Sởi sữa chữa khỏi nhờ thuốc Nam

Y học hiện đại đã xác định: “Sởi sữa” là bệnh do virus  gây nên.
7:19 | 25/02/2019

Trong những tháng cuối đông, đặc biệt mùa xuân, một số trẻ nhỏ còn đang bú sữa, bị mắc phải chứng sốt cao rất lạ, khiến các bậc cha mẹ vô cùng hoang mang: Đang bình thường đột nhiên sốt cao liên tục, nhiệt độ lên tới 39o-40oC. Cho uống thuốc hạ sốt thì nhiệt độ hạ xuống, nhưng một lúc sau khi thuốc hết tác dụng, trẻ lại sốt cao. Cứ như vậy đến 3-4 ngày. Sau đó nhiệt tự thân nhiên xuống bình thường, rồi trên người mọc lên những mảng ban hồng. Đưa trẻ đi khám, thường chỉ nhận được chẩn đoán “sốt virus” hoặc “sốt phát ban”.

Thực ra, chứng bệnh nói trên đã được Đông y cổ truyền biết đến từ xưa. Y thư cổ thường gọi là “nhũ ma” - nhũ =vú, sữa; ma= bệnh sởi; nghĩa là một chứng sởi ở trẻ còn đang bú sữa. Một số sách cổ, còn goi là “cấp chẩn”, “lạn y sang”, “tao chẩn”, “giả ma”, “nãi ma”, “nãi ma tử” v.v … Đông y hiện tại gọi là chứng “nãi ma” - nãi = sữa; ma = chứng lên sởi, tức là “sởi sữa”.

\"\"

Nguyên nhân

Y học hiện đại đã xác định: “Sởi sữa” là bệnh do virus gây nên. Từ thập niên 40 thế kỷ trước, một số nhà khoa học đã nghi ngờ: Chứng sốt cao liên tục, sau đó phát ban, có thể do virus gây nên. Đến thập niên 80, các nhà khoa học Nhật Bản mới phân li được loại virus này và đặt tên là “Human Herpesvirus Six” - viết tắt là “HHV-6”. Hiện nay, Y học hiện đại gọi là “Bệnh phát ban cấp ở trẻ nhỏ” (Exanthema subitum) hoặc “Bệnh phát ban hồng ở trẻ nhỏ (Roseola infantum).

HHV-6 lây nhiễm qua đường hô hấp. Không chỉ trẻ mắc bệnh, mà cả những người khỏe mạnh trong gia đình, cũng vẫn thường mang virus này. Khi bị lây nhiễm, chỉ những trẻ có sức đề kháng thấp, mới bị phát bệnh.

Trẻ nhỏ dưới 1 năm tuổi, cơ thể phát triển chưa đầy đủ, sức đề kháng còn yếu, dễ bị phát bệnh. Đặc biệt là từ tháng thứ 6, khi lượng kháng thể và các chất dinh dưỡng được truyền từ mẹ sang đã giảm xuống, trong khi khả năng tự lập của cơ thể trẻ sơ sinh vẫn chưa hoàn thiện.

Sởi sữa hay gặp nhất ở trẻ từ 6-18 tháng tuổi; sau 3 tuổi ít gặp hơn. Không có sự khác biệt về mặt giới tính, bé trai và bé gái đều có thể mắc bệnh.

Triệu chứng

Sau khi nhiễm virus, trải qua thời kỳ tiềm phục (ủ bệnh) khoảng 5- 15 ngày, bệnh tiến triển theo 2 giai đoạn:

Giai đoạn sốt cao:

- Đột nhiên sốt cao, 39 oC - 40oC. Sốt kéo dài liên tục 3-4 ngày. Nhưng tinh thần của trẻ nói chung vẫn tốt và ăn uống cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

- Dùng thuốc hạ sốt thì thân nhiệt hạ xuống, tác dụng của thuốc hết, thì lại sốt cao.

- Khi sốt cao, phần lớn thường kèm theo ỉa chảy, phân lỏng; ít khi chảy nước mũi, ho, hoặc một số triệu chứng khác.

- Khi sốt quá cao, một số trẻ có thể bị co giật, ho, hạch bạch huyết ở cổ sưng to, đau tai.

- Xét nghiệm máu thường quy, thấy bạch cầu giảm, tế bào lym-phô (lymphocyte) tăng rõ rệt.

Giai đoạn phát ban:

- Sau khoảng 4 ngày, thân nhiệt nhanh chóng trở lại bình thường

- Trên da xuất hiện những mảng ban màu hồng, với những nốt chẩn, ấn tay vào thì thấy màu biến mất. Ban xuất hiện từ đầu mặt, lan xuống người và chân tay

- Phát ban có thể kéo dài khoảng 4 ngày, nhưng không ngứa, không mưng mủ, không bong vảy và không để lại sẹo.

Sau khi đã mắc bệnh, rất ít khi mắc lại, vì đã có miễn dịch suốt đời.

Phân biệt sởi và rubella

- Sởi (measles): Khi mắc bệnh, trẻ rất mệt mỏi, không muốn ăn uống, cùng với hành loạt chứng trạng khác, mắt, hầu, họng đều bị viêm. Khi sốt cao nhất thì sởi mọc và tiếp tục sốt …. Còn các chứng trạng của “sởi sữa” thì tương đối nhẹ. Trong khi sốt cao, tinh thần nói chung vẫn tỉnh táo, vẫn ăn uống, cười đùa bình thường; khi sởi mọc thì cũng hết sốt.

- Rubella, còn gọi là “sởi Đức”, Đông y gọi là “phong chẩn” . So với rubella, cũng có những khác biệt nhất định: Trong bệnh rubella, trước khi phát ban bệnh nhi chỉ sốt tương đối nhẹ. Hình dạng vết ban của sởi sữa và rubella đều có màu hồng (ban trong “sởi thường” màu đỏ thẫm), nhưng ban trong rubella thì gây ngứa, còn sởi sữa thì không.

Phòng trị

Sởi sữa là loại bệnh có tính lây nhiễm mạnh, cần chú ý dự phòng và hộ lý. Khi phát hiện bệnh, cần lập tức cách li. Bệnh nhi cần được mặc ấm, chú ý tránh gió lạnh, nghỉ ngơi, uống nhiều nước đã đun sôi, ăn uống chủ yếu là chất lỏng.

Y học hiện đại chủ yếu chữa triệu chứng: Nếu sốt cao dùng thuốc hạ sốt. Với trẻ hệ thống miễn dịch bị tổn thương, thì cần trị liệu bằng thuốc chống virus; ...

Theo Đông y, bệnh sởi sữa là do cảm nhiễm phải “bệnh độc thời tà” (tác nhân gây bệnh phát sinh theo thời khí), kết hợp với thấp nhiệt ứ đọng ở phế và tỳ; uất kết ở cơ biểu, phát tiết ra bì phu mà gây nên bệnh.

Để chữa trị bằng thuốc Nam, thường tiến hành theo 2 giai đoạn, đồng thời hỗ trợ bằng ẩm thực liệu pháp, cụ thể như sau:

Thuốc dùng trong thời kỳ phát sốt :

Cần sử dụng loại thuốc có tác dụng “Sơ phong thanh nhiệt” (hạ sốt và giải trừ tác nhân gây bệnh, Đông y gọi là “sơ phong”) và “Tân lương giải biểu” (thuốc cay mát để chống lại tác nhân gây bệnh từ bên ngoài). Cổ nhân thường dùng phương thuốc “Tang cúc ẩm hợp Ngân kiều tán gia giảm”. Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng bài thuốc Nam sau:

- Thành phần: Kinh giới 10g, tang diệp (lá dâu tằm) 10g, trúc diệp (lá tre) 9g, cát cánh 5g, cam thảo 5g, bạc hà 5g (cho vào sau, trước khi bắc thuốc ra 2-3 phút). Thêm 800ml nước, sắc còn 300ml, chia ra 3 lần uống lúc đói bụng vào sáng, trưa và chiều.

- Tác dụng: Tán phong, thanh nhiệt, thấu chẩn. Dùng chữa sởi sữa trong giai đoạn sơ khởi, bệnh nhi đang sốt cao

 

Có thể bạn quan tâm: 7 Cây thuốc nam quanh nhà chữa bệnh đau nhức xương khớp

 

Thuốc dùng trong thời kỳ hết sốt, phát ban:

Sử dụng loại thuốc có tác dụng “thanh nhiệt giải độc”. Cổ nhân thường dùng phương thuốc “Hóa ban giải độc thang”. Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng bài thuốc Nam sau:

- Thành phần: Kim ngân hoa 10g, trúc diệp 8g, , lô căn (rễ sậy) 10g, lục đậu (đậu xanh) 20g, cam thảo 5g. Thêm 1000ml nước, sắc còn 400ml, chia ra 4 lần uống lúc đói bụng vào sáng, trưa, chiều và tối.

- Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, lương huyết. Dùng chữa sởi sữa, giai đoạn sốt hạ, phát ban.

Món ăn hỗ trợ:

- Cháo kim ngân: Dùng kim ngân hoa 12g (hoặc dây kim ngân kèm theo lá 20g), đậu xanh (cả vỏ) 20g, gạo tẻ 30g. Sắc kim ngân, chắt lấy nước, cùng đậu xanh và gạo tẻ nấu cháo. Chia ra 2-3 lần ăn trong ngày.

- Cháo rễ sậy: Dùng rễ sậy tươi 50g, gạo tẻ 40g. Rễ sậy rửa sạch, thái nhỏ, sắc lấy nước, cùng gạo tẻ nấu cháo. Chia ra 2-3 lần ăn trong ngày.

comment Bình luận