benh-cua-hoa-hoe

 
Rất nhiều bệnh nhân thắc mắc hoa hòe có tác dụng gì trong điều trị tình trạng huyết áp cao. Theo một số nghiên cứu gần đây thì ngoài tác dụng điều trị bệnh trĩ, hoa hòe còn giúp trị tình trạng huyết áp cao, choáng váng, đau đầu, mệt mỏi, suy nhược thần kinh.
 
Bài 1: Hoa hòe 25g, Tang ký sinh 25g, Hạ khô thảo 20g, Xuyên khung 20g, Địa long 15g. Sắc uống nước. Nếu mất ngủ gia thêm Toan táo nhân sao 15g, Dạ giao đằng25g. Đau ngực gia thêm Đan sâm 20g, Qua lâu nhân 20g; có cơn đau thắt ngực gia thêm hồ sách 12g, Phật thủ 20g, bột Tam thất 7,5g; di chứng tai biến mạch máu não gia thêm Ngưu bàng tử 25g, Câu đằng 30g; vữa xơ động mạch gia thêm Trạch tả 20g.
 
Bài 2: Hoa hòe 15g, Cát căn 30g, Sung úy tử 15g, sắc uống. Nếu đau tức ngực gia thêm đan sâm 30g, hà thủ ô 30g; hồi hộp trống ngực và mất ngủ gia thêm Toan táo nhân 15g; tê tay chân gia thêm Sơn tra 30g, Địa long 10g; tiểu đêm nhiều lần gia thêm Sơn thù 10g, Nhục thung dung 15g.

 

Chữa rong kinh

 

Rong kinh là một trong những căn bệnh phụ khoa khá nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của phụ nữ, do vậy chị em không nên chủ quan. Trong các biện pháp trị rong kinh thì dùng hoa hòe được coi là bài thuốc khá thành công hiện nay.
 
Cách thực hiện: Chuẩn bị 40g hoa hòe, 20g thảo sương, sao vàng, tán bột hỗn hợp này và pha với nước uống, mỗi lần dùng 10g, sử dụng liên tục trong 5 ngày để đạt hiệu quả cao nhất.
 

Hoa hòe chữa mất ngủ

 

Tac-dung-chua-benh-cua-hoa-hoe

 
Nghiên cứu khoa học ngày nay còn chỉ ra rằng thành phần của hoa hòe chứa 10 – 30% hợp chất glucose và glucoxit có chức năng nâng cao khả năng tuần hoàn máu não, cải thiện tình trạng mất ngủ kéo dài.
 
Chuẩn bị: 40g hoa hòe. Cách chế biến: Sao hoa hòe cho tới khi tinh dầu trong hoa hòe chảy ra và nụ hoa chuyển sang màu vàng thì đem sấy hoặc phơi khô rồi tán thành bột. Hãm với nước sôi mỗi khi sử dụng. Cách dùng: Mỗi lần dùng 4g bột khô, ngày uống 2 lần, nên uống trước khi đi ngủ từ khoảng 1 tiếng là tốt nhất.
 
Ngoài ra, dân gian từ nhiều đời nay còn có một số cách nấu hoa hòe để trị mất ngủ khác như: Nấu hoa hòe uống thay nước hàng ngày, dùng hoa hòe tươi làm rau nấu canh hoặc xào với thịt gà, thịt lợn cũng mang tới tác dụng rất hiệu quả.
 

Sử dụng hoa hòe chữa băng huyết

 

Với câu hỏi hoa hòe có tác dụng gì thì chữa băng huyết là câu trả lời thỏa đáng. Khi chị em sinh xong, máu ở tử cung chảy xuống bất thường hoặc kinh ra nhiều, bạn hay lấy 100g hoa hòe cùng với 60g hoàng cầm tán thành bột mịn, một lần uống 15g cùng với 1 chén rượu, sử dụng liên tục tới khi tình trạng băng huyết khỏi hẳn.
 
Dùng hoa hòe (sao qua) 10-15g hoặc dùng quả hòe 8-12g  sắc uống. Hoặc dùng hoa hòe 20g và địa du 10g (sao đen), diếp cá 12g, nước 300ml sắc còn 200ml uống.
 

Lưu ý khi sử dụng hoa hòe

 

Do hoa hòe có tính lạnh nên người có tỳ vị hư hàn với các triệu chứng như ăn kém, khó tiêu, đại tiện thường xuyên có phân lỏng, đau bụng do lạnh,… thì không nên sử dụng hoa hòe, nếu dùng cần kết hợp cùng các dược liệu có tính ấm nóng.
 
Trường hợp phụ nữ mang thai, đang cho con bú, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần hết sức lưu ý khi sử dụng hoa hòe, việc sử dụng các bài thuốc được chế biến từ hoa hòe hoặc có thành phần từ hoa hòe cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
 
 
Nguyễn Dung (t/h)
comment Bình luận