Ngoài hệ thống chụp cắt lớp CT128, Bạc Liêu còn mua hệ thống CT64 với giá cao

Máy chụp cắt lớp 64 lát cắt (CT 64), cùng model, cùng hãng sản xuất và cùng nguồn gốc xuất xứ nhưng Bệnh viện Trẻ em TP. Hải Phòng chỉ phải mua hết 22,4 tỷ đồng, còn Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu mua hết 30,6 tỷ đồng.
6:52 | 26/10/2020

Hệ thống CT 64 lát cắt của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng có giá trị 22,4 tỷ đồng.

Mua giá cao, tiết kiệm sau đấu thầu… 0 đồng

Mới đây, vào ngày 04/8/2020, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu Trần Hoài Đảo ký Quyết định số 2397/QĐ-SYT về việc Phê duyệt lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 08: Mua toàn bộ trang thiết bị y tế thuộc Dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Quân dân Y tỉnh Bạc Liêu.

Theo đó, Công ty Cổ phẩn Trang thiết bị và vật tư Y tế Hà Nội (Cty Y tế Hà Nội) (số 55, ngõ 7, đường Nguyên Hồng, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội) là doanh nghiệp trúng thầu với giá trị 42.254.100.000 đồng, tiết kiệm được… 0 đồng cho ngân sách Nhà nước sau đấu thầu. Nguồn vốn lấy từ ngân sách của tỉnh giai đoạn năm 2016 -2020.

Sở Y tế Bạc Liêu mua hệ thống CT 64 có giá lên đến 30,6 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Cty Y tế Hà Nội được thành lập từ năm 2005, hiện nay do ông Trần Viết Tráng làm đại diện pháp luật.

Trong danh sách các thiết bị y tế mà Cty Y tế Hà Nội cung cấp cho Bạc Liêu có: “Máy chụp cắt lớp điện toán 64 lát cắt (CT 64), Model: Revolution EVO, Hãng sản xuất: GE, Xuất xứ: Nhật Bản” với giá trị là 30.599.000.000 đồng.

Trong tổng gói thầu 42.254.100.000 đồng, Sở Y tế Bạc Liêu phải bỏ ra 30,6 tỷ để mua hệ thống CT64 lát cắt.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, hệ thống CT 64 mà Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu mua sắm cho Bệnh viện Quân dân Y tỉnh có giá cao hơn nhiều địa phương khác.

Cụ thể, vào ngày 24/8/2018, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng phê duyệt mua Hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính với giá trúng thầu là 22.480.000.000 đồng. Doanh nghiệp cung cấp là Liên danh HPMESC-VINATECH. Trên trang web của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng giới thiệu: “Mới đây, bệnh viện đã bắt đầu đưa vào sử dụng hệ thống cắt lớp vi tính 64 dãy đầu dò mới GE Revolution Evo với nhiều ưu điểm vượt trội… Nhờ vận tốc quét của máy khá cao, mỗi lần quét 64 lát cắt với 64 dãy đầu dò giúp rút ngắn thời gian chụp một cách đáng kể. Bệnh nhi không phải nhịn thở lâu hoặc nhịn thở nhiều lần khi chụp. Một lần chụp sọ chỉ mất khoảng 6-10 giây, chụp ngực khoảng 12 giây (phù hợp khả năng nhịn thở của trẻ em), chụp bụng tiểu khung chỉ hết 18 giây, quét mạch máu toàn thân...”.

Như vậy, tuy cùng công suất (64 lát cắt), model (Revolution EVO), hãng sản xuất (GE), xuất xứ (Nhật Bản) với loại máy mà Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu đấu thầu nhưng Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng chỉ phải mua với giá 22.480.000.000 đồng (thấp hơn Bạc Liêu tới 8 tỷ đồng).

Ngoài ra, một số địa phương, cơ sở khác mua hệ thống CT 64 lát cắt có giá rẻ hơn Bạc Liêu hàng chục tỷ đồng, như: Vào tháng 8/2020, Bệnh viện 199 chỉ phải mua hệ thống CT Scanner 64 lát cắt với giá 20,8 tỷ đồng (Công ty CP Thiết bị vật tư y tế Thanh Hoá trúng thầu); tháng 5/2017, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cũng mua Hệ thống CT 64 với giá 22,9 tỷ đồng (Công ty TNHH XNK Thiết bị y tế Đại Phát trúng thầu)…

“Truyền thống” mua giá cao

Trước đó, như Sức Khoẻ 24H đã phản ánh, ngoài hệ thống CT64 thì Sở Y tế Bạc Liêu cũng từng mua hệ thống CT128 với giá lên đến gần 40 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 21/12/2017, Sở Y tế Bạc Liêu ban hành Quyết định số 2837/QĐ-SYT về việc Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu “Gói thầu số 32: Hệ thống CT Scanner 128 lát cắt, máy chụp X-quang di động cao tần, hệ thống nội soi tán sỏi tuỵ mật ngược dòng (ERCP), máy rửa ống soi”. Tên dự án: Mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu.

Hệ thống CT 128 mà Sở Y tế Bạc Liêu mua có giá lên đến gần 40 tỷ đồng, trong khi đó Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM mua hết 19 tỷ đồng (cùng công suất, cùng nhãn hiệu, cùng xuất xứ tại Nhật Bản).

Theo đó, Liên danh Công ty CP Đầu tư thương mại T&C Hà Nội – Công ty TNHH Dược phẩm trang thiết bị Y tế T.D là doanh nghiệp trúng thầu. Giá gói thầu là 48.820.000.000 đồng, giá trúng thầu là 48.785.000.000 đồng (giảm được 35 triệu đồng).

Trong đó, riêng Hệ thống CT- Scanner 128 lát cắt, có thông số kỹ thuật: Hãng sản xuất: GE – Mỹ, Gồm: Các bộ phận máy chính; các chương trình và gói phần mềm, Thiết bị phụ trợ; Xuất xứ; Nhật Bản, có giá trúng thầu lên đến 39.830.000.000 đồng.

Công ty CP Đầu tư thương mại T&C Hà Nội có địa chỉ tại Phòng 607 tầng 6, tòa nhà Vinahud, đường Trung Yên 9, KĐT Tr, phường Trung Hoà (Cầu Giấy - Hà Nội). Thương nhân chịu trách nhiệm pháp luật của T&C Hà Nội là ông Lê Quang Dũng.

Còn, Công ty TNHH Dược phẩm trang thiết bị Y tế T.D (địa chỉ: 429 Võ Văn Tần, Phường 05, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) do người đại diện pháp luật là có tên là Lê Minh Tuệ.

Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên, cũng xuất xứ từ Nhật Bản và nhãn hiệu: GE và công suất 128 lát cắt nhưng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chỉ phải mua hết 19 tỷ đồng (thấp hơn Sở Y tế Bạc Liêu tới 20 tỷ đồng).

Cụ thể, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vừa có thông báo số gói thầu “Mua sắm trang thiết bị y tế - Hệ thống CT Scanner 128 lát cắt vòng quay (64 dãy đầu thu)” đã được Công ty CP Đầu tư tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo trúng thầu với giá trị 19.135.000.000 đồng. Thông số kỹ thuật mà Công ty Y Đạo trúng thầu là: Hệ thống CT Scanner 128 lát cắt/vòng quay và có xuất xứ từ Nhật Bản, Nhãn hiệu: GE.

Cũng liên quan đến đầu tư hệ thống máy chụp cắt lớp điện toán (CT Scanner 128 lát cắt), vào tháng 4/2019, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) có thông báo doanh nghiệp trúng thầu là Công ty TNHH dược phẩm trang thiết bị y tế T.D và có giá trúng thầu là 15.350.000.000 đồng (thấp hơn Sở Y tế Bạc Liêu tới gần 25 tỷ đồng).

Việc giá thiết bị y tế cao hay thấp còn phụ thuộc nhiều vào model, cấu hình, nguồn gốc xuất xứ, đào tạo nhân sự, truyền thông, bảo trì, bảo hành… do vậy, chưa thể khẳng định Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu hoặc doanh nghiệp trúng thầu “nâng khống” thiết bị y tế.

 

Xử lý nghiêm nâng khống thiết bị y tế

Sáng 13/10/2020, tại TP. Hải Phòng, tiếp xúc cử tri hội viên Câu lạc bộ Bạch Đằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Với lĩnh vực y tế, Thủ tướng khẳng định xã hội hóa ngành y tế là cần thiết, nhưng phải công khai, minh bạch, sai phạm phải xử lý nghiêm. Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo việc công khai hóa giá hải quan nhập khẩu thiết bị và những hình thức khác để giám sát giá thiết bị, không để vấn đề xã hội hóa bị lợi dụng để phục vụ tốt nhất quyền lợi của người bệnh.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, tạm giam ông Nguyễn Quốc Anh, 61 tuổi, PGS.TS, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; ông Nguyễn Ngọc Hiền - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; bà Trịnh Thị Thuận - Kế toán trưởng, Trưởng phòng tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai cùng về tội về tội Lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ Luật hình sự 2015; Phạm Đức Tuấn, 42 tuổi, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS; Ngô Thị Thu Huyền, 37 tuổi, Phó giám đốc BMS để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú với Trần Lê Hoàng, 42 tuổi, thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS).

Quá trình lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, tờ khai Hải quan ghi nhận sản phẩm được nhập khẩu giá 7,4 tỷ đồng, bao gồm cả thuế VAT. Tuy nhiên, những người này bị cáo buộc nâng khống giá của hệ thống lên 39 tỷ đồng và hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý, đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai.

Từ tháng 2/2017 đến hết năm 2019, robot Rosa đã phẫu thuật khoảng 550 bệnh nhân tại Bạch Mai. Với việc nâng khống giá trị máy lên gấp hơn 5 lần khi nhập khẩu, cơ quan điều tra xác định, khi thực hiện đề án - Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã tính giá và thu của bệnh nhân số tiền cao gấp hơn 5 lần số tiền mà đáng ra người bệnh phải trả.

Tại Hà Tĩnh, ngày 18/9, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Mai Thị Hoa, Giám đốc Công ty CP đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh, để điều tra về tội trốn thuế.

Theo kết quả điều tra bước đầu, từ tháng 8-12/2018, Công ty CP Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh do bà Mai Thị Hoa làm giám đốc đã mua 4 bộ máy giặt, máy sấy công nghiệp của Công ty CP The One Việt Nam (trụ sở tại TP.Hà Nội) với tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng. Sau đó, Công ty thiết bị y tế Hà Tĩnh bán 4 bộ máy giặt, máy sấy công nghiệp này cho 4 bệnh viện tuyến huyện ở Hà Tĩnh với giá 12 tỉ đồng.

Cuối tháng 4/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đối với Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội cùng nhiều cán bộ của trung tâm này. Về doanh nghiệp, khởi tố và tạm giam Đào Thế Vinh, giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, tổng giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.

Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập.

comment Bình luận