Phòng ngừa sỏi niệu tái phát bằng xét nghiệm phân chất sỏi

Ngày 5-11, Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) công bố một phương pháp mới phòng ngừa sỏi niệu tái phát bằng xét nghiệm phân chất sỏi.
9:04 | 06/11/2021

Xét nghiệm này giúp bác sĩ nhận biết thành phần của sỏi, từ đó đưa ra quyết định điều trị và phòng ngừa hình thành sỏi mới cho người bệnh thông qua lấy sỏi niệu ra khỏi cơ thể qua can thiệp không xâm lấn hay phẫu thuật hoặc người bệnh tự tiểu ra sỏi nhỏ.

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, sỏi tiết niệu đã được chứng minh là có liên quan tới nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính, bệnh thận giai đoạn cuối khi thận đã mất hoàn toàn chức năng không thể phục hồi và phải phụ thuộc chạy thận nhân tạo, ghép thận để duy trì sự sống.

Các bác sĩ đang thực hiện thủ thuật lấy sỏi cho người bệnh

Tỉ lệ các loại sỏi có sự khác biệt tùy theo địa lý, quốc gia do ảnh hưởng của khí hậu, chế độ ăn. Nhiều nghiên cứu cho thấy sỏi canxi oxalat là thành phần phổ biến nhất, chiếm 70%-80%, sỏi canxi photphat chiếm khoảng 15%, sỏi axít uric 10%.

Việt Nam là quốc gia nằm trong vành đai sỏi của thế giới, được xếp vào nhóm có tỉ lệ sỏi tiết niệu cao nhất thế giới. Điều trị sỏi thận chiếm khoảng 40%-60% số bệnh nhân điều trị trong Khoa Tiết niệu của Bệnh viện Bình Dân.

comment Bình luận