Cô giáo mê vẽ và dòng tranh độc đáo dành tặng cho người khuyết tật

Sinh năm 1986, Nguyễn Nhật Minh Phương hay còn gọi là Phương Uma đã ghi tên vào lịch sử Việt Nam khi trở thành người đầu tiên tạo nên dòng tranh độc đáo, có thể "vẽ" bằng dây đồng.
8:24 | 31/03/2020

Loại tranh "vẽ" bằng đồng có một không hai


Cô gái 8x đến từ Quảng Nam hiện đang sinh sống và làm việc ở TP. HCM, được nhiều người biết đến với nickname Uma. Phương từng tốt nghiệp chuyên ngành mầm non, cũng từng làm việc tại một số trường mầm non quốc tế ở TP. HCM. Không chỉ đam mê với con chữ, Uma còn rất thích hội họa. Xem tranh và những mẫu trang sức của cô, khó ai có thể tin đây là một người gần như không biết gì về hội họa. Những lúc như thế, 8x chỉ cười: “Sự thật 100% đấy. Mãi gần đây mình mới biết một vài điều cơ bản về hội họa như tỉ lệ, chân trời, màu nóng lạnh, đường chân trời… Chính vì “điếc không sợ súng” như thế mà mình đã pha ra được những màu rất lạ mà ít ai có thể pha được”.
 
Bức tranh độc đáo được “vẽ” bằng đồng.

Nhắc đến Phương Uma, chắc chắn mọi người sẽ nhớ đến người tạo ra dòng tranh độc đáo – loại tranh có thể "vẽ" bằng dây đồng. Từ 14 năm trước, Uma đã bắt đầu làm trang sức từ dây đồng. Tuy nhiên, mãi đến khi phải nghỉ dạy do viêm họng cấp tính, từ năm 2016 Phương mới bắt đầu nghiêm túc, toàn tâm toàn ý sống và cống hiến cho loại hình nghệ thuật mới mẻ này. Đôi bàn tay nhỏ bé nhưng đầy sáng tạo của 8x đã biến những sợi dây đồng cứng thành các bức tranh đầy mềm mại, tinh tế. Với Phương, làm tranh bằng dây đồng không quá khó, trước hết cần phải phác họa tranh ra giấy, sau đó tính toán khung, cách đi dây, rồi làm viền, quấn từng bộ phận và ráp nối lại, đính vào nền của khung tranh.

Sau này, Phương còn sử dụng thêm kẽm màu, dây nhuộm… để tăng thêm “hương vị” cho bức tranh. Từ việc làm cho vui, những sản phẩm của 8x đã dần biến thành hàng độc và được nhiều khách nước ngoài ưa chuộng. Hiện tại, Phương đã chứng tỏ được tài năng của mình khi thành lập Công ty Shark Uma. Dòng tranh kim loại của Uma đã được xuất đi các thị trường Mỹ, New Zealand, Thái Lan và Myanmar, có bức tranh giá lên tới 13.000 USD, còn bình thường giá thấp nhất cũng phải 2.000 USD.

Nặng lòng với người khuyết tật


Không chỉ đam mê “vẽ tranh đồng”, Uma còn là một tín đồ thiện nguyện. Trong nhiều năn qua, những dấu chân của cô đã có mặt trên hầu hết các vùng miền Tổ quốc. Từ hồi còn “ham vui ham chơi”, Uma đã đi tình nguyện với bạn. Mỗi chương trình đều mang lại cho cô gái những cảm xúc khó tả cùng những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Sau đó, 8x lại càng hết lòng với các công việc từ thiện. Trên Facebook của cô còn có Slogan vô cùng ấn tượng: “Giữ tâm sáng để bay xa rộng khắp”. Theo cô, câu này có nghĩa là luôn giữ tâm và cuộc sống của mình trong sạch, tươi đẹp để có thể ngẩng cao đầu tự hào đi khắp mọi nơi. Chính câu nói này đã hướng Phương đến một cuộc sống thanh thản, tự do mà tươi đẹp.
 
Phương Uma tỉ mỉ giảng dạy cho những người khuyết tật.
 
Không chỉ thích đi đây đó để giúp đỡ mọi người, cô gái 8x còn thường xuyên kêu gọi ủng hộ cũng như trích 30% tiền đơn hàng bán được để gây quỹ cho chương trình, mua quà, ủng hộ vật phẩm và kêu gọi người thân, bạn bè cùng hỗ trợ. Từng có người muốn “mua nghề” của Uma với giá 500 triệu, nhưng cô đã từ chối và khẳng định, dù giá cao hơn nữa cô cũng không bán. Sau đó, cũng có người mê tranh, ngỏ ý muốn bỏ tiền tỉ để Uma “làm lớn”. Thế nhưng, một lần nữa cô lại từ chối vì “muốn trải nghiệm con đường đi của riêng mình dù có khó khăn hay gian khổ”.

Thế rồi, ngay khoảnh khắc đó, không hiểu sao trong đầu Uma lại hiện lên hình ảnh những người khuyết tật trong những chuyến đi thiện nguyện của mình. Bỗng nhiên, 8x nảy ra ý tưởng và tự nhủ trong lòng: “Mình sẽ để nghề này lại cho những người khuyết tật và dạy họ cách làm. Đây sẽ là dòng tranh của các bạn khuyết tật, do chính tay của các bạn ấy làm nên. Nghĩ là làm, Phương bắt đầu tập tành, học về kinh doanh, sau đó thành lập công ty. 8x qua nhiều mối quan hệ đã tìm đến những người khuyết tật cần công việc, “chiêu mộ” họ về công ty của mình. Đến nay, công ty của Phương đã tạo công ăn việc làm cho hơn 11 người, chủ yếu là những người bị khuyết tật về chân, tay, teo cơ và khiếm tính… Những nhân viên đặc biệt này thường được Phương gọi là “Đội lên đồng Uma”.

Để giảng dạy được những học trò đặc biệt, Phương đã dành thời gian học thêm ngôn ngữ ký hiệu cũng như rèn luyện thêm tính kiên trì, nhẫn nại. Trong đó, Phương không thể không nhắc đến kỷ niệm khó quên với Dương Thị Mỹ Huyền (quê Quảng Ngãi) – cô gái bị chứng to cơ bẩm sinh, nên dù đã 24 tuổi nhưng cân nặng mới chỉ có 23 kg. Dù sức khỏe yếu, gia cảnh khó khăn nhưng Huyền vẫn thi đỗ 1 trường đại học, 2 trường cao đẳng. Tìm được công việc đúng với chuyên môn là quá khó, cho đến khi Huyền thấy được thông tin tuyển dụng từ công ty của Phương Uma.
 
Hình ảnh Phương trong một chuyến đi thiện nguyện. 

Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu tiên đến học nghề, Huyền đã cảm thấy bất lực và muốn bỏ cuộc. “Cô ơi, con chắc không thể làm được. Dù rất thích dòng tranh này, cũng thích chỗ làm này nữa, nhưng chân tay con yếu quá”, đây chính là những lời mà Huyền đã nhắn cho Uma. Nhìn sau lưng quan sát, Phương thấy rõ Huyền bất an, vai cô gái nhỏ không ngừng run, cầm cái kìm nhẹ tênh mà cứ như sắp rơi. Khi nhận được tin nhắn của Huyền, Phương thấy rất thương. “Thông thường, những người khuyết tật họ rất tự ti, nhiều việc họ nghĩ là không thể”, Phương kể lại. “Thế rồi tôi nói với em, làm cái này rất dễ, nhưng phải kiên nhẫn, tập tành dần rồi sẽ làm được”…

Chính những lời động viên này đã giúp Huyền có thêm động lực học nghề. Chỉ sau 1 tuần, Huyền đã có thể làm được hết công đoạn, kể cả khâu khó nhất và làm đẹp hơn rất nhiều người. Có công ăn việc làm và lương ổn định, Huyền luôn hết lòng cảm ơn Phương – người thầy và cũng là người truyền cảm hứng và động lực cho mình. Không riêng gì Huyền, ngày mới học nghề chú Huỳnh Ngọc Thanh (58 tuổi) cũng lắc đầu vì không thể làm được mấy thứ nhỏ li ti của bức tranh vì mắt mờ, tay to. Hiện tại đã khác, chú Thanh là người siêu giỏi trong việc “bẻ đường cong” để làm các chi tiết cho tranh, đến các chi tiết nhỏ cũng tinh tế và tỉ mỉ vô cùng. Còn đối với Phương Uma, có thể tạo công việc và “truyền nghề” cho người khuyết tật để họ có thể tự lập là điều hạnh phúc nhất cuộc đời cô.
 
Nghệ nhân vẽ tranh dây đồng đầu tiên ở Việt Nam. Nguồn: VTC Now.
 

Thùy Nguyễn (t/h)
comment Bình luận