Sự nghiệp thăng hoa của cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia từng bại trận: Người làm CEO, founder, người viết cả app "quốc dân"

Những cựu thí sinh Olympia này có một điểm chung là đều chọn Việt Nam làm nơi phát triển sự nghiệp và đều có được những thành công nhất định.
15:10 | 16/10/2020

20 năm qua đi của Đường lên đỉnh Olympia, công chúng vẫn thường quan tâm đến sự thành công và cuộc sống của các quán quân. Nhưng mỗi năm, số thí sinh bước ra từ cuộc thi này là 144 thí sinh và trong chừng ấy năm chương trình đã chào đón hơn 2.800 nhà leo núi. Sau cuộc thi, có thí sinh dù không giành chiến thắng, chỉ dừng bước ở vòng thi tuần nhưng họ đã bứt phá để có những bước tiến thăng hoa trong sự nghiệp sau này. Những sự thành công của các cựu thí sinh này chính là minh chứng cho câu: Đường dài mới biết ngựa hay! Thêm điểm chung của những cái tên dưới đây là họ đều chọn Việt Nam là nơi để xây dựng thành công.

Võ Duy Khánh (thí sinh năm thứ 9) - Người tạo ra ứng dụng Bluezone, Trưởng phòng cấp cao An ninh mạng Bkav


Trong đêm Gala Đường lên đỉnh Olympia kỷ niệm 20 năm, sự xuất hiện của Võ Duy Khánh khiến mọi người không khỏi trầm trồ. Được biết anh chàng sinh năm 1990 này chính là thí sinh Olympia năm thứ 9 và năm đó anh chỉ dừng bước ở vòng thi tuần với vị trí thứ 3. Năm này, anh đại diện cho trường THPT Cờ Đỏ (Nghệ An) và với việc dừng chân sớm khiến anh chàng khá buồn vì thất bại đầu đời. Nhưng đó cũng là động lực giúp Khánh tiếp tục cố gắng hơn ở năm cuối cấp.

Bỏ qua lần chinh phục đỉnh Olympia chưa thành công, anh đã chứng minh cho mọi người thấy năng lực thực sự của bản thân qua 3 giải Khuyến khích học sinh giỏi tỉnh môn Toán, Hóa, Tin. Chàng trai 9x là học sinh đầu tiên của trường đi thi 3 môn và đậu cả 3. Trong kỳ thi đại học, Khánh đỗ cả 2 trường top lúc đó là ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Y Hà Nội. Anh chàng theo học Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, và được nhận thực tập ở Tập đoàn Công nghệ Bkav khi mới là sinh viên năm 2.

Đến nay, anh chàng hiện là Trưởng phòng cấp cao Phòng An ninh di động, Trung tâm nghiên cứu Mã độc lập thuộc tập đoàn Công nghệ Bkav với nhiệm vụ là nghiên cứu phát triển những tính năng và ứng dụng liên quan đến bảo mật, an ninh, bảo vệ người sử dụng điện thoại di động. Anh được mọi người biết đến rộng rãi sau khi ứng dụng Bluezone ra mắt, ứng dụng giúp phát hiện các nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 của người dùng smartphone ở những nơi mà họ từng đến.

Ứng dụng được xem là trợ thủ đắc lực của công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Nguyên đội ngũ chỉ có 48 tiếng để đội core và đội viết app làm việc và cho ra bản demo đầu tiên. Có những hôm, cả đội phải thức trắng đêm, thậm chí 5-6 giờ sáng vẫn chong đèn ngồi họp bàn phương án tiếp. Dù nhận một số ý kiến trái chiều về tính bảo mật nhưng nhóm đã quyết định lựa chọn dùng mã nguồn mở, từ đó tạo sự tin tưởng cho người dùng.

Đặng Việt Dũng (thí sinh năm thứ 4) - Cựu CEO Uber Việt Nam

Đặng Việt Dũng là thí sinh Olympia năm thứ 4. Dù không nhận được thành tích cao trong chương trình nhưng Việt Dũng đạt được vô số thành tựu ngoài đời.

Anh từng theo bố sang các nước như Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc từ khi chỉ mới lên 1. Sau này khi về nước, anh theo học THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, anh cũng từng là đại diện của trường tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh. Sau khi học cấp 3, anh trở thành sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng lại bỏ ngôi trường này để theo đuổi tấm bằng cử nhân tại trường Amherst College in Massachusetts (Mỹ) với học bổng toàn phần.

Sau khi tốt nghiệp, đi làm một thời gian, anh tiếp tục học lên thạc sỹ tại Trường Kinh doanh Harvard. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, anh gác lại việc học tại Mỹ để về Việt Nam ngồi vào ghế CEO Uber. Anh cũng từng làm việc tại tập đoàn sản xuất bia hàng đầu thế giới ABIbev, tập đoàn tư vấn chiến lược McKinsey & Company, và hiện là Giám đốc mảng thanh toán của công ty VNG.

Dương Quỳnh Phương (thí sinh năm thứ 6) - Phó chủ tịch NSI Ventures

Dương Quỳnh Phương, cựu học sinh PT Năng khiếu, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đã dừng bước ở vị trí nhì Quý 3 trong năm thứ 6 và đành nhường vé vào chung kết năm cho đối thủ. Tuy nhiên, đây chưa phải là dấu mốc lớn nhất trong cuộc đời của người phụ nữ tài năng này.

Hiện nay, Quỳnh Phương đang giữ chức Phó chủ tịch NSI Ventures - quỹ chuyên đầu tư vòng A/B vào các công ty khởi nghiệp. Ngoài ra, cô còn đầu tư vào Topica và Oway - công ty công nghệ trong ngành du lịch và giao thông vận tải của Myanmar. Không những thế, cô còn là cố vấn cho các dự án khởi nghiệp. Cô là 1 trong 3 nhà sáng lập SheVC, cộng đồng các nhà đầu tư mạo hiểm nữ khu vực châu Á thành lập vào tháng 4/2017, đang phát triển ở 9 thành phố châu Á, thu hút hơn 100 nhà đầu tư mạo hiểm (VC) nữ tham gia mạng lưới với mục tiêu tạo nên tiếng nói có ảnh hưởng cho phụ nữ trong giới đầu tư mạo hiểm.

Chưa hết, bảng thành tích của 8x còn dày thêm với việc cô là đồng sáng lập của VietCham, tổ chức tư vấn, kết nối doanh nghiệp, quản lý dự án có liên quan đến Việt Nam tại Singapore. Tổ chức này hiện có hơn 100 công ty và hơn 1000 cá nhân hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam và Singapore. Trước khi tham gia đầu tư vào nhiều dự án kể trên, Quỳnh Phương từng làm việc cho các ngân hàng hay quỹ đầu tư như CitiGroup, Bank of American Merrill Lynch ở London và Temasek Holdings ở Singapore.

Năm 2018, cô xuất sắc ghi tên mình trong top 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.

Phạm Lê Nguyên (thí sinh năm thứ 4) - Đồng sáng lập & CEO 5Desire

>>> Xem thêm: Phụ huynh bồi hồi lật từng trang SGK lớp 1 cũ, tình yêu đất nước được dưỡng nuôi qua từng trang sách

Phạm Lê Nguyên từng là học sinh khối chuyên Hóa – Trường ĐHQG Hà Nội và từng tham dự Olympia với thành tích về nhì Quý II năm thứ 4. Đến nay, chị được nhiều người ngưỡng mộ bởi sự nghiệp vô cùng thành công của mình.

Được biết, chị Lê Nguyên từng là phụ trách sản phẩm của mạng xã hội địa điểm với tầm nhìn toàn cầu Skunkworks, có kinh nghiệm 3 năm quản lý trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh trực tuyến với vai trò Trưởng phòng Vườn Ươm - Công ty Cổ phần truyền thông Việt Nam (VC Corp).

Hiện tại, chị nắm giữ vai trò là đồng sáng lập & CEO 5Desire. Chị là đại diện của Unkapt tại Việt Nam, một nền tảng gọi vay vốn quốc tế cho các dự án cơ sở hạ tầng, các tổ chức tài chính có quy mô từ 5 triệu đến 50 triệu USD và là người đỡ đầu cho rất nhiều start-up tại Việt Nam. Chị cũng được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 30 under 30 - những người có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam dưới 30 tuổi năm 2015.

Hoàng Đức Minh (thí sinh năm thứ 7) - Giám đốc chương trình khởi nghiệp ThinkZone Accelerator, thuộc hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ThinkZone

Hoàng Đức Minh, cựu học sinh THPT Chuyên Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội là thí sinh từng tham dự Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 7. Anh chọn con đường không tốt nghiệp đại học, thay vào đó anh làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận về chống biến đổi khí hậu do chính mình sáng lập từ năm 2008 với nhiều chiến dịch gây tiếng vang như "Tử tế là", "Tôi ghét nylon", "6.700 người vì 6.700 cây xanh", hay #SaveSonDoong.

Anh cũng là CEO và founder của Wake It Up - dự án đã thắng giải cuộc thi 1 triệu đô la - Thay đổi thế giới do tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức. Hiện nay, anh đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc Chương trình tại ThinkZone. Kể từ năm 2018, anh chàng 9x đảm nhiệm vai trò Giám đốc đào tạo tại Five9 Việt Nam, đồng thời phụ trách chương trình đào tạo của Thinkzone Accelerator. Công việc của anh là tư vấn, huấn luyện về phát triển sản phẩm và quản trị doanh nghiệp. Anh cùng từng đứng chung danh sách 30 under 30 năm 2015 với cựu thí sinh Phạm Lê Nguyên.

Lương Việt Nga (thí sinh năm thứ 7) - Từ bỏ lương nghìn đô để khẳng định thành công bằng lối đi khác biệt với nghề xăm

Lương Việt Nga có lẽ khá đặc biệt trong danh sách này vì cô nàng có hướng đi hoàn toàn khác biệt và tự khẳng định cho người khác thấy cuộc sống mình đang vô cùng viên mãn bằng nghề xăm hình.

Cô là thí sinh đại diện cho THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) thi Olympia năm thứ 7. Dù không may mắn vào vòng thi tháng và dừng bước sớm nhưng đây là trải nghiệm không thể quên với chị. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, Việt Nga theo học ngành Thương mại, trường Đại học RMIT. Chỉ trong vòng 2,5 năm chị đã hoàn thành chương trình học và bắt đầu thử sức mình ở một vài công ty. Chị từng làm cho một doanh nghiệp bất động sản của nước ngoài và sau đó là một công ty bất động sản của một tập đoàn viễn thông trong 3 năm với mức lương nghìn đô.

Nhưng rồi, 24 tuổi, chị nghỉ việc và bắt đầu hành trình tìm hướng đi mới cho bản thân và tự thấy bản thân yêu thích và muốn tìm hiểu nghề xăm thông qua những người bạn. Từ đó, chị dành ra tiếp 6 năm để học hỏi kinh nghiệm trong một lĩnh vực hoàn toàn mới và bắt đầu phát triển sự nghiệp tách biệt bàn giấy.

Dù giờ đây, công việc thợ xăm không liên quan tới nghề mà chị đang theo đuổi nhưng với chị thời gian tại RMIT không hề lãng phí. Chị chia sẻ, mình đã có một trải nghiệm giáo dục tốt và phù hợp nhất những năm tháng tuổi trẻ, tạo nền tảng vững chắc cho bản thân. Chị cho rằng, những gì mình đã học được sẽ theo mình suốt đời như kiến thức về kinh doanh, cách phân tích và nhìn nhận vấn đề...

Đến nay, sau 1 thời gian "bẻ lái", cô gái này có 1 studio của riêng mình đã hoạt động được 6 năm, đã xăm cho hàng nghìn khách hàng và với chị, những điều như thế được duy trì trong một thời gian dài cũng đã là một thành tựu của chính bản thân chị.

Kiều Oanh

comment Bình luận