Ô nhiễm từ nhà máy xử lý chất thải nguy hại, dân `bất lực` phải chuyển chỗ ở

Sống chung với mùi hôi khó chịu và sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm... đó là tình trạng mà nhiều bà con tại xã Lạc Long, xã Đồng Tâm và thị trấn Chi Nê (H.Lạc Thủy, Hòa Bình) đang phải chịu đựng gần một năm nay.
21:33 | 24/05/2019
 
Bùn thải bên trong nhà máy xử lý chất thải độc hại tại (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình).
 
Báo Sức Khỏe Cộng Đồng đã có bài phản ánh về tình trạng nhà máy xử lý chất thải nguy hại thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ Cao Hòa Bình gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của bà con tại (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình). Sau khi bài báo đăng tải đã nhận được nhiều ý kiến của người dân tại khu vực này. 

Theo đó, đã gần một năm nay, mỗi khi trời âm u hay đổ mưa luôn là một nỗi ám ảnh đối với nhiều hộ dân sinh sống tại các xã Đồng Tâm, xã Lạc Long, khu 13 Thị trấn Chi Nê... thuộc huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) bởi chất thải từ nguồn xả của nhà máy xử lý chất thải nguy hại thuộc Công ty CP Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình, đóng trên địa bàn xả trực tiếp ra theo dòng suối chảy từ trong thung về bốc mùi hôi thối và thẩm thấu vào dòng nước sinh hoạt của người dân.

Bà Trần Thị Quýt (Thôn Đồng Phú, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) bức xúc nói: "Gần một năm trở lại đây, kể từ khi nhà máy xử lý chất thải nguy hại thuộc Công ty CP Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình đi vào hoạt động thì bà con bắt đầu thấy hiện tượng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bà con ở đây đều bị mắc phải các chứng bệnh về đường hô hấp. Mà tội nhất là mấy đứa trẻ con, cứ phải nhập viện suốt. Nhiều khi buổi chiều bưng chén cơm lên mà cũng không nuốt nổi vì mùi hôi bốc lên nồng nặc”.
 
 
Ống cống được cho là của Công ty CP Môi trường Công nghệ Cao Hòa Bình xả ra ngoài suối.

Cùng quan điểm với bà Quýt, ông Đinh Phú Chính (Khu 13, Thị trấn Chi Nê) cho biết: "Gia đình tôi đã từ lâu không dám dùng nguồn nước giếng nữa vì chất thải nguy hại thẩm thấu vào. Hầu hết những giếng trong khu này không còn sử dụng được nữa.

Nguồn nước từ thung không chỉ gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn khiến cá chết, trâu bò chăn thả quanh khu vực đó cũng bị tiêu chảy nhiều ngày sau khi uống nước tại đây. Nhiều người đã mắc bệnh, nhất là trẻ nhỏ vì hít phải nguồn không khí ô nhiễm này. Chỉ đứng một lúc bên cạnh bờ suối nhưng không ai có thể chịu nổi bởi mùi hôi bốc lên và đều cảm thấy khó thở, thậm chí là nôn oẹ". 

"Trước đó tôi và nhiều người dân trong thôn đã từng vào nhà máy để làm việc. Tuy nhiên khi vào nhà máy thì bảo vệ nói bỏ lại điện thoại có chức năng chụp ảnh, ghi hình. Khi được hỏi thì bảo vệ nói đó là quy định. Chắc là phải có vấn đề thì nhà máy mới đưa ra quy định trên, nếu không thì họ việc gì phải yêu cầu như vậy? Hay họ không muốn sự việc trên bị phơi bày?", ông Chính đặt nghi vấn. 

Phản ánh về việc ô nhiễm từ nhà máy xứ lý chất thải nguy hại thuộc Công ty CP Môi trường Công nghệ Cao Hòa Bình gây ra, anh Phạm Quang T. - thị trấn Chi Nê còn vẽ bản đồ chi tiết từng khu vực trong nhà máy cho P.V xem. Anh T. nói: "Trước đó tôi đã nhiều lần ra vào khu vực nhà máy nên biết được từng ống cống xả thải được chôn lấp như thế nào. Trong số những ống cống tại nhà máy thì có một ống được chôn từ khu vực bể chứa chất thải chưa qua xử lý dẫn thẳng vào khe núi, sau đó nguồn nước từ khe núi chảy thẳng vào dòng nước suối được bà con dùng để canh tác. Đến thời điểm này thì không còn ai dám dùng nguồn nước này nữa bởi nó quá ô nhiễm".

"Chỉ cần phía nhà máy đồng ý cho vào kiểm tra, thì người dân chúng tôi sẽ sẵn sàng đưa P.V cùng cơ quan chức năng tới khu vực nhà máy và chỉ từng chỗ ông cống được chôn lấp, nguồn nước được chảy ra. Xem có đúng là như những gì chúng tôi phản ánh hay không", anh T. nhấn mạnh.
Không chỉ có người dân phản ánh về tình trạng này, mà ngay cả chính quyền xã cũng "kêu trời" vì nhà máy xử lý chất thải nguy hại thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ Cao Hòa Bình đang ngày đêm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
 
 
Bùn thải bên trong nhà máy xử lý chất thải độc hại tại (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình).

Trao đổi nhanh với P.V, ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch xã Lạc Long (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) cho hay: "Tôi nhận được rất nhiều phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường từ nhà máy xử lý chất thải gây ra. Tuy nhiên, nhà máy lại không nằm trên khu vực xã quản lý, thế nhưng việc này chúng tôi cũng đã có ý kiến lại với cấp trên để có hướng xử lý dứt điểm".

"Khi nhà máy hoạt động thì khói bốc nên cuồn cuộn đen kịt cả một khoảng, mùi hôi rất khó chịu, nước chảy từ trong thung ra thì sủi cả bọt như axit. Chúng tôi rất bức xúc chứ không riêng gì người dân, phía xã nhiều lần họp cũng đã đưa ra phương án cho người chèo lên đỉnh núi để dình, khi nào nhà máy hoạt động thì chụp ảnh, ghi hình lại rồi báo về xã để cho người vào bắt tại trận, chứ cứ để tình trạng này diễn ra thì chỉ có khổ dân thôi", ông Việt nói.

Đưa P.V đi thực địa tại giáp khu vực nhà máy, ông Nguyễn Văn Dị - Cán bộ Địa chính xã Lạc Long than thở nói: "Đấy các chú đã ngửi thấy mùi chưa? ô nhiễm kinh khủng, cái này có được gọi là thuốc độc không? đây mới chỉ là ban ngày thôi, còn về đêm thì nó kinh khủng nữa, mùi hôi xộc thẳng vào nhà, nguồn nước thì luôn trong tình trạng đen kịt, gia súc gia cầm còn lăn quay ra huống chi là người không chết thì cũng mang bệnh vào người".

Không những vậy, ở quanh khu vực gần nhà máy xử lý chất thải nguy hại thuộc Công ty CP Môi trường Công nghệ Cao Hòa Bình đã có rất nhiều hộ dân phải chuyển chỗ ở khác. Khi được hỏi thì họ cho biết nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, không khí cũng bị ảnh hưởng, người già ốm đau, trẻ nhỏ luôn trong tình trạng bị mắc các chứng bệnh lạ, chính vì không chịu nổi nên họ phải chuyển chỗ ở đi nơi khác. Chúng tôi rất mong báo chí phản ánh để các cơ quan ban ngành vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng trên, lấy lại môi trường trong sạch cho người dân không để dân phải lo sợ chuyển chỗ ở như hiện tại nữa", ông Dị nhấn mạnh.
 
Dưới đây là một số hình ảnh bùn thải bên trong nhà máy xử lý chất thải độc hại tại (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình):
 
 
 
 
 
 

Còn tiếp...
 
Nam Anh
comment Bình luận