Người phụ nữ suýt mất mạng vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn từ vết xước nhỏ ở tay

Chỉ vì một vết xước nhỏ trên tay trong lúc làm thịt lợn, người phụ nữ bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn gây biến chứng xuất huyết, suy thận nặng.
18:31 | 28/06/2019

Suýt mất mạng chỉ vì vết xước nhỏ ở tay

 
Mới đây, khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cấp cứu cho nữ bệnh nhân T.H. (35 tuổi, người Campuchia). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy thận cấp, viêm phổi, vô niệu, phù toàn thân; riêng vùng đùi, ngực xuất huyết từng mảng đang hoại tử. Nguyên nhân được cho là nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Qua khai thác từ người nhà bệnh nhân được biết, trước đó chị H. làm thịt lợn bị một vết xước trên tay. Kể từ sau thời gian đó, người phụ nữ rơi vào trạng thái mệt mỏi, thở khó, đùi, ngực bị xuất huyết. Tình trạng bệnh diễn tiến quá nhanh khiến chị H. bị sốc nhiễm khuẩn và được người thân đưa sang Việt Nam điều trị.
 
Người phụ nữ suýt mất mạng vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn từ vết xước nhỏ ở tay
Các bác sĩ tiến hành ghép da cho bệnh nhân
 
Bác sĩ Hồ Thanh Lịch, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, qua các xét nghiệm bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết do nhiễm liên cầu khuẩn lợn Streptococcus suis gây suy thận cấp. 
 
Ngay sau đó, các bác sĩ chỉ định lọc máu thải độc cho bệnh nhân, cho kháng sinh liều cao, cắt lọc da hoại tử ở vùng sau 2 chân. Sau đó các bác sĩ tiến hành ghép da bằng cách lấy phần da đùi để ghép cho vùng da bị hoại tử.
 
Sau khi được cấp cứu kịp thời, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định. Tình trạng suy thận, suy hô hấp được cải thiện. Qua 40 ngày thực hiện nuôi cấy và ghép da từ vùng da đùi phía trước, phần da ở vùng chân bị hoại tử đã sống trở lại.
 

Liên cầu khuẩn lợn lây nhiễm như thế nào?

 
Liên cầu khuẩn có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó có lợn và người. Con người có thể bị lây nhiễm liên cầu lợn theo một số con đường sau:

Ăn tiết canh của lợn bị bệnh lên cầu. Ở Việt Nam khoảng 70% số người mắc liên cầu lợn là do ăn tiết canh của lợn mắc bệnh.

Những người có các vết thương hở, sây sát ở da có tiếp xúc với máu, dịch tiết… của lợn bị bệnh liên cầu trong quá trình chăm sóc, giết mổ, vận chuyển thịt, máu lợn bệnh.

Bệnh liên cầu cũng có thể lây qua đường hô hấp khi con người hít phải liên cầu khuẩn có trong không khí do lợn bệnh ho, hắt hơi bắn ra.

 
Người phụ nữ suýt mất mạng vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn từ vết xước nhỏ ở tay
Các mảng da bị xuất huyết của một người nhiễm liên cầu lợn
 
Người nhiễm liên cầu lợn thường mắc ở hai thể:

Ở thể quá cấp tính, bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết, sốt cao, xuất huyết và hoại tử toàn thân, suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy chức năng gan, thận… và tử vong rất nhanh.

Ở thể viêm màng não, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, nôn mửa và hôn mê, nếu không điều trị sớm bệnh nhân sẽ có di chứng thần kinh như ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt.

 

Biểu hiện của người mắc liên cầu lợn

 

Người mắc vi khuẩn liên cầu lợn ban đầu sẽ có biểu hiện sốt rất cao (lạnh, tay chân run rồi lên cơn sốt cao, trên 39 độ C), đầu đau dữ dội, đau cứng cổ gáy, tri giác lơ mơ, li bì, hôn mê.

Sau đó, bệnh nhân chuyển sang các biểu hiện sốc và tụt huyết áp, suy hô hấp. Bên cạnh đó trên da xuất hiện các ban hoại tử trên da (xuất huyết rất to màu xám đen, bong tróc, hay lốm đốm).

Một số trường hợp có dấu hiệu phát ban trên da, sau 5 ngày ban không những không lặn mà càng ngày càng rõ, kèm theo mệt mỏi. Sau đó bệnh nhân có thể có biểu hiện của viêm màng não như nhức đầu, buồn nôn, nôn vọt, cứng cổ, đau khớp, liệt nửa mặt và nửa người, viêm phổi, suy gan, suy đa phủ tạng.

Nếu ở thể nhiễm trùng huyết, người bệnh sốt cao, da xanh, mệt mỏi phờ phạc, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, sốc do nhiễm độc, xuất huyết dưới da, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, rối loạn chức năng gan, đông máu nội mạc rải rác, thiểu năng thận cấp và hội chứng suy hô hấp cấp. Bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, nguy cơ tử vong rất cao.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng bệnh liên cầu lợn, người dân không nên mua bán, giết thịt và ăn thịt lợn bệnh và lợn chết. Khi phải tiếp súc với lợn nghi hoặc mắc bệnh liên cầu cần phải đeo khẩu trang, gang tay và mặc quần áo bảo hộ lao động. Tuyệt đối không ăn tiết canh lợn và nội tạng lợn chưa được nấu chín kỹ.

[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/05/21/Ăn tiết canh lợn sạch có mắc liên cầu khuẩn - VTC.mp4[/presscloud]
Ngay cả khi ăn thịt lợn mán, lợn nhà nuôi cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn. Video: VTC14

Hà Ly (Th)
comment Bình luận