Quyết tâm sớm đưa TPHCM trở lại trạng thái bình thường mới

Để nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, phấn đấu trước ngày 15/9, Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi người dân đồng lòng thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh. Tất cả cùng nhau quyết tâm để sớm đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới.
10:25 | 11/08/2021

 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tính từ 18g00 ngày 10/8 đến 6g00 ngày 11/8, Thành phố ghi nhận 2.128 trường hợp nhiễm mới được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 11/8.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận tổng cộng hơn 131.800 trường hợp nhiễm COVID-19.

Trong ngày 10/8, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm vaccine Vero Cell dựa trên văn bản đề xuất của các đơn vị, trong đó có Tập đoàn FPT, từ nguồn 19.000 liều được Bộ Y tế phân bổ ngày 6/7. Riêng 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm mới nhận về, Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn đang làm việc và chờ ý kiến từ Bộ Y tế.

Thành phố yêu cầu các quận huyện thực hiện tốt việc đảm bảo giãn cách, không để xảy ra lây nhiểm tại điểm tiêm vaccine và sẽ xử lý nếu đơn vị để xảy ra lây nhiễm.

Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng việc thiếu máu cấp cứu cũng như thiếu oxy trong điều trị, nên Thành phố đã đẩy mạnh vận động hiến máu trong lực lượng cán bộ, công chức, viên chức; các doanh nghiệp trong “vùng xanh”; lực lượng công an, quân đội; … và phải đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch.

Tiếp tục duy trì các Câu lạc bộ máu hiếm, ngân hàng máu sống và tiếp nhận máu tại 03 địa điểm: Trung tâm Hiến máu nhân đạo thành phố; Bệnh viện Truyền máu Huyết học; Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy, đồng thời khẩn trương xây dựng website www.giotmauvang.vn.

Hiện nay, những nỗ lực của TP.HCM đã có những tín hiệu tích cực sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách ở các cấp độ, biểu đồ ca mắc COVID-19 đã dần đi ngang, số F0 được điều trị khỏi bệnh ngày càng nhiều.

Để nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, phấn đấu trước ngày 15/9, Thành phố kêu gọi sự đồng lòng của người dân trong việc thực hiện nghiêm quy định của Chỉ thị 16, thông điệp 5K, thực hiện tốt chỉ đạo “ai ở đâu, ở yên đấy” và tham gia tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khi đến lượt. Tất cả cùng nhau quyết tâm để sớm đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới.

Ngày 10/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Thông tin tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết: Nhằm tiếp cận nhanh nhất thông tin cấp cứu từ người dân để giải quyết kịp thời việc đưa người F0 không triệu chứng khi có triệu chứng được chuyển sang khu điều trị phù hợp, TP đã chuyển cơ sở cũ của Trung tâm cấp cứu 115 về Khu Công nghệ Quang Trung, mở rộng đường truyền tiếp nhận thông tin từ 6-8 lên đến 40-55 đường truyền.

Ngoài ra, TP đã tiếp nhận 40 xe cấp cứu từ nguồn tài trợ, phân bổ tại 4 khu vực TP Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12 và huyện Hóc Môn. Cùng với đó, bổ sung thêm lượng xe cấp cứu bằng taxi từ sự hỗ trợ của các tập đoàn taxi. Các xe taxi này đều được trang bị đầy đủ thiết bị cấp cứu cần thiết như máy thở, bình oxy, test nhanh…Khi tổng đài tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu từ người dân sẽ kịp thời chuyển tới khu điều trị phù hợp, đi cùng có nhân viên y tế để hỗ trợ.

 

Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, TP đã đưa vào hoạt động 3 Trung tâm hồi sức tích cực với quy mô 1.500 giường với lực lượng nòng cốt đến từ 3 bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt, gồm Việt Đức, Bạch Mai và Trung ương Huế. Các trung tâm này đều được trang bị các trang thiết bị hiện đại như máy thở, máy lọc máu, hệ thống ECMO…, đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân nặng.

“Mỗi giai đoạn có chiến lược khác nhau để phù hợp tình hình, hiện nay TPHCM có số lượng ca tăng cao, việc tầm soát diện rộng trong cộng đồng chuyển sang tầm soát trọng tâm, trọng điểm và tập trung lực lượng cấp cứu, điều trị để hạn chế các F0 diễn tiến nặng, tử vong. Cùng với đó, để giảm tải áp lực cho hệ thống y tế, các F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ được hướng dẫn điều trị tại nhà. Sở Y tế cũng đã có văn bản cập nhật hướng dẫn mới nhất để các lực lượng, địa phương triển khai cho người dân” – Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

Về thuốc điều trị COVID-19, theo Sở Y tế, ngày 8/8, TP đã tiếp nhận lô thuốc Remdesivir đầu tiên do Bộ Y tế cấp với 10.000 lọ. Lô thuốc này được phân bổ kịp thời về các Trung tâm hồi sức tích cực của TP để đưa vào sử dụng điều trị bệnh nhân COVID-19.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp trên địa bàn TP, Sở đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết 09 để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn. Từ đó, UBND TP cũng ban hành Công văn 2209 về hướng dẫn việc triển khai Nghị quyết này.

Về việc thực hiện gói hỗ trợ lần 2 của TP, tính đến hiện tại, TP đã hỗ trợ 92% lao động bị hoãn việc, nghỉ việc không hưởng lương (52.000/56.000 người), 100% hộ kinh doanh, cá thể dừng hoạt động theo Chỉ thị 16 (5.800/5.800 hộ), 94% hộ tư nhân buôn bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn quận - huyện (15.000/16.500 trường hợp), 100% lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động (365.394/365.394 người) với kinh phí 576 tỷ đồng.

Về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh, nghề nghiệp, TP đã hỗ trợ 101.000 đơn vị, tương ứng với 2.300.000 công nhân và tổng kinh phí 1 tỷ 060 triệu đồng.

Đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, có 102 đơn vị với kinh phí 218 tỷ đồng cho 22.300 công nhân.

Liên quan đến chính sách cho vay để trả lương người lao động, có 44 doanh nghiệp đăng kí vay cho 9.600 công nhân với kinh phí 75 tỷ đồng.

Riêng chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên thuộc các công ty du lịch (Sở Du lịch) là 6.000 người với kinh phí trên 23 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ cho đạo diễn, diễn viên là 139 người với kinh phí trên 500 triệu đồng.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, TP tiếp tục mở rộng các gói hỗ trợ cho người dân khó khăn, thực hiện tiếp gói hỗ trợ đợt 3 với 900 tỷ cho 3 nhóm đối tượng. Cụ thể, hỗ trợ thêm 1,5 triệu/người cho hơn 365.000 lao động tự do không được kí kết hợp đồng lao động (phấn đấu đến ngày 15/8 phải đưa gói hỗ trợ tận tay người dân); hỗ trợ 1,5 triệu/hộ (1,2 triệu tiền mặt cùng quà tặng trị giá 300 nghìn đồng) cho 90.585 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; hỗ trợ 1,5 triệu/hộ (1,2 triệu tiền mặt cùng quà tặng trị giá 300 nghìn đồng) cho 174.000 hộ lao động gặp khó khăn đang ở nhà trọ, xóm nghèo, khu lưu trú, khu phong toả (không phân biệt thường trú hay tạm trú). Các khoản hỗ trợ này sẽ được chuyển qua tài khoản cá nhân, trường hợp không có tài khoản sẽ được hỗ trợ tiền mặt tận nhà.

Sở Lao động - Thương binh - Xã hội đảm bảo các đối tượng trên sẽ được hỗ trợ đầy đủ, không sót, không trùng, ưu tiên hỗ trợ trước cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ lao động có từ 3 nhân khẩu trở lên. Kinh phí đến từ ngân sách TP và một phần xã hội hoá.

Đối với trường hợp không may tử vong do dịch COVID-19, căn cứ theo Nghị định 20 ngày 15/3/2021, trường hợp này được hưởng mức 50 lần so với mức chuẩn hỗ trợ xã hội (Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2021 là 360.000 đồng/tháng). Từ ngân sách địa phương, TP hỗ trợ toàn bộ kinh phí mai táng tương đương 17,4 triệu đồng/trường hợp.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương, để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân ở các khu vực cách ly, phong tỏa, Sở đã phối hợp với các địa phương tổ chức phát phiếu mua hàng tại các chợ, siêu thị… các địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm phân phối hàng hóa tận nơi, giúp người dân hạn chế ra khỏi nhà.

Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp các đơn vị tiếp tục tổ chức phiên chợ với 70 mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu. Mô hình này đã hỗ trợ được 6.035 hộ dân tương đương với 24.140 nhân khẩu tại các khu phong tỏa. Người dân đã tiếp cận được 9.103 đơn hàng với tổng giá trị 2,7 tỷ đồng.

“Hiện nay, tồn kho của phiên chợ nghĩa tình còn 836,8 triệu đồng, tương đương với 2.938 đơn hàng, chúng tôi vẫn đang tiếp nhận tài trợ của các đơn vị để tiếp tục tổ chức mô hình này” - Phó Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ. Người dân trong các khu phong tỏa, khó tiếp cận hàng hóa có thể liên hệ với với tổng đài hỗ trợ khẩn cấp 0963870058 của “Phiên chợ nghĩa tình” để được hỗ trợ kịp thời.

Sở Công Thương cũng phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tuyển chọn thêm các nguồn hàng, mặt hàng và tổ chức các gói hàng hóa đóng sẵn, chở đến các khu phong tỏa để cung ứng nhanh, thuận tiện, số lượng nhiều cho người dân.

Liên quan đến việc nhân viên siêu thị được phép ra khỏi nhà sau 18 giờ hàng ngày, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thực hiện chỉ đạo tăng cường giãn cách trên toàn TP, người dân không ra đường từ 18g - 6g hàng ngày, do đó việc phân phối hàng hóa chỉ diễn ra từ 6g - 18g và thời gian cho người dân mua sắm cũng theo đó bị giảm xuống.

Để tăng thời gian chuẩn bị, sắp xếp hàng hóa và thời gian mua sắm cho người dân, TP đã chấp thuận đề xuất của Sở cho phép một số nhân viên siêu thị, cửa hàng kinh doanh được phép ra khỏi nhà từ 18g đến 6g hàng ngày. Danh sách được các đơn vị nhận diện, Sở Công Thương xác nhận và triển khai đến các lực lượng kiểm soát chốt chặn.

comment Bình luận