Pfizer sẽ cung cấp thuốc 'phi lợi nhuận' cho các nước thu nhập thấp trên thế giới

Hãng dược Pfizer cho biết sẽ bán thuốc với hình thức "phi lợi nhuận" cho các nước thu nhập thấp trên thế giới.
10:20 | 26/05/2022

Tuyên bố đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ngày 25/5 ở Davos, Thụy Sĩ, nằm trong sáng kiến "Vì một thế giới khỏe mạnh hơn". Hành động này nhằm mục đích cung cấp tất cả các loại thuốc và vaccine chất lượng cao cho 1,2 tỷ người tại 45 quốc gia có thu nhập thấp.

Hãng vẫn sẽ tính chi phí sản xuất và vận chuyển, nhưng ở mức tối thiểu. Như vậy, các nước sẽ mua thuốc với mức giá rẻ hơn. Pfizer cho biết kế hoạch phân phối gồm 23 loại thuốc, vaccine thuộc sở hữu hoàn toàn, được cấp bằng sáng chế để điều trị các bệnh truyền nhiễm, một số bệnh ung thư và các bệnh viêm nhiễm hiếm gặp.

Một số thuốc tiêu biểu nằm trong danh sách là Paxlovid (điều trị Covid-19), Ibrance (điều trị ung thư vú), vaccine viêm phổi Prevnar 13, thuốc trị viêm khớp dạng thấp Xeljanz và các liệu trình điều trị ung thư Xalkori và Inlyta.

"Như chúng ta đã biết trong đợt triển khai vaccine Covid-19 toàn cầu, việc cung ứng chỉ là bước đầu tiên để giúp bệnh nhân nhận được chăm sóc y tế. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu để thực hiện các cải tiến trong công tác chẩn đoán, giáo dục, cơ sở hạ tầng, lưu trữ và hơn thế nữa", Albert Bourla, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Pfizer, cho biết.

Một phụ nữ chăm sóc con trai bị ốm tại bệnh viện Kamakwie, Sierra Leone. Ảnh:NY Times

Một phụ nữ chăm sóc con trai bị ốm tại bệnh viện Kamakwie, Sierra Leone. Ảnh:NY Times

Theo AFP, các nước đang phát triển chiếm 70% gánh nặng bệnh tật trên thế giới, song chỉ nhận được 15% chi tiêu cho y tế toàn cầu, dẫn đến những hậu quả tàn khốc.

Trên khắp châu Phi cận Sahara, cứ 13 trẻ thì có một trẻ tử vong trước khi lên 5 tuổi, so với tỷ lệ một trên 199 ở các nước phát triển. Tỷ lệ tử vong liên quan đến ung thư ở các quốc gia thu nhập thấp cũng cao hơn nhiều, trong khi điều kiện tiếp cận các loại thuốc mới nhất còn hạn chế.

Các nước nghèo thường phải chờ từ 4 đến 7 năm mới có những loại vaccine thiết yếu. Tuy nhiên, các vấn đề về chuỗi cung ứng và nguồn lực y tế khiến chúng khó đến tay bệnh nhân sau khi nhập khẩu.

comment Bình luận