Nhiều website đang quảng cáo thực phẩm Diabetna như thuốc chữa bệnh, người dân cẩn trọng

Bộ Y tế nhiều lần đưa ra khuyến cáo, cảnh báo các loại thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ và không thể thay thế thuốc chữa bệnh nhưng hiện nay trên internet đang rầm rộ quảng cáo thực phẩm Diabetna như thuốc chữa bệnh tiểu đường.
10:31 | 23/03/2023

Website này ngang nhiên "Review" thực phẩm Diabetna là "thuốc", có tác dụng như thần dược.

Khảo sát của PV Sức khỏe 24H cho thấy, trên website nhathuoc365.vn hiện đang đăng tải bài viết với tiêu đề “[Review] Thuốc Diabetna có tốt không? Sự thật cần biết về Diabetna càng sớm càng tốt”. Trong bài viết là đính kèm hình ảnh của thực phẩm Diabetna do Công ty TNHH Nam Dược sản xuất và Công ty TNHH Dược phẩm Ích Nhân công bố.

Bài viết trên khẳng định “Diabetna là sản phẩm duy nhất ứng dụng mẫu Dây thìa canh của nghiên cứu quốc tế, đem đến hiệu quả giúp hạ và ổn định đường huyết, ngăn ngừa biến chứng tiểu đường;  Diabetna được Viện đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa – Đại học Y Hà Nội đánh giá và công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn giúp cải thiện tình trạng bệnh tiểu đường và ngăn ngừa biến chứng tiểu đường…”.

Nhiều website bán hàng đang khẳng định Diabetna có tác dụng "ngăn ngừa biến chứng bệnh tiểu đường"

Bài viết còn đăng tải nhiều ý kiến “phản hồi” của khách hàng khi khẳng định: “Chúc mừng, anh tôi cũng bị tiểu đường 2 năm rồi và uống Diabetna thì đường huyết hạ xuống còn 6.5. Mong sản phẩm được nhiều người bị bệnh biết đến hơn nữa để tránh được những biến chứng nguy hiểm".

Trên các website như: thienmypharma.com.vn, mattaypharma.com, tamduocpharmacy.com… thì khẳng định: “DIABETNA – ngăn ngừa biến chứng tiểu đường” và rao bán với giá từ 100.0000 đồng - 110.000 đồng/hộp.

Thực tế, theo tìm hiểu của PV, thực phẩm Diabetna chỉ được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xác nhận nội dung quảng cáo: “Hỗ trợ sinh tân, chỉ khát, làm hạ đường huyết; Hỗ trợ người bệnh tiểu đường, ổn định đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường”.

Tức là thực phẩm Diabetna chỉ có công dụng “hỗ trợ” chứ hoàn toàn không có tác dụng “ngăn ngừa” hay “điều trị”. Cục An toàn thực phẩm cũng khẳng định: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Cục An toàn thực phẩm chỉ cấp phép cho Diabetna được quảng cáo công dụng là "hỗ trợ".

Trước vấn nạn quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng công dụng, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm nhiều lần bức xúc trên báo chí, việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

"Đây là nỗi bức xúc không chỉ của cơ quan quản lý mà của rất nhiều người tiêu dùng", PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho hay.

Theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Thanh Phong những bệnh nhân mắc bệnh nan y nếu phát hiện sớm, phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh. Hoặc chí ít cũng kéo dài cuộc sống. Nhưng vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa được bệnh nên không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, khi quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh, hoàn toàn không được quảng cáo, ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh, không được dùng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cán bộ y tế, của cơ sở y tế để quảng cáo.

Trả lời trên tờ Vietnamnet mới đây, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Các vi phạm phổ biến gồm: Quảng cáo sai sự thật; quảng cáo khi chưa có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các sản phẩm phải đăng ký nội dung quảng cáo theo quy định của pháp luật; quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh; lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo... ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

Năm 2022, Cục An toàn thực phẩm đã gửi 17 văn bản (với 72 link Facebook, 41 link website) tới Bộ Thông tin và Truyền thông; gửi 13 văn bản (với 76 link quảng cáo trên trang thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử) tới Bộ Công Thương để xử lý các đường link vi phạm quảng cáo, đóng đường link vi phạm hoặc xóa sản phẩm tại các gian hàng kinh doanh điện tử...

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin!

comment Bình luận