Rối loạn trí tuệ sau phẫu thuật ở người cao tuổi


Người cao tuổi, sẽ thường gặp những vấn đề liên quan đến té ngã. Và sau chấn thương gãy xương hoặc các cơn đau như thoái hóa khớp, thoái hóa hay gãy cột sống lưng... là nỗi ám ảnh với người bệnh. Nhưng ám ảnh lớn hơn là người bệnh luôn hồi tưởng lúc xảy ra chấn thương, tinh thần rơi vào tình huống không lối thoát, không có ai che chở, hỗ trợ mình, cảm giác như mình đang rơi vào vực thẳm vô hình nào đó. Gọi là rối loạn trí tuệ sau phẫu thuật.
9:40 | 29/03/2019

Ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân dù đã hết đau tại chỗ xương gãy, nhưng ngay lập tức nỗi ám ảnh do sang thương về tinh thần lúc bị tai nạn hoặc thời gian chịu đựng đau đớn do tổn thương khác kéo dài vượt trội, làm người bệnh bị xáo trộn về thời gian, không gian, không xác định được ngày hay đêm, không rõ mình đang ở nơi nào. Những ám ảnh do sang thương về tinh thần cứ mỗi lúc tăng lên và liên tục quanh quẩn ở nơi họ.

\"\"
Rối loạn trí tuệ sau phẫu thuật ở người cao tuổi

Chính vì vậy sau phẫu thuật, biểu hiện hành vi của người bệnh khác thường: Những sự kiện sang chấn tái hiện lại bất cứ lúc nào, người bệnh cảm thấy sợ hãi như: có ác mộng, có các cảnh hồi tưởng, người bệnh có thể tái diễn các triệu chứng khi bị sang chấn bởi một tác nhân kích hoạt như: nghe thấy một đoạn tin tức, nhìn thấy tai nạn, ngửi thấy mùi gợi lại sự kiện sang chấn. Nhiều trường hợp người bệnh cứ hỏi đi hỏi lại các câu hỏi kiểu như: “Mẹ đi hồi nào?”, “Mẹ té xe hồi nào?”, “Nhà mình đang sửa à, sửa lâu chưa?”, ngay cả sau té ngã hay sau phẫu thuật. Từ nói nhiều, nói không đúng chủ đề đến nói sảng và la hét, đôi khi đập phá. Tinh thần bứt rứt khó chịu, không nhận ra con cháu và người thân, đôi khi cảm giác mình không bị bệnh tại sao lại nằm tại bệnh viện và đòi về nhà. Nhớ lại nhiều chuyện xưa kia (hoài cựu ở tuổi già), cảm giác con cháu bỏ rơi mình, vì thế gọi hết tên người này đến người khác trong gia đình.

Những trường hợp khác nằm im, không tiếp xúc và thơ ơ với người xung quanh thậm chí đến lãnh đạm, coi như không có ai xung quang mình (với hoang tưởng một mình một thế giới, có nhiều màu nhiệm lung linh). Một số trường hợp nói nhiều đến la hét, không chịu nằm yên và không nghe lời người thân, thậm chí đập phá sau tai nạn gãy xương, nhưng sau khi phẫu thuật thì họ nằm yên và ngủ, nhất là các trường hợp bị tai nạn nhiều ngày không đến bệnh viện. Ngoài ra còn có thêm các biểu hiện mất các cảm xúc tích cực hoặc yêu thương đối với người khác hoặc tránh né các mối quan hệ. Có thể quên các sự kiện đau buồn hoặc không thể nói chuyện về chúng, hoặc nghĩ rằng thế giới hoàn toàn nguy hiểm và không ai có thể thể tin tưởng được, khó ngủ, khó khăn trong tập trung chú ý, dễ giật mình khi có tiếng động.

Những dấu hiệu sau phẫu thuật gặp ở hầu hết các người bệnh cao tuổi, nhất là các đối tượng sau đây: Tiền sử bị sang chấn từ nhỏ. Có nét rối loạn nhân cách như hoang tưởng, nhân cách ranh giới, nhân cách phụ thuộc và nhân cách chống đối xã hội. Không có gia đình hoặc hệ thống hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày. Người bệnh là phụ nữ. Có yếu tố di truyền bệnh tâm thần. Gần đây cuộc sống có nhiều thay đổi căng thẳng. Gần đây sử dụng rượu, bia nhiều. Các triệu chứng bất thường sau phẫu thuật ở NCT sẽ phục hồi dưới tác dụng của điều trị và chăm sóc đặc biệt tại khoa đặc biệt. Thời gian phục hồi tùy theo đối tượng và tùy vào sang thương mạnh hay yếu, tùy vào tiền sử cá nhân, thường khoảng từ 3 ngày đến 1 tuần hoặc hơn, cá biệt có trường hợp kéo dài hàng tháng hoặc hơn.

Điều trị dự phòng

Trước khi bị bệnh hay phẫu thuật, cần lưu ý quan tâm đến NCT, đặc biệt về vấn đề tâm lý: Nên tạo không gian, môi trường để người bệnh nghỉ ngơi thư giãn và tiếp xúc với các người thân trong gia đình, bạn bè xung quanh nhiều hơn để khơi gợi lại các câu chuyện, các nội dung giúp người bệnh nắm bắt và phục hồi dần những nội dung đang bị lãng quên, nhất là sau khi bị tai nạn gãy xương. Khi chưa bị ngã hoặc mới bị đau nhức ít, hãy tập thể dục đều đặn thường xuyên, giúp cải thiện trí nhớ và làm chậm quá trình lão hóa cũng như sa sút trí tuệ.

Thực hiện chế độ ăn điều độ, hợp lý như giảm ăn muối; bổ sung đầy đủ các vitamin B12, B6, folat trong khẩu phần ăn sẽ làm giảm nồng độ homocystein; bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia... sẽ giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch, nhũn não và tai biến mạch máu não. Sau phẫu thuật người bệnh rất cần đến tình yêu thương quan tâm của người thân và hãy tìm lại bệnh tật trong tiền sử để có kế hoạch chăm sóc và điều trị một cách tốt nhất.

comment Bình luận