Phân biệt tắc tia sữa với áp xe vú sau sinh

Phụ nữ sau sinh rất dễ gặp hiện tượng tắc tia sữa hay áp xe vú. Hiện tượng tắc tia sữa nếu không xử lý kịp thời dễ dẫn đến áp xe vú, thậm chí là hình thành xơ tuyến vú, nhiễm trùng.
14:17 | 28/11/2019
Người bị tắc tia sữa không được xử lý kịp thời rất dễ chuyển biến thành áp xe vú, nguyên nhân do sữa ứ đọng trong bầu ngực lâu ngày, không thoát được ra ngoài. Vậy làm sao phát hiện tắc tia sữa và cách xử lý kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.
 

Nguyên nhân và biểu hiện tắc tia sữa


Sữa mẹ trong bầu ngực được tạo ra từ các nang sữa theo các ống dẫn về xoang sữa ở phía sau bầu vú. Khi em bé mút tạo thành lực hút sữa chảy ra ngoài. Hiện tượng tắc tia sữa là khi có sự tác động nào đó khiến ống dẫn sữa bị tắc, làm sữa không thoát được ra ngoài hoặc chỉ thoát ra với lượng rất nhỏ.

Các biểu hiện tắc tia sữa mà bất cứ mẹ bầu nào có thể gặp phải bao gồm: bầu vú căng cứng, đau nhức, mức độ đau và cương cứng ở vú ngày càng tăng khiến mẹ bỉm sữa vô cùng đau đớn, khó chịu, căng tức tới mức không thở nổi, thậm chí phát sốt. Khi bị tắc tia sữa sờ vào bầu ngực có cảm giác thấy nhiều hoặc một cục cứng, không tiết ra hoặc tiết rất ít sữa mẹ.
 
Phân biệt tắc tia sữa với áp xe vú sau sinh

Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây tắc tia sữa. Do sau sinh bà mẹ chưa làm thông các đầu tia sữa ở núm vú. Em bé bú mẹ quá ít làm lượng sữa dư thừa nhiều. Em bé bú không đúng cách khiến núm vú bị tổn thương hoặc vệ sinh không đúng cách tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Núm vú mẹ phẳng hoặc tụt vào bên trong gây khó khăn cho bé trong quá trình bú, đồng thời cản trở sữa thoát ra ngoài.

Nguyên nhân do sai làm của mẹ khi cho con bú như không vệ sinh lưỡi, miệng của trẻ đúng cách khiến vi khuẩn từ miệng trẻ tấn công núm vú. Sau khi bé bú xong vẫn còn một lượng sữa thừa nhất định nhưng mẹ không vắt ra gây tắc tia sữa.

Vậy khi bị tắc tia sữa cần làm gì? Thông thường khi mới bị tắc tia sữa bà mẹ chỉ cần cho con bú nhiều hơn để kích thích tiết sữa. Nếu tình trạng không được cải thiện hãy nhờ người thông tắc tia sữa chuyên nghiệp hoặc nhờ tới sự trợ giúp của bác sĩ.
 
Phân biệt tắc tia sữa với áp xe vú sau sinh

Tắc tia sữa có thể hành hạ bà mẹ rất đau đớn, khó chịu trong khi em bé không đủ sữa để bú. Lưu ý, tình trạng này nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến áp xe vú, trầm cảm sau sinh vì áp lực và mệt mỏi do tắc tia sữa, thậm chí là nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng.
 

Nguyên nhân và biểu hiện áp xe vú


Áp xe vú là hiện tượng xuất hiện các ổ viêm ở sâu bên trong tuyến vú, thường xảy ra ở phụ nữ cho con bú. Nguyên nhân hình thành các ổ viêm có thể do vi khuẩn chủ yếu là liên cầu khuẩn và tụ cầu. Vi khuẩn xâm nhập từ đầu vú hoặc lợi dụng các vết thương đi theo ống dẫn sữa đi vào bên trong gây viêm nhiễm tuyến vú, nếu không được phát hiện kịp thời sẽ hình thành ổ áp xe vú.

Biểu hiện áp xe vú như: Vùng da bên ngoài nổi sẩn, mẩn đỏ hoặc sưng tấy kèm cảm giác nóng rát. Khi sờ vào ngực sẽ thấy cục cứng, bên trong có nang chứa đầy mủ, xung quanh nang là các mô viêm. Cảm giác đau nhức sâu bên trong ngực, đau hơn khi sờ vào hoặc cử động cánh tay.

Vụ bị áp xe thường sưng to hơn, cứng chắc hơn bên còn lại, hạch nách cũng phát triển. Vú không tiết ra sữa hoặc tiết ra rất ít. Kết quả siêu âm sẽ thấy một vùng mủ hình thành ở vị trí cục cứng. Xét nghiệm máu lượng bạch cầu và tốc độ máu lắng tăng cao, công thức bạch cầu chuyển trái.
 
Phân biệt tắc tia sữa với áp xe vú sau sinh

Ngoài nguyên nhân do vi khuẩn, bà mẹ bị tắc tia sữa lâu ngày rất dễ dẫn tới hình thành áp xe vú. Nguyên nhân do sữa ứ đọng trong bầu ngực lâu ngày, không thoát được ra ngoài.

Tùy theo thể trạng, sức đề kháng của mỗi người và mức độ tắc tia sữa có thể chuyển biến thành áp xe vú nhanh hay chậm. Có người bị tắc tia sữa trong 1-2 ngày đã bị áp xe vú, có người kéo dài 3-5 ngày mới tiến triển. Do vậy, các bà mẹ bị tắc tia sữa cần nhanh chóng thông sữa càng sớm càng tốt, vừa lấy sữa cho con bú vừa tránh biến chứng nguy hiểm và cảm giác đau đớn.

Điều trị áp xe vú như thế nào?


Theo BS CKII Trần Thị Nhật Thiên Trang - Khoa Khám phụ khoa BV Từ Dũ, tùy thuộc vào tình trạng và tác nhân hình thành ổ áp xe mà bác sĩ có chỉ định điều trị phù hợp. Nếu bị áp xe vú lần đầu, kích thước nhỏ bác sĩ có thể cho dùng kháng sinh trong vòng 2 tuần để ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm. Nếu khối áp xe kích thước lớn hoặc dùng thuốc không khỏi, bác sĩ buộc phải rạch, trọc trích để tháo mủ áp xe. Ổ áp xe sẽ to dần lên, đến một mức độ nào đó sẽ tự vỡ hoặc bác sĩ chủ động chọc cho vỡ để lấy mủ ra ngoài.

Người mẹ trong thời gian điều trị áp xe vú phải chịu cảm giác vô cùng đau đớn, ngực căng tức như muốn nổ tung, sốt cao, sốt lạnh toàn thân, môi khô, lưỡi bẩn, cơ thể xanh xao, yếu ớt...

Bác sĩ sẽ khuyến cáo bà mẹ không cho con bú khi đang điều trị áp xe vú. Vì sữa có thể bị lẫn mủ, cộng với cơ thể mẹ sốt cao ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Nếu cố cho con bú sữa mẹ thời gian này rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đi phân lỏng hoặc phân có màu lạ... Do vậy, các mẹ chỉ nên cho con bú ở bên vú bình thường, bên vú bị áp xe phải hút sữa bỏ đi.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/11/28/sua-me-co-the-tieu-diet-te-bao-ung-thu_28112019130803.mp4[/presscloud]
Sữa mẹ có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Video: VTC14
 
 
Hà Ly (t/h)
 
comment Bình luận