Sau ‘bê bối’ rau chợ 'biến hình' vào Winmart, mì Omachi bị thu hồi do chứa chất gây ung thư ở Đài Loan, Masan huy động thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu

Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang gần đây phải trải qua hàng loạt “bê bối” từ vụ rau chợ “hô biến” thành rau sạch tuồn vào siêu thị Winmart, mì Omachi bị thu hồi do chứa chất gây ung thư ở Đài Loan. Mặc dù, Masan đã có những giải thích rõ ràng với khách hàng nhưng không ít người tiêu dùng cảm thấy hoài nghi về việc bảo vệ an toàn sức khỏe khi họ sử dụng sản phẩm của tập đoàn này.
7:00 | 01/11/2022

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan

Huy động 4.000 tỷ đồng không kèm chứng quyền và không có bảo đảm

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group; mã chứng khoán: MSN) vừa phê duyệt phương án phát hành 2 trái phiếu ra công chúng với tổng mệnh giá 4.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm.

Theo thông tin được công bố, 2 lô trái phiếu vừa được Masan phát hành có mã MSNH2 328001 và MSNH2 328002 với giá trị mỗi trái phiếu là 2.000 tỷ đồng.

Masan công bố thông tin huy động thêm 4.000 tỷ đồng để đáo hạn.

Các trái phiếu này đều có kỳ hạn 60 tháng (5 năm) kể từ ngày phát hành với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Dự kiến 2 lô trái phiếu này sẽ được phát hành tương ứng trong quý 1/2023 và quý 2/2023.

Lãi suất của trái phiếu thả nổi, bằng tổng của 4,1%/năm cộng với lãi suất tham chiếu (hiện khoảng 6,4%/năm). Như vậy, lãi suất của các khoản trái phiếu doanh nghiệp do Masan phát hành ra công chúng đợt này sẽ khoảng hơn 10%/năm. Mức lãi suất này cao hơn nhiều so với mức lãi suất của nhiều lô trái phiếu Masan phát hành trước đó.

Mục đích huy động vốn được Masan giải trình

Về mục đích chào bán trái phiếu, Masan cho biết sẽ huy động 2.000 tỷ đồng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của các trái phiếu BondMSN022023 (mã chứng khoán MSN12001) với tổng mệnh giá phát hành 2.000 tỷ đồng đã được phát hành ngày 30/3/2020 và đáo hạn 30/3/2023.

Masan cũng sẽ huy động 2.000 tỷ đồng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của các trái phiếu BondMSN032023 (mã MSN12003) với tổng mệnh giá 3.000 tỷ đồng đã được phát hành ngày 12/5/2020 và đáo hạn 12/5/2023.

Trước đó, vào cuối tháng 9/2022, Masan cũng đã huy động thành công 2 lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm với tổng trị giá 1.500 tỷ đồng với mức lãi suất 2 kỳ đầu cố định 9,5%/năm.

Nợ phải trả gần 93 ngàn tỷ, phần lớn là ngắn hạn


Tập đoàn Masan đang "nợ phải trả" lên đến gần 93 ngàn tỷ đồng, trong đó chiếm tới gần 64 ngàn tỷ đồng là nợ ngắn hạn.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 của Tập đoàn Masan, tổng nguồn vốn của tập đoàn này tính đến ngày 30/9/2022 là gần 128,5 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả lên đến 92,8 ngàn tỷ đồng.

Cơ cấu nợ ngắn hạn của Masan lên đến 63,3 ngàn tỷ đồng, trong đó “vay, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính” lên đến 40,1 ngàn tỷ đồng.

Cơ cấu nợ dài hạn của Masan chỉ chiếm 29,2 ngàn tỷ đồng, trong đó “vay, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính”chiếm tới 20,7 ngàn tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ trái phiếu của công ty mẹ Masan Group là 19.500 tỷ đồng. Trong số trái phiếu kể trên, có 14.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn thanh toán vào tháng 3 và tháng 8/2023, 4.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 1/2024. Đặc biệt, theo dữ liệu tài chính, Masan Group đang có khoản nợ hơn 15.000 tỷ trái phiếu không có đảm bảo.

Do gánh nặng nợ phải trả tăng cao, đặc biệt nợ ngắn hạn nên áp lực cho “chi phí lãi vay” cũng lớn và “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp. Cụ thể, tính từ ngày 01/7/2022 đến ngày 30/9/2022 (03 tháng),  chi phí lãi vay của tập đoàn Masan lên đến hơn 1,126 ngàn tỷ đồng, tính cả 09 tháng năm 2022 là gần 3,6 ngàn tỷ đồng. Tính ra mỗi ngày, Masan phải trả lãi vay lên đến 12,5 tỷ đồng.

Liên tục gặp “bê bối” về chất lượng, nguồn gốc thực phẩm sạch

Mới đây, báo chí đồng loạt đưa tin về Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods), có nhà máy tại lô F2, Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bán rau sạch rởm 'biến hình' vào siêu thị Winmart (thuộc sở hữu của Tập đoàn Masan).

Đặc biệt, trên tem của đơn vị này còn có logo biểu thị rau củ đạt chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành).

Rau củ được Công ty Trình Nhi mua ở chợ, sơ chế, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị Winmart - Ảnh: Tuổi Trẻ

Ngày 19/9/2022, trao đổi với tờ Tuổi Trẻ, đại diện WinCommerce (Tập đoàn Masan) cho biết sau khi có thông tin đăng tải trên bài báo, WCM đã lập tức kiểm tra dữ liệu nhà cung cấp Trình Nhi (Công ty TNHH nông sản Trình Nhi, hay còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods), có nhà máy tại lô F2, Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

"WinCommerce đã lập tức ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Trình Nhi khỏi quầy kệ. Đồng thời, nhanh chóng yêu cầu nhà cung cấp Trình Nhi giải trình vi phạm cam kết về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm theo hợp đồng cung cấp hàng hóa đã ký kết với WinCommerce. WinCommerce sẽ cung cấp thêm thông tin sau khi kiểm tra và xác minh đầy đủ.

WinCommerce khẳng định đây không phải chủ trương kinh doanh của công ty. WinCommerce luôn luôn tuân thủ đầy đủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm với quy trình kiểm soát chất lượng hàng hóa khắt khe nhằm đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng", WinCommerce cho hay.

Tập đoàn này cũng cho biết thêm, sự việc trên là vi phạm cam kết hợp đồng của nhà cung cấp nhưng WinCommerce nhìn nhận một phần trách nhiệm và sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ các nhà cung cấp rau khác. Đồng thời, sẽ rà soát, tăng cường, siết chặt thêm các biện pháp kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Sản phẩm mì gói Omachi hương vị tôm chua do Công ty TNHH Qianyu nhập khẩu từ Việt Nam bị phát hiện có chứa Ethylene Oxide chưa được phê duyệt

Trước đó, ngày 23/8, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan thông báo sản phẩm mì gói Omachi hương vị tôm chua do Công ty TNHH Qianyu nhập khẩu từ Việt Nam bị phát hiện có chứa Ethylene Oxide chưa được phê duyệt. Theo đó, cơ quan này đã yêu cầu thu hồi để tiêu hủy.

Tuy nhiên, thông tin với báo chí về vụ việc này, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) cho biết, đơn vị không trực tiếp xuất khẩu hoặc bán sản phẩm mì Omachi Xốt tôm chua cay cho đối tác có tên Công ty Qianyu để xuất khẩu cho thị trường Đài Loan như thông tin cảnh báo.

Masan sau đó cũng phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh và xử lý vụ việc theo quy định pháp luật hiện hành.

Theo Masan, do tiêu chuẩn quy định an toàn thực phẩm của mỗi nước là khác nhau nên các sản phẩm mì Omachi mà Masan Consumer sản xuất khi xuất khẩu cho từng quốc gia và các khu vực cũng khác nhau để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các thị trường sở tại.

Mặc dù, Masan đã ngay lập tức lên tiếng giải trình về những “bê bối” trong an toàn, chất lượng thực phẩm của mình nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn có tâm lý e ngại khi sử dụng các sản phẩm do Masan phân phối hoặc sản xuất.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin!

 

Theo CNA, ethylene oxide (EO) hiện bị cấm sử dụng trong thực phẩm ở Đài Loan (Trung Quốc) và nhiều nền kinh tế khác vì chất này được phân loại là chất gây ung thư cấp độ một. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan cho rằng, việc phơi nhiễm lâu dài với chất này có thể làm tăng nguy cơ ung thư và gây ra bệnh thần kinh trung ương hoặc thần kinh ngoại biên.

Ethylene oxide hay còn gọi là oxiran là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau.

EO không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế… nhằm diệt khuẩn Salmonella).

comment Bình luận