Chuyên gia chỉ cách nhận biết mùi của nước sinh hoạt bị ô nhiễm

Chuyên gia chỉ cách nhận biết nước sinh hoạt ô nhiễm thông qua mùi. Ví dụ, nước có mùi hắc nồng có thể do tồn dư clo, nước có mùi trứng ung hoặc mùi hôi giống như nước thải có thể do nhiễm khuẩn...
18:07 | 14/10/2019
Như Báo Sức khỏe cộng đồng đã đưa tin, những ngày gần đây, nhiều khu vực dân cư tại Hà Nội phát hiện nước sinh hoạt có mùi lạ ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng vạn hộ dân. Thực tế nhiều trường hợp nước bằng mắt thường khó có thể phân biệt nước bị ô nhiễm và nước sạch vì nó không bị đục, không đổi màu. Người dân chỉ có thể phát hiện bất thường vì nước có mùi lạ.
 
Nhận biết nước sinh hoạt bị ô nhiễm trong qua 3 loại mùi đặc trưng
Một cư dân chung cư HH Dương Nội chụp ảnh nước máy tại căn hộ trong những ngày qua
 
Chiều 14/10, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng nước sinh hoạt tại hàng loạt chung cư khu vực phía Nam Hà Nội có mùi khét như mùi váng dầu. Theo đó, người dân phát hiện có doanh nghiệp đổ trộm dầu thải tại khe núi ránh gianh hai xã Phú Minh và Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình làm ô nhiễm đầu nguồn nước sông Đà.
 
Trước tình trạng này, TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA hướng dẫn nhận biết mùi của nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
 

Nước có mùi hắc có thể nhiễm chất tẩy rửa, dược liệu


Hầu hết tại các đô thị hiện đại đều sử dụng clo để khử trùng nước, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Theo quy chuẩn, mức clo tự do thường có trong nước uống từ hệ thống nước công cộng là 0,2 - 2,0 phần triệu (ppm, part per million), thậm chí có thể lên tới 5,0 ppm.
 
Nhận biết nước sinh hoạt bị ô nhiễm trong qua 3 loại mùi đặc trưng
Người dân tuyệt đối không dùng nước có mùi lạ trong sinh hoạt, ăn uống

Đặc điểm của nước tồn dư clo là có thể bay hơi sau khi tiếp xúc với không khí. Ngoài dùng để khử trùng, việc thêm clo vào để làm sạch hệ thống ống nước cũng tạo ra mùi clo mạnh. Do vậy, người dân có thể tháo nước ra trước khi sử dụng để mùi clo biến mất.

Nước có mùi hôi thối, mùi trứng ung


Theo TS. Nguyễn Hồng Vũ, nước có mùi hôi thối như trứng ung hoặc mùi nước thải thường do nhiễm khuẩn. Nguyên nhân do vi khuẩn sinh sôi, hoạt động trong nước mạnh sinh ra khí hydrogen sulfide (H2S) có mùi như trứng ung.

Có nhiều cách xác định vị trí nước nhiễm khuẩn: 

Cách thứ nhất, xác định khuẩn ở trong nguồn nước hay ở trong hệ thống thải bằng cách múc đầy một ly nước từ bồn rửa có mùi, sau đó dùng dụng cụ khuấy ly nước lên. Nếu nước trong ly có mùi, vấn đề nằm ở hệ thống xử lý nước thải, khi đó bạn phải tăng cường chất tẩy rửa để xử lý vi khuẩn.

Cách thứ hai kiểm tra nguồn nước ở vòi nóng lạnh. Nếu nước nóng chảy ra có mùi hôi rất có thể hệ thống làm nóng nước đã bị nhiễm khuẩn. Đa số các trường hợp mùi bắt nguồn từ thanh kim loại magiê làm gia nhiệt trong bể nước nóng.

Nếu mùi hôi chỉ có ở vòi nước lạnh rất có thể nguồn cung cấp nước cho hệ thống của ca gia đình đã bị nhiễm khuẩn.

Nước có mùi khét và hăng như mùi dầu mỏ, xăng, nhựa thông


Nguồn nước sinh hoạt tại gia đình ít khi phát hiện nước có mùi dầu mỏ, xăng... Nếu có rất có thể nguyên nhân do bể chứa nhiên liệu của gia đình hoặc khu vực lân cận bị rò rỉ, nguồn xả thải từ các nhà máy hoặc bãi chôn lấp, nước thải từ các hoạt động nông nghiệp ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt.

Chuyên gia khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước này trong ăn uống, không để nguồn nước tiếp xúc với thực phẩm như vo gạo, rửa rau... để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe như bệnh thiếu máu, tăng nguy cơ ung thư hoặc làm suy gan, suy thận...
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/10/14/do-trom-dau-o-dau-nguon-song-da_14102019164720.mp4[/presscloud]\
Cận cảnh khu vực khe suối bị đổ dầu thải gây ô nhiễm nước đầu nguồn sông Đà
 
 
Hà Ly (t/h)
 
 
comment Bình luận