Sản phụ tử vong tại Bệnh viện Đức Phúc: Mạng người không thể cứ xin lỗi là xong!

Ngày 6/1, Bệnh viện hỗ trợ sinh sản và nam học Đức Phúc (Bệnh viện Đức Phúc, địa chỉ tại Ô Đồng Lầm, Đống Đa, Hà Nội) báo cáo về trường hợp sản phụ Lưu Quỳnh H. (sinh năm 1993, thường trú tại Hà Nội) tử vong sau khi điều trị y khoa tại đây.
10:34 | 07/01/2021

 

Bệnh viện hỗ trợ sinh sản và nam học Đức Phúc (Bệnh viện Đức Phúc, địa chỉ tại Ô Đồng Lầm, Đống Đa, Hà Nội) nơi xảy ra vụ việc sản phụ tử vong.

Theo hồ sơ bệnh án, 16h ngày 25/12/2020, chị H. nhập viện với chẩn đoán thai đôi 13 tuần, theo dõi một thai dị tật bẩm sinh. Tại đây, bệnh nhân được chỉ định giảm thiểu thai dị tật.

Sau khi được thực hiện thủ thuật, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân diễn biến bình thường. Đến sáng 27/12, bệnh nhân diễn biến xấu và phải chuyển qua Bệnh viện Bạch Mai để điều trị, song đến chiều cùng ngày sản phụ đã không qua khỏi.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bệnh viện Đức Phúc đã báo cáo sự việc lên Sở Y tế Hà Nội. Quá trình xác minh, Sở Y tế Hà Nội cho rằng nguyên nhân sơ bộ dẫn đến tử vong là do sản phụ bị sốc phản vệ, rối loạn đông máu.

Trước đó, sản phụ H. được thực hiện thủ thuật hỗ trợ sinh sản đặt phôi đậu và giảm thiểu sau đặt phôi tại Bệnh viện Đức Phúc.

Phía bệnh viện cho rằng, đây là sự cố y khoa không mong muốn. Bệnh viện gửi lời chia buồn sâu sắc và xin lỗi gia đình bệnh nhân về sự cố này.

Vấn đề đặt ra lúc này: Không thể cứ tử vong tại bệnh viện là vội vàng kết luận sơ sài kiểu “sự cố y khoa” và xin lỗi gia đình là xong. Để yên lòng gia đình và dư luận, rất cần cơ quan chức năng vào cuộc, lập hội đồng y khoa để có đánh giá chính xác, khách quan về sự việc, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự cần chuyển cơ quan điều tra, cũng như đưa ra cảnh báo đến người bệnh, khách hàng.

Người đại diện, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Hỗ trợ sinh sản và Nam học Đức Phúc hiện nay là ông Vũ Hoàng Nguyên

Theo một số chuyên gia ngành y, mặc dù hiện tượng sốc phản vệ là một tai biến y khoa có thể dẫn đến tử vong nhưng thực trạng này có thể giảm đi khi thầy thuốc, bác sĩ có đầy đủ kiến thức về sốc phản vệ, thận trọng khai thác kỹ tiền sử dị ứng của bệnh nhân, có chỉ định sử dụng thuốc cẩn thận và hợp lý, đặc biệt là luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu sốc phản vệ để xử trí kịp thời khi cần thiết.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm làm rõ, bác sĩ thăm khám, điều trị cho sản phụ Hoa đã tử vong tại Bệnh viện Đức Phúc có đầy đủ kiến thức về sốc phản vệ? Có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ hành nghề? Trước khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ của Bệnh viện có thực hiện các xét nghiệm, khai thác kỹ tiền sử dị ứng của bệnh nhân, ghi rõ vào bệnh án hoặc sổ khám bệnh?

Theo tìm hiểu, người đại diện, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Hỗ trợ sinh sản và Nam học Đức Phúc hiện nay là ông Vũ Hoàng Nguyên. Bệnh viện này thuộc Công ty CP Bệnh viện Đức Phúc, do người có tên Vũ Việt Dũng làm đại diện pháp luật.

Bác sĩ gây chết người trong bệnh viện có bị xử lý hình sự?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội thì các vụ việc bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện nếu cơ quan điều tra kết luận có dấu hiệu hình sự thì đều bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, căn cứ theo quy định Bộ luật Hình sự 2015, hành vi của bác sĩ có thể xem xét ở khía cạnh như sau:

Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính

1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp có thể hiểu là trường hợp người phạm tội làm chết người do không thực hiện đúng những quy tắc về an toàn lao động mà người đó phải có trách nhiệm hay có nghĩa vụ do nghề nghiệp quy định.

Những vi phạm quy tắc trên là những vi phạm thuộc phạm vi một ngành, một nghề do Nhà nước quy định có tính chất nghiệp vụ để bảo đảm an toàn cho mọi người. Do làm một nghề mà nghề đó trực tiếp liên quan đến tính mạng của con người, nên phải tuân thủ những quy tắc an toàn, nếu vi phạm dễ dẫn đến chết người.

Trường hợp bác sĩ không vi phạm những quy tắc về nghiệp vụ dẫn đến việc bị thiệt hại về tính mạng bệnh nhân nhưng qua điều tra, xác minh, cơ quan có thẩm quyền xác định được bác sĩ vẫn có lỗi vô ý trong việc gây ra thiệt hại về tính mạng của bệnh nhân thì bác sĩ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vô ý làm chết người theo quy định của BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

"Điều 128. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm."

Theo đó trong trường hợp này, nếu xác định được bác sĩ không thực hiện đúng quy tắc thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và phải thực hiện bồi thường cho gia đình bệnh nhân.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được quy định tại  Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015:

"1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Như vậy, nếu cơ quan công an có kết luận điều tra nguyên nhân cái chết bệnh nhân là do lỗi vô ý của bác sĩ thì người bác sĩ này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vô ý làm chết người hoặc vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo quy định của BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 và phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình bạn theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin.

 

 

Sốc phản vệ là một trong những phản ứng dị ứng cấp tính nguy hiểm nhất, nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ hô hấp, tuần hoàn và có thể nhanh chóng đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được xử trí kịp thời.

Nguyên nhân gây ra Sốc phản vệ

Sốc phản vệ có thể gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thuốc, thức ăn, nọc côn trùng, các yếu tố vật lý và hoá học…, trong đó thuốc là nhóm nguyên nhân rất thường gặp, đặc biệt ở nước ta khi việc sử dụng thuốc và hoá chất của người dân còn chưa được quản lý một cách chặt chẽ.

- Tất cả mọi loại thuốc và tất cả các đường dùng thuốc đều có thể gây ra sốc phản vệ ở những cá thể nhạy cảm, trong đó gặp nhiều nhất là các loại kháng sinh (đặc biệt kháng sinh nhóm penicillin), các thuốc chống viêm không steroid, các thuốc cản quang, thuốc gây tê, gây mê, vitamin C, các loại dịch truyền và chế phẩm máu… Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 1500 ca sốc phản vệ bị tử vong và 75% trong số đó là do các kháng sinh nhóm penicillin.

- Trên lâm sàng, sốc phản vệ do thuốc (thường được gọi là sốc thuốc) thường xuất hiện sau khi dùng thuốc từ vài giây đến vài chục phút, tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm của cơ thể và đường dùng thuốc, trong đó sốc phản vệ do thuốc tiêm truyền thường xuất hiện sớm hơn.

Biểu hiện của Sốc phản vệ

Sau khi tiếp xúc với thuốc, người bệnh thường có cảm giác ớn lạnh, hoảng hốt, lo sợ, sau đó dần xuất hiện các triệu chứng ở da, niêm mạc (nóng bừng, nổi ban đỏ ngứa, phù mắt, phù môi, ngạt mũi); ở hệ hô hấp (khó thở, thở rít); ở hệ tiêu hoá (đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy) và hệ tim mạch (đau ngực, đau đầu, chóng mặt, ngất, tái nhợt, tụt huyết áp). Những bệnh nhân có cơ địa dị ứng hoặc có tiền sử đã bị sốc phản vệ cũng cần phải được tư vấn và giáo dục để có thể nhận biết được các dấu hiệu sớm của sốc phản vệ do thuốc, từ đó có những biện pháp can thiệp kịp thời.
comment Bình luận