Phong tục, lễ vật cúng ông Táo

Ngày 23 tháng Chạp (23/12 âm lịch), mọi gia đình đều quét dọn bếp sạch sẽ và làm lễ cúng tiễn Táo quân về trời. Theo tín ngưỡng người Việt, đây là ngày Táo quân lên trời để trình với Thượng đế mọi việc tốt, xấu trong năm qua của gia chủ.
13:30 | 04/02/2021

Theo quan niệm của người Việt, ngày này là ngày Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ vắng mặt ở trần gian nên công việc lúc này tạm ngừng. Mọi người lo việc đón Tết. Hệ thống triều đình, làng xã, các con dấu, triện sẽ không xác nhận giấy tờ, văn bản gì nữa. Nho sinh làm “lễ tạ trường ”, thợ sơn tràng làm lễ “đóng cửa rừng”…

Theo lệ, lễ cúng ông Táo được đặt trong bếp và phải có cá chép vì tục truyền rằng ông Táo cưỡi cá chép để về trời. Ông Táo về trời sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Vào ngày này, sau khi cúng lễ xong, các gia đình đều cúng cá chép rồi đem ra sông hay ra ao thả, bởi ngụ ý “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng”. Cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công.

Ngày này, nhiều gia đình làm mâm cơm cúng thịnh soạn cùng với đồ lễ, gia chủ bẩm báo với ông Táo mọi việc vui, buồn, tốt, xấu trong năm và mong muốn trong năm mới mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió, nhờ ông Táo tấu trình điều tốt đẹp để Ngọc Hoàng ban cho gia đình được bình an, may mắn trong năm tới. Phong tục này phản ánh tín ngưỡng thờ thần thổ địa của người Việt (đất có thổ công, sông có hà bá). Việc cúng ông Táo có giá trị như cuộc tổng kết năm trên dương gian, mỗi gia đình đều nhìn lại tổng thể nội tình gia quyến trong năm, thỉnh nguyện những điều cầu ước an lành, thịnh vượng.

Lễ vật

Lễ vật cúng ông Táo thường có: ba chiếc mũ ông Công (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Chiếc mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn; mũ dành cho Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyến màu sắc sặc sỡ. Hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi. Ba bộ mũ áo, hia hài Táo quân cùng tiền vàng. Để đơn giản có khi người Việt chỉ cúng tượng trưng một chiếc mũ ông Công (có hai cánh chuồn), kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.

Những đồ vàng mã như mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta sẽ lập bài vị mới cho Táo Công.

Ngoài ra, người Việt còn cúng cá chép để các ông, bà Táo có phương tiện về chầu trời. Ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý “cá hóa long” nghĩa là cá sẽ biến thành rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được “phóng sinh” (thả ra ao hồ hay ra sông) sau khi cúng. Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Miền Nam thì lễ vật đơn giản, họ chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy. Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm mâm cỗ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...) để tiễn Táo quân

comment Bình luận