Nhiều vi phạm của Dược phẩm TW Codupha trong cung ứng thuốc sau đấu thầu

Bộ Y tế vừa công bố thông tin, hàng loạt địa phương vừa có văn bản báo cáo về những vi phạm của Công ty cổ phần Dược phẩm TW Codupha trong việc cung ứng thuốc sau đấu thầu.
6:08 | 11/08/2020

Năm 2019, Công ty CP Dược phẩm Trung ương (Codupha) là một trong những nhà thầu có tổng giá trúng thầu cung ứng thuốc lớn, lên tới trên 519,545 tỷ đồng.

Sau vụ lùm xùm thành lập pháp nhân mới để chuyển đổi đất công cho Tập đoàn Hoa Lâm tại dự án Kingdon101 (344 Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10, TP.Hồ Chí Minh). Bộ Y tế vừa công bố thông tin, hàng loạt địa phương vừa có văn bản báo cáo về những vi phạm của Công ty cổ phần Dược phẩm TW Codupha trong việc cung ứng thuốc sau đấu thầu.

Nhiều vi phạm trong cung ứng thuốc

Cụ thể, vào ngày 13/01/2020, Sở Y tế Hà Giang có Báo cáo số 07/BC-SYT gửi Bộ Y tế với nội dung: Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương CODUPHA đã có hành vi vi phạm hợp đồng khi “Cung cấp gián đoạn, không cung cấp đủ số lượng theo hợp đồng với các bệnh viện” đối với các loại thuốc: Foracort 100 Inhaler, Budecort 0,5mg Respules, Fibrofin-145.

Vào ngày 08/1/2020, Bệnh viện TW Thái Nguyên có Báo cáo số 14/BC-BV khẳng định Dược phẩm Trung ương Codupha có hành vi vi phạm hợp đồng khi “Không có hàng cung cấp và không có biện pháp khắc phục khi bệnh viện đã gửi công văn” đối với các loại thuốc: Fentanyl 0,1mg-Rotexmedica và Pethidine-hameln 50mg/ml.

Vào ngày 09/1/2020, Sở Y tế An Giang có báo cáo số 80/BC-SYT về tình hình vi phạm của nhà thầu trong quá trình đấu thầu, cung ứng thuốc năm 2019, trong đó khẳng định: Dược phẩm Trung ương Codupha đã có hành vi vi phạm hợp đồng cung ứng thuốc khi “Không giao hàng từ tháng 2/2019 đến nay” đối với mặt hàng thuốc Furosemidum Polpharma; Không giao hàng từ tháng 12/2019 đến nay đối với mặt hàng thuốc Pethidine-hameln 50mg/ml; Giao hàng gián đoạn, đến nay không giao hàng đối với mặt hàng Verapime.

Vào ngày 05/02/2020, Sở Y tế Bến Tre có Báo cáo số 221/BC-SYT gửi Bộ Y tế phản ánh, Codupha đã có những hành vi vi phạm hợp đồng cung ứng thuốc như: Gián đoạn trong cung ứng thuốc Privagin (từ 28/12/2018 đến 19/7/2019 và 04/12/2019 đến nay); Gián đoạn trong cung ứng thuốc Seaoflura (từ 28/11/2019 đến nay); Gián đoạn trong cung ứng thuốc Isiflura (từ 4/9/2019 đến nay).

Trước đó, theo kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu cung cấp thuốc năm 2019 - 2020 mà Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế công bố, Công ty CP Dược phẩm Trung ương (Codupha) là một trong những nhà thầu có tổng giá trúng thầu lớn, lên tới trên 519,545 tỷ đồng.

Bê bối về chất lượng thuốc

Tháng 4/2019, Cục Quản lý Dược vừa có Công văn số 6346/QLD-CL ngày 26/4/2019 về việc đình chỉ lưu hành thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cụ thể, Cục quyết định đình chỉ lưu hành toàn quốc Viên nén bao phim Cetirizine tablets 10mg (cetirizine 10mg), SĐK: VN-19406-15 do Công ty Windlas Biotech Private Limited (India) sản xuất, Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương Codupha nhập khẩu, đối với các lô thuốc WCH7005E, WCH7006E, WCH7007E, WCH7008E (NSX: 25/8/2018 – HD: 24/8/2020).

Quyết định đình chỉ thuốc do Dược phẩm Trung ương Codupha nhập khẩu này căn cứ công văn của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội gửi kèm các phiếu kiểm nghiệm thuốc Viên nén bao phim Cetirizine 10mg, SĐK: VN-19406-15, số lô: WCH7008E và WCH7007E, NSX: 25/8/2017, HD: 24/8/2020 do Công ty Windlas Biotech Private limited (India) sản xuất, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha nhập khẩu. Các lô thuốc Codupha nhập khẩu này không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan và định lượng.

Trước đó, tháng 7/2018, Cục Quản lý Dược đã có văn bản số 12898/QLD-CL về việc đình chỉ thuốc không đạt chất lượng đối với Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương Codupha.

Cục Quản lý Dược về việc đình chỉ lưu hành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thuốc viên nén bao phim Unicet.

Theo đó, Ngày 05/7/2018, Cục Quản lý Dược về việc đình chỉ lưu hành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thuốc viên nén bao phim Unicet (Cetirizin hydroclorid 10mg), SĐK: VN-18786-15, số lô: UUNE 1703, HD: 02/2020 do Công ty Bal Pharma Ltd. (India) sản xuất, Công ty CP dược phẩm Trung ương Codupha nhập khẩu.

Lý do bị buộc đình chỉ lưu hành và thu hồi là vì thuốc viên nén bao phim Unicet không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.

Được biết, Thuốc Unicet là thuốc chữa trị viêm mũi dị ứng, chứng viêm kết mạc dị ứng như đỏ mắt, ngứa mắt, bệnh mề đay mạn tính do Công ty Bal Pharma Ltd. (India) sản xuất, Công ty CP dược phẩm Trung ương Codupha nhập khẩu được lấy tại Công ty TNHH dược phẩm Lan Anh.

Tháng 03/2018, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 73/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha (địa chỉ: 509-515 Tô Hiến Thành, Phường 14, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh), cụ thể như sau: Phạt tiền 40 triệu đồng theo quy định tại Điển a Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được sửa đổi theo Khoản 10 Điều 1 Nghị định số 146/2016/NĐ-CP do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 12 tháng đến 24 tháng.

Lùm xùm “hô biến” đất công sang tay Hoa Lâm, có thành lập pháp nhân mới

Mảnh đất vàng có vị trí trắc địa tại trung tâm khu Bắc Hải có địa chỉ số 344 Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10, TP.Hồ Chí Minh là đất công của nhà nước do Công ty CP dược phẩm TƯ 2 (Codupha) quản lý. Đến năm 2016, Codupha giao lại cho Công ty CP phát triển đô thị Đông Dương làm dự án chung cư cao tầng.

Công ty CP phát triển đô thị Đông Dương do Tập đoàn Hoa Lâm cùng Công ty CP dược phẩm TƯ 2 (Codupha) và Công ty Phú Trí cùng thành lập với mục đích là để thực hiện các dự án bất động sản.

Khu đất số 334 Tô Hiến Thành - dự án Kingdom101 là tài sản của nhà nước do Codupha sử dụng và quản lý nhưng Codupha chỉ nắm giữ 5,86% cổ phần Đông Dương – tương đương với 29 triệu cổ phiếu (giá trị 29 tỷ VNĐ)

Việc thành lập Đông Dương, Codupha hùn vốn bằng mảnh đất trên, nhưng điều đáng ngờ là số cổ phần của Codupha trong Cty Đông Dương lại rất ít. Đó là điều kỳ lạ, nhiều người dân thắc mắc.

Theo chủ đầu tư, Kingdom101 có tổng diện tích: 55,000 m2, mật độ xây dựng 30% gồm 03 Block cao 30 tầng, trong đó 02 tầng hầm của cả 03 block thông nhau và có 986 căn hộ.

Câu hỏi, tại sao khu đất số 334 Tô Hiến Thành - dự án Kingdom101 là tài sản của nhà nước do Codupha sử dụng và quản lý nhưng Codupha chỉ nắm giữ 5,86% cổ phần Đông Dương – tương đương với 29 triệu cổ phiếu (giá trị 29 tỷ VNĐ). Điều này đồng nghĩa với việc Codupha không có quyền biểu quyết?

Đáng ngờ hơn, đến cuối năm 2018, Codupha giảm tỷ lệ vốn góp xuống chỉ còn 3,82%. Codupha được Đông Dương chi khoản lợi nhuận cố định 32,5 tỷ đồng nhưng so với giá trị mà Đông Dương sẽ thu về ước tính vài chục nghìn tỷ đồng từ dự án Kingdom101 thì không đáng là bao. Đã vậy, khoản đầu tư này của Codupha lại chính là tài sản thế chấp để Codupha đảm bảo khoản vay tài chính tại Hoa Lâm?!

Tập đoàn Hoa Lâm có thể thu lợi hàng ngàn tỷ đồng từ dự án Kingdom101.

Được biết, năm 2017, Bộ Tài Chính nêu tên khu đất 334 Tô Hiến Thành để Thanh tra Chính Phủ tham khảo phục vụ công tác thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất doanh nghiệp nhà nước. Nhưng sau đó, không hiểu vì động cơ nào mà Cơ quan chức năng lại để vụ việc này “im lặng”?

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi ghi nhận dù mảnh đất vàng tại 334 Tô Hiến Thành đang thuộc diện thanh tra về việc biến đất công thành đất tư, nhưng chủ đầu tư vẫn đang đưa ra thị trường giao dịch với với giá đắt đỏ.

Tiến độ dự án Kingdom101 đến tháng 07/2020: Bàn giao căn hộ tháp C (Monarchy); Bàn giao căn hộ tháp A (Dynasty); Bàn giao căn hộ tại tháp B (Kingsley); Thi công hệ thống tưới nước cho cây khu công viên và bồn hoa các tầng; Thi công hệ đèn điện chiếu sáng khu công viên cảnh quan; Chỉnh sửa defect khu hồ bơi, vào nước kiểm tra hồ bơi; Thi công hoàn thiện nền phòng Gym, khu vui chơi trẻ em tầng 4; Vệ sinh chỉnh sửa defect căn hộ trước khi bàn giao; Trồng cây khu công viên, cảnh quan đường nội bộ; Trồng và chăm sóc cây khu công viên, bồn hoa sảnh tầng tháp A, B, C; Chỉnh sửa defect nội thất trong các căn hộ.

Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Đông Dương là một thành viên của Tập đoàn Hoa Lâm. Chủ tịch Tập Đoàn Hoa Lâm là bà Trần Thị Lâm, quê Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).

Codupha được cổ phẩn hóa từ năm 2015. Hiện nay, đại diện phần vốn Nhà nước tại Codupha là Tổng công ty Dược Việt Nam chiếm 66% vốn.

Ban lãnh đạo Codupha hiện nay là ông Bùi Hữu Hiền (sinh năm 1971, quê Hồng Ngự, Đồng Tháp) làm Tổng giám đốc; ông Lê Văn Sơn, sinh năm 1962 làm Chủ tịch HĐQT.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất Quý II/2020 (30/6/2020) của Codupha, doanh nghiệp này có tổng cộng tài sản là 1.988 tỷ đồng nhưng nợ phải trả chiếm tới 1.770 tỷ đồng (vay và nợ ngắn hạn là 684 tỷ đồng, phải trả cho người bán ngắn hạn là 989 tỷ đồng). Trong đó, vốn chủ sở hữu là 218 tỷ đồng (vốn đầu tư của chủ sở hữu 182 tỷ đồng).

Như vậy, nợ phải trả tại Codupha đang gấp gần 11 lần so với vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Báo cáo tài chính ngày 30/6/2020 cũng thể hiện, Codupha vẫn góp vốn vào Công ty CP phát triển đô thị Đông Dương chỉ có 29 tỷ đồng.

comment Bình luận