Siết chặt quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định mới: Cơ hội cho các doanh nghiệp chân chính

Mặc dù chính thức có hiệu lực từ ngày 2/5/2018, nhưng phải đến tháng 3/2019 Nghị định 40 (gồm 8 Chương, 61 Điều) về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp-mới thật sự nóng lên khi hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình này đã đến thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh (GPKD) và đứng trước khả năng phải chuyển đổi mô hình do không thể đáp ứng được các quy định nghiêm ngặt của cơ quan quản lý nhà nước để có thể được cấp phép mới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và cả các doanh nghiệp trong ngành này -thì đây là một tín hiệu tích cực, giúp thanh lọc, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh vốn nhiều biến tướng tại Việt Nam. Chúng ta cùng nhìn nhận một số điểm của luật mới.
9:18 | 20/03/2019

Thứ nhất, cấm sử dụng hình thức kinh doanh đa cấp để huy động tài chính trái phép, hướng đa cấp đi đúng bản chất là hình thức phân phối hàng hóa, không bị lợi dụng cho những hình thức trái phép khác. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm. Trừ hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chếphẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tếvà các loại hóa chất nguy hiểm.

\"\"
Tập huấn Nghị định 40 cho người tham gia BHĐC ở TP Hồ Chí Minh do Cục Quản lý cạnh tranh và Công ty Unicity Marketing Việt Nam phối hợp tổ chức.

Thứ hai, về điều kiện đăng ký hoạt động BHĐC, doanh nghiệp phải ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng tối thiểu 10 tỷ đồng trở lên thay vì 5 tỷ như nghị định cũ. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Khoản tiền ký quỹ được ngân hàng phong tỏa trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp và chỉ được rút, sử dụng khi có văn bản đồng ý của Bộ Công Thương.

Thứ ba, Chương trình đào tạo cơ bản dành cho người tham gia bán hàng đa cấp phải đảm bảo thời lượng đào tạo tối thiểu 8 tiếng. Công tác đào tạo cơ bản này bắt buộc phải được thực hiện trước khi người tham gia BHĐC được cấp thẻ thành viên và phải do người được doanh nghiệp chỉ định là đào tạo viên giảng dạy. Doanh nghiệp sẽ cử người học tại cơ sở đào tạo có chương trình được công nhận. Chỉ những người hoàn thành bài kiểm tra và được Bộ Công Thương cấp xác nhận kiến thức đào tạo, kiến thức pháp luật về BHĐC mới được doanh nghiệp lựa chọn và chỉ định làm đào tạo viên. Nội dung của chương trình là kiến thức cơ bản về bán hàng đa cấp; các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động bán hàng đa cấp; các văn bản và quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng...

Thứ tư, quy định về cấp phép cho hội nghị, hội thảo, đào tạo về BHĐC cũng thay đổi đáng kể. Theo quy định tại Nghị định 40, các chương trình hội nghị, hội thảo, đào tạo về BHĐC có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo tới Sở Công Thương tối thiểu 15 ngày làm việc trước khi thực hiện. Các hồ sơ, trình tự, thủ tục thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp cũng được quy định chặt chẽ hơn.

Thứ năm, doanh nghiệp BHĐC phải có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia BHĐC, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động BHĐC của doanh nghiệp. Hệ thống công nghệ thông tin này phải được vận hành trên máy chủ đặt tại Việt Nam.

\"\"

Số lượng các công ty hoạt động theo mô hình bán hàng đa cấp giảm nhưng doanh thu toàn ngành vẫn tăng đều đặn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có trang thông tin điện tử công bố công khai các thông tin minh bạch: Các tài liệu về hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp, bao gồm giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản, thông tin về hàng hóa. Thông tin về đăng ký doanh nghiệp, trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Các quy trình, thủ tục về ký kết và thanh lý hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp...

Thứ sáu, số lượng hành vi bị cấm của doanh nghiệp BHĐC cũng rút gọn và tập trung vào các hành vi tiêu biểu (giảm từ 18 xuống còn 13). Trong đó, đáng chú ý nhất là quy định về thực hiện khuyến mại. Theo đó, doanh nghiệp bị cấm thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác.

Ngoài ra, người tham gia BHĐC còn có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người tham gia bán hàng đa cấp có yêu cầu trả lại hàng hóa hợp lệ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mua lại các hàng hóa đáp ứng điều kiện quy định.

Tất cả các Công ty BHĐC tại Việt Nam đều phải hoàn thiện và bổ sung các quy định theo đúng yêu cầu của luật mới. Trên thực tế, việc cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam ngày càng siết chặt quản lý đã mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành này, chỉ có các công ty có quy mô đủ lớn với khả năng đảm bảo về tài chính, sẵn sàng đầu tư, nghiêm túc trong hoạt động và có các sản phẩm thật sự chất lượng mới có thể tồn tại và phát triển.

Mặc dù số lượng các công ty hoạt động theo mô hình này ngày càng giảm xuống theo mỗi năm - năm 2012 Việt Nam có 78 doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, cuối năm 2017 chỉ còn 34, con số này được dự báo là sẽ tiếp tục giảm do những yêu cầu chặt chẽ và khắt khe của NĐ40 (phần nhiều do không đủ điều kiện hoạt động) - nhưng doanh thu toàn ngành vẫn tăng trưởng đều đặn.

comment Bình luận