Phương pháp can thiệp bào thai cứu cặp sinh đôi mắc hội chứng truyền máu nguy hiểm

Chưa kịp vui mừng bao lâu, người mẹ nhận thấy bụng cương cứng khó chịu thì phát hiện hội chứng truyền máu song thai nguy hiểm khiến 90% thai chết lưu. Nhờ được can thiệp sớm, bà mẹ giữ lại được 2 con.
16:11 | 31/12/2019
Những ngày cuối cùng của năm 2019 của gia đình chị Vương Thị Linh (SN 1992, quê ở Phúc Thọ, Hà Nội) tràn ngập niềm vui khi đón thêm thành viên mới. Chị hạ sinh hai bé gái song sinh khỏe mạnh là Nguyễn Tuệ Anh, Nguyễn Tú Anh ở tuần thai 33. Giờ đây khi kể lại hành trình mang thai hai cô công chúa, chị vẫn không dám tin mình lại có may mắn như vậy.
 

Phát hiện hội chứng truyền máu song thai


Thời điểm phát hiện mang song thai, gia đình chị Linh vui mừng khôn xiết. Tuy nhiên, niềm vui chẳng được bao lâu thì chị được phát hiện 2 thai chung một bánh rau, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Đúng như dự đoán, đến khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ, chị Linh thường xuyên cảm thấy bụng cương cứng, căng, khó chịu, siêu âm thấy hai con có sự chênh lệch lớn về cân nặng. Thăm khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, bác sĩ chẩn đoán chị mắc hội chứng truyền máu song thai.
 
Phương pháp can thiệp bào thai kịp cứu cặp sinh đôi mắc hội chứng truyền máu nguy hiểm
Hai bé Nguyễn Tuệ Anh, Nguyễn Tú Anh được chăm sóc sau sinh

BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - người trực tiếp theo dõi trường hợp này kể lại, phát hiện hội chứng ở tuần thứ 20 thì đến tuần thứ 23, bác sĩ phát hiện một thai hết ối bó sát vào cơ thể bé như bị hút chân không khiến bé không thể thở. Trong khi đó, thai còn lại bồng bềnh trong nước ối.

Nhận thấy tình trạng nguy cấp, ngày 21/10, các bác sĩ tiến hành hội chẩn rồi quyết định tiến hành can thiệp buồng trứng cho sản phụ. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp truyền máu song thai đặc biệt khi cả hai thai nhi đều có dấu hiệu sự sống. Các bác sĩ phải căng mình tìm được các mạch máu ở đường nối của bánh rau, đồng thời đảm bảo vị trí cân bằng để tiến hành chặn, không cho dẫn lưu máu từ thai này sang thai khác, nhằm đảm bảo dinh dưỡng cân bằng cho cả hai thai.

Bác sĩ Sim tiết lộ, ca phẫu thuật hết sức khó khăn bởi bác sĩ phải can thiệp khi cả hai thai đều cử động trong môi trường nước và qua màn hình camera rất nhỏ. Bất cứ sự sai sót nào cũng có thể khiến dụng cụ chạm vào em bé gây tổn thương. Phải hết sức khéo léo mới điều khiển được tia laser vào đúng mạch máu như ý muốn. Nếu có sai sót sẽ gây nguy hiểm cho em bé.

Ca can thiệp diễn ra suôn sẻ trong 40 phút. Sau đó, thai phụ tiếp tục được theo dõi sát sao. Kết quả hai thai nhi phát triển đồng đều. Đến đêm 28/12, chị Linh chuyển dạ ở tuần thai 33 và sinh thường hai bé lần lượt với cân nặng 1,8 kg và 1,7 kg.
 

Phương pháp can thiệp bào thai cứu cặp sinh đôi mắc hội chứng truyền máu nguy hiểm
Các bác sĩ chúc mừng sản phụ Linh

Bác sĩ Sim cho hay, đây là 2 bé sinh đôi đầu tiên chào đời khỏe mạnh sau khi được điều trị hội chứng truyền máu song thai bằng can thiệp bào thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Hiện tại, hai bé đã tự thở, bú tốt và được chăm sóc tại khoa Sơ sinh.

Các chuyên gia nhận định, bà bầu mang song thai phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn so với người mang đơn thai. Đặc biệt khi hai thai nhi chung 1 bánh rau khả năng cao mắc hội chứng truyền máu song thai.

Bác sĩ Sim cho biết, hội chứng truyền máu song thai nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây biến chứng nặng. 90% trường hợp bị phù thai dẫn tới chết lưu. 10% thai nhi mắc hội chứng này sống sót nhưng phải chịu di chứng nặng nề về não.
 

Kỹ thuật hiện đại nhất để điều trị hội chứng truyền máu song thai


Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho hay, trước đây có tới 90% trường hợp bà bầu mắc hội chứng truyền máu song thai bị chết lưu. Ngày nay, nhờ kỹ thuật can thiệp bào thai, các bà bầu được phát hiện và can thiệp sớm sẽ cứu được em bé từ trọng bụng mẹ.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh khẳng định, tại Việt Nam hiện nay Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là cơ sở công duy nhất trực tiếp thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai với tỷ lệ thành công ngang tầm các nước hiện đại trên thế giới.
 
Phương pháp can thiệp bào thai kịp cứu cặp sinh đôi mắc hội chứng truyền máu nguy hiểm
PGS Nguyễn Duy Ánh và bác sĩ Sim trong một ca can thiệp bào thai

Tính đến nay, bệnh viện đã thực hiện 15 ca can thiệp bà thai thành công với 2 trường hợp sinh con khỏe mạnh. Các trường hợp khác đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện. PGS Ánh nhấn mạnh, việc chăm sóc sau mổ rất quan trọng bởi mục tiêu là kéo dài tuổi thai càng lâu càng tốt.

Can thiệp bào tha‌i là kỹ thuật hiện đại nhất trong sả‌n khoa hiện nay, có thể can thiệp được ở hầu hết cơ quan của bào tha‌i, thậm chí cả não, tim, màng phổi. Trong khi đó, chi phí thực hiện kỹ thuật này trung bình khoảng 50 triệu đồng/ca. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang miễn phí cho 30 ca đầu tiên.

Để triển khai kỹ thuật can thiệp bào thai một cách tốt nhất, đòi hỏi phải chẩn đoán sớm tình trạng của bà bầu kết hợp với sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất trang thiết bị cũng như trình độ chuyên môn và sự khéo léo của bác sĩ.

Nước ta có tỷ lệ sinh đẻ cao, mỗi năm có tới hàng nghìn ca gặp các biến chứng, dẫn tới chết lưu, không thể chào đời. Kỹ thuật can thiệp bào thai được cho là phương pháp "cứu tinh" sẽ cứu sống rất nhiều thai nhi đứng trước nguy cơ mắc các dị tật, tai biến thai kỳ.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/07/08/thai-nhi-lon-len-trong-bung-me-the-nao_08072019120506.mp4[/presscloud]
Thai nhi lớn lên trong bụng mẹ thế nào? Video: BrightSide/Zing.vn
 
 
Hà Ly (t/h)
 
comment Bình luận